Điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng

Một phần của tài liệu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng (Trang 30 - 34)

5. Bố cục luận văn

2.1.Điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng

Trước tiên chúng ta nói về chủ thể giam gia quan hệ pháp luật dân sự. Không phải mọi chủ thể quan hệ pháp luật dân sự đều được tham gia vào tất cả quan hệ pháp luật dân sự. Để xem xét khả năng tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự của các chủ thể cần xác định loại quan hệ mà chủ thể được tham gia theo quy định của pháp luật dân sự. Theo lý luận chung về nhà nước và pháp luật, để trở thành chủ thể quan hệ pháp luật thì đòi hỏi chủ thể đó phải có năng lực chủ thể, tức là khả năng trở thành chủ thể quan hệ pháp luật. Năng lực chủ thể bao gồm hai yếu tố: năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Từ đó có thể hiểu để tham gia vào một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể như tham gia kí kết hợp đồng, đòi hỏi chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Nếu năng lực pháp luật dân sự là khả năng của chủ thể có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định thì năng lực hành vi dân sự của chủ thể là khả năng của chủ thể thực hiện bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Thì điều kiện cần (năng lực pháp luật dân sự) và điều kiện đủ (có năng lực hành vi dân sự) để trở thành chủ thể quan hệ pháp luật dân sự. Như chúng ta đã biết thì bản chất của hợp đồng là sự thống nhất ý chí và sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài của các chủ thể khi tham gia hợp đồng. Do vậy, chỉ có những người có năng lực hành vi dân sự mới có ý chí riêng và khả năng nhận thức được hành vi của họ để có thể tự mình xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ hợp đồng và tự mình chịu trách nhiệm trong hợp đồng.

Theo Điều 302 BLDS 2005 quy định:

1.Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Theo quy định trên, điều kiện làm phát sinh nghĩa vụ dân sự chính là hành vi vi phạm nghĩa vụ của người có nghĩa vụ trước người có quyền. Biểu hiện cụ thể của “hành vi vi phạm nghĩa vụ” là hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ. Bên cạnh hành vi vi phạm, lỗi cũng là một căn cứ cơ bản, không thể thiếu trong trách nhiệm dân sự. Xét một cách tổng quát thì để phát sinh bất cứ loại trách nhiệm dân sự nào cũng cần có hai căn cứ cơ bản là hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự và lỗi. Vì vậy, điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng là: Chỉ phát sinh khi một hợp đồng tồn tại (hợp đồng có hiệu lực pháp luật thì mới phát sinh trách nhiệm giữa các bên), có một bên vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng (không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng) và có lỗi ,(trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, ví dụ như trường hợp sự kiện bất khả kháng,…thì sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự).

Hành vi vi phạm nghĩa vụ là một trong những điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng

Hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự là những phản ứng của chủ thể không tuân theo những cam kết của hợp đồng. Hay nói cách khác, hành vi vi phạm nghĩa vụ là những hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ. Trong quan hệ nghĩa vụ dân sự, có rất nhiều trường hợp, tình huống xảy ra do những hành vi vi phạm nghĩa vụ. Những hành vi này dù cố tình hay vô ý cũng đều mang lại hậu quả bất lợi cho hợp đồng, dẫn đến vi phạm hợp đồng.

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ: được hiểu là người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trước người có quyền theo quan hệ nghĩa vụ được xác lập nhưng người có nghĩa vụ đã không thực hiện nghĩa vụ đó. Hành vi không thực hiện nghĩa vụ có thể được biểu hiện qua các trường hợp sau:

- Người có nghĩa vụ không thực hiện việc chuyển giao tài sản nếu đối tượng của nghĩa vụ được các bên thỏa thuận là tài sản và theo đó bên có nghĩa vụ phải chuyển giao

tài sản cho bên có quyền; Ví dụ: mua đồ điện tử ở cửa hàng, cửa hàng đó không giao hàng cho người mua…

- Người có nghĩa vụ không thực hiện công việc theo thỏa thuận với bên có quyền hoặc theo quy định của pháp luật.

Hành vi thực hiện không đúng nghĩa vụ: được hiểu là người có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nội dung được xác định cụ thể trong hợp đồng (thực hiện đúng đối tượng, đúng thời hạn, đúng địa điểm, đúng phương thức…) nhưng người có nghĩa vụ đã không thực hiện đúng nội dung của nghĩa vụ theo thỏa thuận với người có quyền hoặc dù đã thực hiện nhưng mới chỉ thực hiện một phần, chưa đầy đủ (không giao đủ tiền, không giao đủ số lượng hàng hóa, sản phẩm…).

Để phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng thì cần phải có yếu tố lỗi

Bên cạnh những hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Lỗi là một trong những căn cứ quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Về nguyên tắc, pháp luật dân sự quy định người có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm dân sự bất luận hành vi đó được thực hiện do lỗi vô ý hay lỗi cố ý. Khoản 1 Điều 308 BLDS 2005 quy định: “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Để xác định nghĩa vụ đó có vi phạm, có phải chịu trách nhiệm dân sự hay không trước hết phải xem xét người đó có lỗi hay không. Điều 308 BLDS năm 2005 đặt ra hai loại lỗi là lỗi cố ý và lỗi vô ý.

Lỗi là một yếu tố chủ quan thể hiện thái độ tâm lý của con người đối với những hành vi của mình và hậu quả của hành vi ấy. Trung thực, thiện chí là một trong những nguyên tắc nền tảng của việc ký kết và thực hiện hợp đồng, được ghi nhận không những trong pháp luật hợp đồng Việt Nam mà còn được quy định trong pháp luật của nhiều nước. Giữa hành vi vi phạm hợp đồng đối với nguyên tắc nói trên tồn tại mối quan hệ tương hỗ. Có thể nói, cố ý vi phạm hợp đồng là biểu hiện của sự không trung thực thiện chí. Hành vi vi phạm hợp đồng là những biểu hiện khách quan dưới dạng hành động hoặc không hành động trái với nội dung mà các bên đã thỏa thuận trước đó. Khi sử dụng nguyên tắc trung thực, thiện chí để soi vào các biểu hiện của hành vi vi phạm hợp đồng chúng ta có thể kết luận như sau: một là hành vi vi phạm hợp đồng với lỗi vô ý thì vi phạm người vi phạm hợp đồng có thể không trung thực hoặc trung thực. Hai là khi các bên đã cố ý vi phạm hợp đồng thì chắc chắn người vi phạm không thể được coi là trung thực. Đương nhiên khi một nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng bị xâm phạm với mức độ khác nhau thì tất yếu việc xử lý các trường hợp vi phạm cũng sẽ khác nhau.

- Lỗi cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

- Lỗi vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Mặc dù vẫn có một số khác biệt về tiêu chí xác định lỗi nhưng cách nhìn nhận về vai trò của lỗi trong pháp luật Việt Nam về cơ bản gần giống với quy định của pháp luật các nước thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Trong pháp luật Việt Nam lỗi do vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 308 BLDS 2005: “Người không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Có lẽ điều mà ai cũng biết rằng, khác với lỗi trong trách nhiệm hình sự (một trong những nguyên tắc cơ bản trong luật hình sự là nguyên tắc suy đoán vô tội). Trong trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nói riêng (lỗi của người vi phạm nghĩa vụ luôn bị coi là có lỗi nếu họ không chứng minh được rằng họ không có lỗi). Như vậy, pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các nước thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa đã có sự phân biệt rõ ràng hai hình thức lỗi: cố ý và vô ý trong việc xác định trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. BLDS năm 2005 quy định người có nghĩa vụ mà không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi (lỗi vô ý hoặc cố ý). Trong một số trường hợp nhất định thì điều kiện xác định trách nhiệm dân sự phải là lỗi cố ý, ví dụ trong trường hợp lừa dối để không phải thực hiện nghĩa vụ, nếu trong trường hợp này họ chứng minh là mình không có lỗi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự.

Tóm lại: để phát sinh trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng thì giữa các bên giao kết phải tồn tại một mối quan hệ hợp đồng hợp pháp, có một bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng (không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng) và có lỗi, (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, ví dụ như trường hợp sự kiện bất khả kháng,…thì sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự).

2.2. Các hình thức quy trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Hợp đồng có hiệu lực pháp luật trở thành “luật” đối với các bên, là cơ sở phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên. Việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ pháp lý đó được coi là hành vi vi pham hợp đồng đã ký kết. Đối với hợp đồng có nội dung trái pháp luật, không có hiệu lực pháp luật thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên ngay từ thời điểm ký kết. Vì vậy, hành

vi không thực hiện hay thực hiện không đúng, không đầy đủ những cam kết trong hợp đồng đó không được coi là sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và các bên không phải thực hiện trách nhiệm hợp đồng.

Hành vi vi phạm được biểu hiện ở việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Nếu các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng được thực hiện đầy đủ thì trách nhiệm hợp đồng không được đặt ra. Tuy nhiên, hợp đồng có hiệu lực pháp luật và vi phạm hợp đồng chỉ là điều kiện pháp lý để một bên có quyền yêu cầu bên kia thực hiện trách nhiệm hợp đồng. Trên thực tế, bên có hành vi vi phạm hợp đồng có bị áp dụng các hình thức quy trách nhiệm hay không còn phải phụ thuộc vào việc chứng minh có hội đủ các căn cứ xác định trách nhiệm hợp đồng đối với từng hình thức quy trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

2.2.1. Buộc tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng

Một phần của tài liệu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng (Trang 30 - 34)