(captopril - ức chế men chuyển), 2 viên/ngày. Tháng 10 năm ngoái, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm khớp cần điều trị bằng corticosteroid cho đến khi hết đau. Bệnh nhân do vậy được chỉ định Medrol 16mg (methylprednisolone), 2 viên/ngày trong vòng 1 tháng, sau đó chuyển sang chế độ 1 viên/ngày. Kể từ tháng 1, bệnh nhân vẫn dùng Medrol 16mg liều 1 viên/ngày. Cơn đau của bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, liều thuốc điều trị tăng huyết áp của bệnh nhân đã được thay đổi: tăng liều của Lopril lên 75 mg/ngày, sau đó là 100 mg/ngày chia 2 lần. Tháng trước, chỉ số huyết áp của bệnh nhân vẫn ở mức cao và bác sĩ đã kê thêm thuốc Tenormine (atenolol, nhóm chẹn beta) để kiểm soát tình trạng này. Hôm nay, vợ bệnh nhân khi đến mua thuốc mới theo đơn cho chồng: Medrol 16 mg, 1 viên/ngày; Lopril 50, 3 viên/ngày và Tenormine 100, 1 viên/ngày. Bà có cho biết dạo này tinh thần của chồng bà không tốt. Ông thường hay lo lắng, bồn chồn và không hiểu lý do tại sao thuốc được kê không thể kiểm soát tình trạng tăng huyết áp. Thêm nữa, bệnh nhân còn rất mệt mỏi và cảm thấy khó khăn khi đi bộ mỗi sáng theo thói quen. Thời gian gần đây, bệnh nhân còn thấy chán ăn do không cảm thấy ngon miệng. May mắn là bên cạnh đó, tình trạng đau do viêm khớp của bệnh nhân đã được cải thiện tốt hơn rất nhiều.
Liệu có phải bệnh nhân C. bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm?
Những biểu hiện được mô tả ở bệnh nhân (tinh thần kém, mệt mỏi và chán ăn) phải được đánh giá thận trọng vì đó có thể là dấu hiệu của hội chứng trầm cảm. Tuy nhiên, các dấu hiệu này xuất hiện sau khi thay đổi đơn điều trị nên cũng cần phải cân nhắc đến những phản ứng có hại của thuốc.
Liều Medrol bệnh nhân đang dùng để điều trị là tương đối cao đối với phác đồ điều trị kéo dài trong nhiều tháng và thường dễ gây ra các phản ứng bất lợi, bao gồm tác dụng giữ nước là nguyên nhân gây tăng huyết áp của bệnh nhân. Chính do sự tăng chỉ số huyết áp này mà bác sĩ đã phải:
- Thêm vào phác đồ điều trị bệnh tăng huyết áp ở bệnh nhân một thuốc chẹn beta-giao cảm atenolol, gây chậm nhịp và giảm cung lượng tim, có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân mệt mỏi trong một, hai tháng đầu tiên dung thuốc.
- Tăng liều của Lopril, có thể dẫn đến thay đổi vị giác, làm bệnh nhân thấy chán ăn. Đây là tác dụng phụ đặc trưng của captopril liều cao.
Một số tác dụng có hại của nhóm chẹn beta giao cảm
Trầm cảm
Mệt mỏi, khả năng vận động giảm
Bất thường về giấc ngủ, ác mộng
Táo bón
Tay chân lạnh
Làm trầm trọng bệnh hen hay COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính)
Gây tăng đường huyết, làm che giấu dấu hiệu cơn hạ đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ
Rối loạn cường dương (sinh dục)
Ngừng thuốc đột ngột gây phản ứng dội ngược với tăng huyết áp và đau thắt ngực
Xử trí
Bệnh nhân C. cần được giải thích về sự cần thiết phải tăng liều, thay đổi phác đồ điều trị tăng huyết áp của mình. Đối với đối tượng bệnh nhân trên 80 tuổi, việc điều trị tăng huyết áp đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc ngăn ngừa tai biến mạch máu não. Đích kiểm soát huyết áp trong trường hợp này là huyết áp tâm thu dưới 150 mmHg và không có hạ huyết áp tư thế đứng.
Khi đã hết triệu chứng của bệnh viêm khớp, liệu pháp corticosteroid sẽ được ngừng dùng, huyết áp động mạch của bệnh nhân nên được kiểm soát, tái thiết lập lại ở những giá trị trước đó.
Sự mệt mỏi bệnh nhân đang gặp sẽ biến mất sau khi tiếp tục điều trị bằng thuốc chẹn beta một thời gian. Đối với chứng rối loạn vị giác, bệnh nhân cần nói chuyện với các bác sĩ để giảm liều của Lopril hoặc đổi sang một ACEI khác. Việc thay thế Lopril bằng Triatec (ramipril) giúp làm giảm các rối loạn vị giác trong một vài ngày và bệnh nhân sẽ có lại cảm giác ngon miệng sau đó.
Lưu ý
Bắt đầu điều trị bằng thuốc chẹn beta có thể gây ra mệt mỏi trong một hoặc hai tháng đầu. Sự mệt mỏi này sẽ biến mất khi tiếp tục liệu pháp điều trị ở những tháng sau đó.
Dịch : SVD5. Dương Khánh Linh, ĐH Dược Hà Nội Hiệu đính. DS. Lê Bá Hải, BM Dược lâm sàng, ĐH Dược Hà Nội
Ca 11. ADR - Hạ đường huyết và Chẹn beta