Công an nhân dân với tính chất là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thực hiện thống nhất quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Trong việc bảo vệ người tố cáo trước các nguy cơ bị trù dập, phân biệt đối xử, bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản, công an nhân dân có vai trò quan trọng. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Công an
nhân dân, việc bảo vệ công dân (trong đó có người tố cáo) trước các nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Với vị trí và cách thức tổ chức chặt chẽ, rộng khắp như hiện nay, Công an nhân dân có khả năng bảo vệ người tố cáo trước các nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản một cách hiệu quả nhất. Theo đó, vai trò của Công an nhân dân trong bảo vệ người tố cáo thể hiện ở các góc độ sau:
Thứ nhất, với tính chất là một lực lượng, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, Công an nhân dân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết việc bảo vệ người tố cáo là cán bộ, chiến sĩ trong nội bộ cơ quan mình.
Thứ hai, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Công an nhân dân có trách nhiệm bảo vệ công dân nói chung, người tố cáo nói riêng trước các nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác.
Theo đó, trong bảo vệ người tố cáo Công an nhân dân có nhiệm vụ:
Tiếp nhận, xử lý thông tin: Cơ quan Công an các cấp tự mình phát hiện hoặc tiếp nhận kiến nghị từ người tố cáo; tiếp nhận yêu cầu từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Sau khi phát hiện hoặc tiếp nhận kiến nghị, yêu cầu thì tiến hành phân tích, đánh giá tính xác thực của thông tin, nhu cầu thực tế cần tiến hành bảo vệ, đối tượng bảo vệ cụ thể, phạm vi bảo vệ…
Các đơn vị trong Công an nhân dân tiến hành áp dụng các biện pháp được pháp luật cho phép, phân công, lực lượng, bố trí phương tiện cần thiết theo chức năng, nhiệm vụ của mình để bảo vệ người tố cáo (và những người thân thích của họ) trước các nguy cơ đe dọa bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và chặn ngay hành vi nguy hiểm của tội phạm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ, Công an nhân dân phải áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ cần thiết trước mắt, như cử lực lượng bảo vệ đến nhà ở, nơi làm việc…của người bảo vệ hoặc nhanh chóng đưa họ đến nơi tạm trú mới an toàn.
Bên cạnh đó, Công an nhân dân cũng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết, cảnh báo, tiến hành điều tra, đề xuất xử lý nghiêm minh đối với đối tượng đe dọa, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tố cáo hành vi tham nhũng cũng như người thân thích của họ.
Về phân công lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo. Tùy theo từng giai đoạn thụ lý, giải quyết việc tố cáo hành vi tham nhũng, các lực lượng, đơn vị trong Công an nhân dân sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo.