Phương thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Một phần của tài liệu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự (Trang 43 - 44)

5. Bố cục đề tài

2.2.1.3 Phương thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng

Đây là phương thức sau cùng được xem xét đến khi cơ quan tiến hành tố tụng giao cho người có trách nhiệm thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự cho đương sự, người tham gia tố tụng khác và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì phương thức này được áp dụng “khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng có thể được thực hiện nếu có yêu cầu của các đương sự khác. Lệ phí thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng do đương sự có yêu cầu thông báo phải chịu”. Như vậy, ta có thể hiểu các trường hợp phải thực hiện phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng bao gồm: Khi pháp luật có quy định; Khi có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin từ văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo; Có thể thực hiện nếu có yêu cầu của đương sự khác.

Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành đã quy định trình tự thủ tục tiến hành đối với phương thức này một cách cụ thể, nhưng trên thực tế có rất ít cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng. Bởi vì, theo quy định tại khoản 1 Điều 155 nêu trên thì đương sự phải chịu chi phí đăng trên phương tiện thông tin đại chúng khi họ là người yêu cầu. Trong trường hợp họ không yêu cầu mà khi pháp luật có quy định, trong trường hợp có căn cứ xác định việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin từ văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo thì đương sự không phải chịu chi phí đăng trên phương tiện thông tin đại chúng. Vậy, trong trường hợp này thì cơ quan tiến hành tố tụng có phải chịu chi phí đăng trên phương tiện thông tin đại chúng hay không, nếu phải chịu thì cơ quan tiến hành tố tụng phải quyết toán vào đâu, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn.

Thêm nữa là, trong một số trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự vắng mặt do bỏ địa phương hay cố tình lẩn tránh nên việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tiếp sẽ không đạt hiệu quả. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng cũng sẽ không có cơ sở để người được cấp, tống đạt, thông báo biết được thông tin về văn bản tố tụng cần được cấp, tống đạt, thông báo. Điều này làm cho việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự kéo dài, có thể dẫn tới vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.

Chính vì lẽ đó, trên thực tế cơ quan tiến hành tố tụng chỉ dừng lại ở mức niêm yết công khai, việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi đương sự có yêu cầu. Vì vậy, cần phải có

hướng dẫn cụ thể hay sửa đổi quy định theo hướng cụ thể hơn, để đảm bảo việc áp dụng quy định một cách sâu rộng trên thực tế.

Một phần của tài liệu một số vấn đề lý luận và thực tiễn về cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)