Ca 21. Chống chỉ định -Thuốc tác dụng lên hệ renine-angiotensine ở phụ nữ mang thai

Một phần của tài liệu Nhịp cầu dược lâm sàng bài số 2 bệnh tăng huyết áp và cách phòng tránh (Trang 67 - 68)

Bệnh nhân nữ C., 31 tuổi, bị tăng huyết áp vô căn có tính chất gia đình. BN được điều trị 4 năm nay bằng Renitec 20 (enalapril) và Célectol (celiprolol) và huyết áp bệnh nhân ổn định. Hôm nay, BN đến quầy thuốc với một đơn thuốc mới của bác sĩ tim mạch: Dừng Renitec và Célectol; bổ sung Trandate( labetalol) 2 lần / ngày; Catapressan(clonidin) 1 viên vào buổi tối trong 5 ngày, sau đó uống hai lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối.

Tại sao lại có sự thay đổi này trong điều trị?

Bạn rất ngạc nhiên vì sự thay đổi thuốc đột ngột của bệnh nhân và tự hỏi nguyên nhân là do BN không dung nạp với Renitec và Célectol hay do huyết áp bệnh nhân không được kiểm soát tốt với thuốc cũ ? Câu trả lời rất đơn giản: trong lần khám trước với bác sĩ phụ khoa, chị C. bày tỏ mong muốn có thai. Bác sĩ này ngay lập tức báo với bác sĩ tim mạch của chị để thay đổi thuốc điều trị hạ huyết áp trước khi bắt đầu mang thai.

Phân tích ca:

Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai gây nguy hiểm cho bà mẹ và thai nhi như: phù, protein niệu, nguy cơ co giật hay đột quỵ cho người mẹ, chậm phát triển thai, suy thai, gây thai chết lưu.

Theo dõi huyết áp (và protein niệu) là cần thiết trong quá trình mang thai và mục tiêu điều trị tăng huyết áp là 140/90 mmHg. Đối với một phụ nữ có tăng huyết áp trước đó, việc điều trị và huyết áp mục tiêu cần phù hợp với việc mang thai.

Một số thuốc chống tăng huyết áp không nên được sử dụng ở phụ nữ mang thai: + thuốc lợi tiểu vì làm giảm tưới máu thai,

+ thuốc tác dụng lên hệ renine-angiotensine như nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensine, nhóm kháng thụ thể của angiotensine II do có thể gây quái thai ở 3 tháng đầu thai kỳ và gây độc cho thai nhi ở quý 2 và quý 3 thai kỳ.

Đối với chị C., các bác sĩ tim mạch đã bỏ Renitec (chống chỉ định trong thai kỳ); thay Célectol (celiprolol) bởi Trandate (labetalol) là mộtthuốc chẹn alpha và beta được dùng từ lâu ở phụ nữ có thai và bổ sung điều trị với thuốc hạ huyết áp trung ương (clonidin), thường được sử dụng cho phụ nữ có thai kết hợp với một thuốc chẹn beta.

Thái độ xử lý

- Cần thiết phải giải thích lại lý do thay đổi điều trị cho bệnh nhân. Có thể dừng Celectol mà không cần giảm liều từ từ vì nó được thay thế bằng một thuốc chẹn beta khác. Catapressan dùng liều khởi đầu một viên vào buổi tối trước khi đi ngủ, và sau đó tăng lên 1 viên vào buổi

sáng và 1 viên vào buổi tối sau 4 hoặc 5 ngày. Phải thông báo cho bệnh nhân về nguy cơ buồn ngủ (do tác dụng phụ của thuốc hạ huyết áp trung ương), có thể ảnh hưởng không tốt khi lái xe. Không được dừng đột ngột 2 thuốc này trong bất kỳ trường hợp nào.

- Chị C. phải theo dõi chặt chẽ huyết áp và protein niệu trong suốt thai kỳ.

- Việc điều trị này phải đi kèm với những thay đổi lối sống cần thiết, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai: giảm lượng muối (natri), nghỉ ngơi, bỏ hẳn rượu và thuốc lá. Cảnh báo cho bệnh nhân tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc.

- Tư vấn cụ thể cho bệnh nhân vào đầu thai kỳ.

Chú ý:

Thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển và thuốc kháng thụ thể angiotensin II (sartan) là chống chỉ định trong thai kỳ vì nó gây nguy cơ mắc bệnh và tử vong cho thai nhi và/hoặc trẻ sơ sinh. Những thuốc này nên dừng ngay khi có thể nếu dự định có thai, nếu không, dừng càng sớm càng tốt ngay khi có chẩn đoán mang thai.

Người dịch: Trần Phương Thảo, sinh viên năm 4, ĐH Dược Hà Nội.

Người hiệu đính: DS. Đỗ Thị Hà, BV Roanne, Pháp

Ca 22: Chống chỉ định - Chẹn beta giao cảm và Tăng huyết áp, COPD

Một phần của tài liệu Nhịp cầu dược lâm sàng bài số 2 bệnh tăng huyết áp và cách phòng tránh (Trang 67 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)