Người vi phạm hợp đồng thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có

Một phần của tài liệu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng (Trang 55 - 56)

5. Bố cục luận văn

2.3.4.Người vi phạm hợp đồng thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có

thẩm quyền

Ngoài các trường hợp miễn trách nhiệm là sự kiện bất khả kháng, hoàn toàn do lỗi của bên có quyền, do thỏa thuận giữa các bên thì trường hợp người vi phạm hợp đồng thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng là một trong các căn cứ miễn được quy định trong LTM năm 2005. Đây là sự khác biệt giữa BLDS năm 2005 và LTM năm 2005. Trong phần chế tài do vi phạm hợp đồng, LTM còn dự liệu một trường hợp miễn trách nhiệm đó là: “hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”. Quy định như vậy không thấy tồn tại trong LTM 1997 nhưng Pháp luật về hợp đồng kinh tế trước đây có quy định gần tương tự: Điều 24 Nghị định số 17-HĐBT của Hội Đồng Bộ Trưởng ngày 16-1-1990 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh hợp đồng kinh tế có nêu : “bên vi phạm hợp đồng kinh tế được xét giảm hoặc miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản do phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan nhà nước do những người sau đây ký: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Trưởng ban chỉ huy chống lụt bão trung ương; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương”39.

Pháp luật dân sự hiện nay không có quy định về miễn trách nhiệm như trên của luật thương mại, chỉ thấy có một vài quy định gần như tương tự trong những trường hợp cụ thể với khái niệm “cản trở khách quan”. Theo khoản 1 Điều 287 BLDS năm 2005 : “Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo”. Miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. “Các bên” trong trường hợp này có nghĩa là cả bên vi phạm và bên bị vi phạm, thế nhưng việc không thể biết quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến vi phạm hợp đồng chỉ có ý nghĩa đối với bên vi phạm hợp đồng. Từ đó khẳng định bên vi phạm hợp đồng không có “lỗi”. Việc bên bị vi phạm có biết hay không thì về bản chất không ảnh hưởng gì đến thái độ của bên vi phạm hợp đồng. Nếu như các bên đã biết về thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm. Ví

39 Điều 24, Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội Đồng Bộ Trưởng quy định chi tiết ban hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

dụ: Công ty A chuyên sản xuất và cung cấp trứng gà cho nhà phân phối B. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của công ty A bị tuyên bố thuộc vùng dịch bệnh. Theo quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, công ty A phải hủy toàn bộ cơ sở sản xuất để tránh lây lan bệnh dịch. Thực hiện quyết định này khiến cho công ty A không thể cung cấp trứng gà cho nhà phân phối B theo hợp đồng đã giao kết. Trong trường hợp này, công ty A được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng của mình. Khi xảy ra việc vi phạm hợp đồng do phải thi hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì những trách nhiệm được miễn cũng giống như khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Qua đây chúng ta thấy được sự bất cập về các trường hợp miễn trách nhiệm cho nên pháp luật cần phải thống nhất về trường hợp miễn trách nhiệm giữa BLDS năm 2005 và LTM năm 2005 là một sự cần thiết.

Một phần của tài liệu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng (Trang 55 - 56)