5. Bố cục đề tài
2.2.2.1 Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự trực tiếp
Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 quy định chung về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự trực tiếp. Đã xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của người thực hiện thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự trực tiếp là “phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng có liên quan”. Đồng thời cũng quy định rõ nghĩa vụ của người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua thủ tục trực tiếp là “phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng”. Bên cạnh đó cũng quy định thời điểm nào để tính thời hạn tố tụng đối với người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng bằng thủ tục trực tiếp. Cụ thể, “thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng”. Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành cũng đã phân định thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp thành hai đối tượng: Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho cá nhân và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho cơ quan, tổ chức.
- Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho cá nhân
Theo quy định tại Điều 152 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản văn bản tố tụng trực tiếp cho cá nhân được thực hiện như sau:
Cá nhân được cấp, tống đạt, thông báo thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho họ. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng vắng mặt, thì văn bản tố tụng có thể được giao cho người thân thích đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ ký nhận và yêu cầu người này giao lại tận tay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng. Ngày ký nhận của người thân thích cùng cư trú được coi là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng không có người thân thích cùng cư trú có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc có nhưng họ không chịu nhận hộ văn bản tố tụng. Thì
người có trách nhiệm thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng, họ có thể chuyển giao văn bản tố tụng cho tổ trưởng tổ dân phố, Ủy ban Nhân dân, công an cấp xã nơi người được cấp, tống đạt hoặc thông báo cư trú. Yêu cầu những người này cam kết giao lại tận tay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Trong trường hợp việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua người khác, thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản với các nội dung như sau: Người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt; Văn bản tố tụng được giao cho ai; Lý do; Ngày, giờ giao; Quan hệ giữa họ với nhau; Cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Biên bản phải có chữ ký của người nhận chuyển văn bản tố tụng, người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo và người chứng kiến. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo chuyển đến địa chỉ mới thì phải cấp, tống đạt hoặc thông báo theo địa chỉ mới của họ. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ, thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo. Biên bản phải có chữ ký của người cung cấp thông tin. Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo từ chối nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản. Biên bản phải thể hiện rõ nội dung lý do từ chối nhận văn bản tố tụng, phải có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Ủy ban nhân dân và công an cấp xã.
- Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho cơ quan và tổ chức Theo quy định tại Điều 153 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho cơ quan, tổ chức được thực hiện như sau:
Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người nhận văn bản của cơ quan tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Ngày ký nhận là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo.
Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự trực tiếp cho cá nhân đã được quy định khá đầy đủ và cụ thể, nhưng trong quá trình áp dụng cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp phải vướng mắt và khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc dân sự. Trong thủ tục được trình bày ở trên, khi người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng vắng mặt thì văn bản tố tụng được giao lại cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ. Vấn đề đặt ra ở đây, ai là người thân thích với họ trong trường hợp này, người giúp việc có được coi là người thân thích hay không.
Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, nên các cơ quan tiến hành tố tụng còn có những quan điểm khác nhau trong quá trình tố tụng:
Thứ nhất, có quan điểm cho rằng, người giúp việc là người cùng cư trú, gắn bó mật thiết trong cuộc sống hàng ngày với người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng nên được xem là người thân thích.
Thứ hai, cũng có quan điểm, người giúp việc không phải là người thân thích với người được cấp, tống đạt hoặc thông báo bởi vì người giúp việc cùng cư trú nhưng không có quan hệ bà con thân thuộc với họ.
Theo quan điểm cá nhân của tác giả, thì người giúp việc không phải là người thân thích với người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng. Bởi vì, ta có thể áp dụng tương tự Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất những quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết này quy định về người thân thích của đương sự bao gồm: “Chồng, vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự; Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự; Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, của đương sự; Là cháu ruột của đương sự, mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột”29. Trong số các người được liệt kê ở trên là người thân thích của đương sự, không có người giúp việc. Như vậy, ta áp dụng tương tự pháp luật trong trường hợp này sẽ dễ dàng biết được ai là người thân thích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng dân sự. Việc áp dụng như vậy là theo đúng logic, có khoa học và hợp lý khi hai chế định này cùng nằm trong một bộ luật và có sự tương đồng.
Ngoài vấn đề đặt ra ở trên đây, trên thực tế cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp khó khăn khi áp dụng thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho cá nhân. Bởi vì thiếu sự phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cư trú. Hiện nay, ở hầu hết các địa phương cán bộ của Ủy ban nhân dân cấp xã không trực tiếp thực hiện công việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng mà giao lại cho nhân viên hợp đồng làm công tác liên lạc cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện30. Phần lớn những người này do am hiểu về quy định của pháp luật còn hạn chế. Nên không tránh khỏi những sai sót, không tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình cấp, tống đạt hoặc thông báo. Những sai sót về thủ tục mà họ thường
29 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất những quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 13, khoản 2.
30 Phạm Thái Quý, Vi phạm trong tống đạt văn bản tố tụng, Báo điện tử Đại biểu nhân dân, 2010,
mắc phải như: Không trực tiếp giao cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo mà gửi người khác đưa giúp nên văn bản thường bị thất lạc, giao trực tiếp nhưng không lập biên bản giao nhận, hay có lập biên bản giao nhận nhưng lại giao luôn cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Ta xét trong trường hợp: Theo quy định tại Điều 199 và Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011, Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc đình chỉ giải quyết vụ án đối với nguyên đơn khi họ đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Do đó, khi xét xử vắng mặt hoặc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đơn sự triệu tập hợp lệ đến lần hai mà vẫn vắng mặt, thì hồ sơ vụ việc phải có tài liệu chứng minh về việc triệu tập hợp lệ. Trong trường hợp này, nếu đương sự vắng mặt đến lần thứ hai thì Tòa án thường yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã giao giấy triệu tập cho đương sự, lấy đó để làm căn cứ xét xử vắng mặt hoặc đình chỉ giải quyết vụ án. Thậm chí thấy đương sự vắng mặt lần thứ hai là vội xét xử vắng mặt hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, trong khi chưa có căn cứ để kết luận là đã tống đạt giấy triệu tập hợp lệ. Việc Tòa án làm như vậy, theo quan điểm của tác giả là thiếu chặt chẽ, quá sơ sài về thủ tục pháp lý. Nếu sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc khi xét xử phúc thẩm mà đương sự có khiếu nại cho rằng họ chưa được cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng có liên quan liên quan thì cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh là đã cấp, tống đạt hoặc thông báo hợp lệ. Trong trường hợp này, hậu quả tất yếu là cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm sẽ hủy án sơ thẩm vì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc trong việc thực hiện thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng trực tiếp cho cá nhân.