Luật Tố cáo 2011 được ban hành có ý nghĩa to lớn trong việc phân biệt rành mạch các vấn đề liên quan đến tố cáo và khiếu nại, cho chúng ta thấy tố cáo và khiếu nại là hai vấn đề có bản chất hoàn toàn khác nhau, từ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết điều được phân định khá độc lập. Ngoài ý nghĩa trên, Luật Tố cáo 2011 ra đời còn xuất phát từ yêu cầu giải quyết hiệu quả hơn các tố cáo đang phát sinh trong thực tế và để khắc phục các hạn chế đang tồn tại của pháp luật về lĩnh vực này. Có thể nói, nhiều quy định mới đã được bổ sung, sửa đổi trong Luật Tố cáo, song đáng lưu ý là Luật đã có một chương riêng quy định về bảo vệ người tố cáo, bao gồm các nội dung như: quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ; bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo; bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc... và bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo. Trong đó, Điều 40 của Luật Tố cáo quy định:
“Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo.33”
Việc Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết về biện pháp bảo vệ người tố cáo đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của vấn đề này trong thực tiễn. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá mới và nội dung phức tạp, vì thế cần phải có những tiến trình nghiên cứu và kháo sát thực tế để tạo cơ sở cho việc xây dựng các biện pháp bảo vệ người tố cáo, bảo đảm tính khả thi của quy định sau khi được ban hành. Mặc dù vậy, từ các quy định của Luật Tố cáo và thực tế công tác giải quyết tố cáo thời gian qua thì các biện pháp bảo vệ người tố cáo xét cho cùng cũng gần giống với các biện pháp bảo vệ nhân chứng và được thể hiện trên bốn nhóm cơ bản là: Các biện pháp hành chính, các biện pháp kĩ thuật, các biện pháp kin tế và các biện pháp hình sự.