5. Bố cục luận văn
3.1.2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại chưa thống nhất giữa Bộ
luật Dân sự và Luật Thương mại.
Với tinh thần là bộ luật gốc, nếu giữa bộ luật gốc và pháp luật chuyên ngành còn chưa thống nhất thì việc áp dụng pháp luật về việc điều chỉnh cùng một vấn đề sẽ mang lại khó khăn cho việc xử lý, nhất là trong căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại. Lỗi là một trong những căn cứ quan trọng trong việc xác định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Về nguyên tắc, pháp luật dân sự quy định người có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm dân sự bất luận hành vi đó được thực hiện do lỗi vô ý hay lỗi cố ý. Khoản 1 Điều 308 BLDS năm 2005 quy định: “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.Lỗi ở đây là lỗi suy đoán. Tính suy đoán thể hiện ở chỗ: Có lẽ điều mà ai cũng biết, rằng khác với lỗi trong trách nhiệm hình sự (một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự là nguyên tắc suy đoán vô tội), trong trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nói riêng lỗi của người vi phạm là lỗi mặc định (còn gọi là lỗi suy đoán), người vi phạm nghĩa vụ luôn bị coi là có lỗi nếu họ không chứng minh được rằng họ không có lỗi.
Ngày nay, yếu tố “lỗi” tuy không được quy định trực tiếp là điều kiện để phát sinh trách nhiệm bồi thường trong LTM năm 2005. Cụ thể, theo Điều 303 LTM năm 2005 thì
“trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây: “Có hành vi vi phạm hợp đồng; Có thiệt hại thực tế; Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”. Nhưng yếu tố “lỗi” vẫn được đề cập một cách gián tiếp bằng việc quy định các trường hợp miễn trừ trách nhiệm tại Điều 294 LTM năm 2005. Các trường hợp miễn trừ này chính là các trường hợp mà bên vi phạm không có lỗi. Lỗi ở đây cũng được hiểu là lỗi suy đoán.
“Bộ nguyên tắc Unidroit cũng có quy định tương tự tại Điều 7.4.1: Việc không thực hiện một nghĩa vụ đem lại cho bên có quyền quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại” và theo
phần bình luận của điều luật này thì bên có quyền chỉ phải chứng minh việc không thực hiện, có nghĩa là họ đã không nhận được những gì đã được cam kết. Bên này đặc biệt không cần phải chứng minh rằng việc không thực hiện là do lỗi của bên có nghĩa vụ. Chứng cứ sẽ ít nhiều dễ dàng được đưa ra tùy theo nội dung của nghĩa vụ và nhất là tùy thuộc vào nghĩa vụ phương tiện hay nghĩa vụ kết quả”44.
Pháp luật Anh, Hoa kỳ cũng không coi lỗi là căn cứ chủ yếu để xác định trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Dưới góc độ pháp lý, hoàn toàn không cần biết vi phạm nghĩa vụ thực hiện cố ý, vô ý. Pháp luật Anh, Hoa kỳ công nhận nguyên tắc trách nhiệm tuyệt đối hay còn gọi là trách nhiệm khách quan do vi phạm hợp đồng. Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về mua bán hàng hóa Quốc tế không sử dụng khái niệm lỗi mà có những quy định về căn cứ miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng cụ thể. Theo đó, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm nếu không chứng minh được rằng việc vi phạm hợp đồng là do trường hợp bất khả kháng gây ra: “Một bên không phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lý rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc ký kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục được các hậu quả của nó”.45 Xuất phát từ quy định trên, có thể nói rằng bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng bị coi là có lỗi nếu không chứng minh được rằng, việc không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng là do trường hợp bất khả kháng gây ra. Như vậy, “pháp luật thương mại quốc tế áp dụng nguyên tắc “trách nhiệm ngay cả khi không có lỗi”. Nguyên tắc này hoàn toàn có cơ sở và thể hiện tính khách quan khi xác định tính trách nhiệm”46.
44 Đỗ Văn Đại, Các biện pháp xử lý không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 88 - 89.
45 Khoản 1, Điều 79, Công ước viên 1980 của Liên Hợp Quốc về mua bán hàng hóa Quốc tế.
46 Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb Đại học quốc gia tp.Hồ Chí Minh, 2005, tr. 67.
Ví dụ: Công ty A (Bên bán) ký hợp đồng bán 2 tấn cà phê cho Công ty B (Bên mua). Bên bán đã thuê vận chuyển hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng nhưng hàng đến địa chỉ của bên mua chậm 1 tháng so với thời gian quy định do lỗi của bên vận chuyển. Trong trường hợp này, người bán vẫn phải chịu trách nhiệm nếu không chứng minh được rằng hàng hóa bị chậm do trường hợp bất khả kháng. Trường hợp này rõ ràng người bán không có lỗi trong việc giao hàng chậm, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm, nếu không chứng minh được rằng, hàng hóa bị chậm trễ do trường hợp bất khả kháng. Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên đã biết và buộc phải biết rằng mục đích của hợp đồng cùng quyền lợi của một bên chỉ có thể đạt được thông qua việc thực hiện đúng nghĩa vụ của bên kia. Điều đó cũng có nghĩa các bên nhận thức rõ ràng việc vi phạm nghĩa vụ của mình sẽ đem lại thiệt hại cho phía bên kia. Theo đó, bên bị vi phạm không cần phải chứng minh lỗi mà chỉ cần chứng minh có hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm, còn bên vi phạm muốn tránh khỏi trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thì phải chứng minh mình không có lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm. Trong việc xác định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thì hình thức của lỗi hoàn toàn không ảnh hưởng đến giới hạn và phạm vi của trách nhiệm, hay nói đúng hơn là không ảnh hưởng đến mức độ bồi thường thiệt hại47. Nguyên tắc mà pháp luật của tất cả các nước, kể cả pháp luật Việt Nam sử dụng và tuân thủ một cách triệt để là thiệt hại phải được bồi thường đầy đủ và kịp thời. Đầy đủ có nghĩa là mức bồi thường phải tương ứng với mức độ thiệt hại, kịp thời có nghĩa là thiệt hại phải được bồi thường càng nhanh càng tốt.
Từ những phân tích trên, có thể thấy LTM năm 2005 có sự tương đồng với pháp luật thương mại quốc tế. Tuy pháp luật nhiều nước và pháp luật thương mại quốc tế không sử dụng khái niệm “lỗi” như là một căn cứ phát sinh trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nhưng có thể nói rằng, bên vi phạm hợp đồng bị coi là có lỗi nếu không chứng minh được rằng việc vi phạm hợp đồng là do trường hợp bất khả kháng gây ra (tương ứng với các căn cứ miễn trừ trách nhiệm theo LTM năm 2005). Trong pháp luật thương mại, “lỗi” không còn là căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường trong hợp đồng nữa. Điều này cho thấy chúng ta “đã và đang bắt đầu vượt qua các thói quen và cách tư duy truyền thống”48.
Kiến Nghị
LTM năm 2005 và BLDS năm 2005 có điểm khác nhau về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: LTM năm 2005 đã bỏ đi yếu tố “lỗi” so với BLDS. Đây là một sự tiến bộ trong Pháp luật Việt Nam đối với việc hòa đồng cùng pháp luật hiện đại của trên thế giới. Và sự tiến bộ này cũng nên được thể hiện trong BLDS: Chúng ta nên bỏ đi yếu tố “lỗi” trong căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.
47 Dương Anh Sơn, Nguyễn Ngọc Sơn, Tác động của hình thức lỗi đến việc xác định trách nhiệm hợp đồng nhìn từ góc độ nguyên tắc trung thực và thiện chí, Tạp chí Khoa học pháp lý số 1(38)/2007,
http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option=com_content&view=article&catid=107:ctc20071&id= 274:tcchtlvxtnh&Itemid=110, [Ngày truy cập: 20 – 10 – 2014].
48 Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, 2007, tr. 410 và 415.