B. PHẦN NỘI DUNG
2.2.1. Những suy tư về cuộc sống của anh sau chiến tranh
Chiến tranh với những người lính là những đêm mất ngủ canh giữ quê hương, là những khát khao bỗng về một ngày độc lập thống nhất đất nước, là những ngày cơn sốt rét hoành hành thể xác, rồi những ngày đau thương, nén nước mắt chôn cất bạn bè và suy nghĩ không biết bao giờ lại đến mình,….là nhiều nhiều lắm những suy tư nhưng họ đều hiểu rằng họ phải đấu tranh bởi vì họ chỉ có một con đường là cầm súng. Chỉ có cầm súng thì họ mới là họ - là những con người biết hi sinh những gì của mình chỉ vì độc lập, tự do. Nên khi chập chững bước vào cuộc sống mới có đôi lúc những suy tư của họ lại mang một màu sắc mới, những cảm nhận sâu sắc hơn và có khi lại đau đớn hơn trong bi kịch của chính bản thân mình. Những người lính của tiểu thuyết Vòng tròn bội bạc cũng thế, đặc biệt đó là nhà báo Trần Hoài Linh, anh cũng là một người lính đã đi qua những năm tháng chiến trường ác liệt đã nếm trải hết những gì mà mình không thể nghĩ là có thể vượt qua được nếu không có niềm tin vào Đảng vào những người đồng đội anh em. Anh trăn trở về xã hội, con người và cả những giá trị cuộc sống mà anh đang vất vả tìm kiếm.
Điều đầu tiên có thể thấy đó là lời hứa gặp nhau khi họ - những người lính làm sao để gặp lại nhau khi đã ổn định cuộc sống. Xuất hiện đầu tác phẩm là cảnh bốn con người, bốn ngôi sao may mắn còn lại trong cái bao la vũ trụ những người bạn đã cùng họ ra đi, chỉ còn họ sống sót để có thể bước về lại cuộc sống mà họ từng đấu tranh để giành lấy. Sợ rằng không biết trong cuộc sống mới, những thay đổi mới thì tình đồng chí, anh em họ có còn giữ được như trong những tháng ngày xưa hay không? Đã làm xong phần việc của mình và bấy giờ họ sẽ bước vào một cuộc chiến mới cũng không kém phần thử thách “Thế là xong! Xin giã từ binh nghiệp từ đây - Anh khà một tiếng nói tiếp, không giấu được đôi chút ngập ngùi nhẹ nhõm - Mỗi người đã làm xong phần việc của mình không đến nỗi tồi. Bây giờ chuyển sang
cuộc sống khác, tay trắng và bít bùng chưa biết thế nào nhưng kệ nó. Sống được là may rồi.”[12, tr. 7]. Họ biết trước cuộc sống mới để hòa nhập không phải là một điều đơn giản, trong chiến tranh chỉ cần cầm chắc tay súng với cái tinh thần sắt đá cứu nước mà từ đó vượt lên gian khổ để bước đi, nhưng cuộc sống này bắt con người phải có những cú lách ngoạn mục mới có thể trụ vững với thời đại. Họ biết rõ sau này khó mà có những lúc anh em có thể gặp nhau để hàn huyên tâm sự, trút cạn nỗi lòng mình như những năm tháng ở rừng. Cẩn thận trao cho nhau những thông tin về bản thân, họ nói một cách dõng dạc như đang trong một buổi điểm danh quân số. Họ sẽ không có nhiều cơ hội để gặp lại nhau. Và khi gặp lại nhau họ cũng chẳng biết được rằng nếu có thể gặp lại thì tình đồng chí, đồng đội này có còn được mặn mà như xưa hay là những giây phút vội vã chào nhau rồi lặng lẽ lướt qua nhau trong cuộc sống tấp nập, đông đúc này. Những kỉ niệm đau thương trong quá khứ liệu rằng có còn mãi sau từng lớp bụi thời gian, hay chính thời gian - sự phá hủy cay nghiệt này sẽ khiến họ phải mất đi những điều quý giá về nhau. Suy tư này hoàn toàn hợp lý bởi vì trong chính cuộc sống hiện tại chúng ta cũng có thể cảm nhận sâu sắc một điều những giá trị tình người có thể dễ dàng mất đi hay bị cuốn theo dòng xoáy của cuộc đời, có những kỉ niệm chỉ là để mà nhắc lại chứ không mang một ý nghĩa nhân văn nào trong khi con người đang mãi mê với cuộc sống kiếm tiền nhằm đáp ứng cho nhu cầu vô hạn của con người, những giá trị đó bị lãng quên hay đúng hơn con người không muốn khơi màu quá khứ.
Anh trăn trở về những mối quan hệ gia đình và xã hội sẽ như thế nào. “Liệu mình có nên trở về như thế này không nhỉ?”[25, tr. 65]. Đã không ít lần làm buồn lòng người mẹ hiền luôn mong ngóng anh về, tranh cãi với ba và cả không vừa ý với những người anh em, người cháu mà mình luôn yêu thương mỗi khi nhớ về gia đình. Chính anh đã tạo ra những rạn nứt đó. Anh thầm tự trách mình nhưng anh lại không biết làm sao để xóa lấp những khoảng trống ấy. Có lẽ cuộc sống thay đổi và con người đặc biệt là những người lính như anh cần có nhiều thời gian và cơ hội hơn để làm lành những vết thương trong lòng, cũng như vết rạn mà họ mang lại cho mọi người. Mỗi gia đình sẽ có những khó khăn và vướng mắc riêng. Ví như hai gia đình hàng xóm của Linh. Một bên thì luôn đánh chửi nhau không biết chán mà năm
tác với nhau mà lại không có một thiên thần nào. Anh thật sự nghĩ không ra điều đó? Và anh cũng chẳng biết mình sẽ rơi vào trường hợp nào khi lập gia đình? Gia đình là tế bào của xã hội, đó cũng là nơi duy nhất bảo vệ ta mỗi khi vấp ngã, là nơi bình yên nhất với mỗi người con đi xa về. Nhưng anh lại cảm thấy lạc lõng với chính nó, anh luôn thầm nói với bản thân là thay đổi để hòa hợp nhưng hình như anh càng cố lại càng xa. Không những thế, còn những mối quan hệ xã hội, bạn bè đồng nghiệp. Anh luôn va vấp phải biết bao là sự phản trắc và ngao ngán. Từ ngày xuất ngũ anh luôn gặp phải những khó khăn, ở gia đình thì làm phiền lòng mẹ, đụng phải cơ chế lại lúc có lúc không, chạm vào nghề nghiệp lại vướng phải những kẻ như lão Quách, chán nản anh tìm đến tình yêu lại bị tình yêu phản trắc. Có nhiều điều làm anh phải đau đầu, mệt mỏi, có lúc muốn tìm một nơi nào đó trốn tránh tất cả.
Anh còn nặng nợ với nghiệp viết. “Tôi viết - Tôi tồn tại” có lẽ câu nói của ba đã thật sự chạm đến tâm hồn và làm thức tỉnh con người của Linh. Anh nhận thấy một điều là anh cần phải viết. Viết ở đây không thỏa chí tan bồng của bản thân, gột rửa tâm hồn đang dần chìm vào ngõ cụt của anh, mà viết còn thể hiện nhiệm vụ của mình với đồng đội, với những con người đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Phải viết thật mạnh mẽ, thật chân thực bằng những gì anh và đồng đội đã trải qua để mọi người hiểu được trong chiến tranh con người đã gan góc như thế nào? Nói chung, viết để khỏa lấp và bồi đắp tâm hồn của anh lính đặc công trên sông Sài Gòn năm xưa. Từ đó, nó lại trở thành cái duyên, cái nợ và cái mà anh còn có thể bám víu vào cuộc đời này.
Những trăn trở của Hoài Linh phải chăng cũng là của chính Chu Lai? Thường thì tác giả sẽ mang tâm sự của mình vào nhân vật. Ông cũng đã trải qua những tháng ngày gian nan và suy tư như thế nên tâm trạng của anh này có phảng phất một Chu Lai ở hoàn cảnh đó. Thành công của ông là ông đã đặt nhân vật của mình phải loay hoay với bao điều khó xử, từ trải nghiệm đó mà tự nhân vật sẽ đứng lên và trưởng thành hơn trong mọi hoàn cảnh.