Nếu ở Trung Quốc, Nho giáo là hệ tư tưởng chi phối (kể cả vấn đề chính trị xã hội) xuyên suốt lịch sử truyền thống thì ở Việt Nam, từ thế kỷ II đến thế kỷ XIV hệ tư tưởng chủ đạo lại là Phật giáo, còn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX hệ tư tưởng mới là Nho giáo. Nho giáo vào Việt Nam không còn giữ nguyên vẹn như ở Trung Quốc, nó đã được “Việt Nam hóa” cũng như nó được “Nhật Bản hóa” ở Nhật Bản và “Triều Tiên hóa” ở Triều Tiên. Các nhà Nho Việt Nam vì công cuộc xây dựng xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã tiếp thu và khai thác những yếu tố Nho giáo cho phù hợp với xã hội và đất nước mình, đã “bản địa hóa”. Nói cách khác, Nho giáo ở Trung Quốc vốn đặt mối quan hệ vua tôi ở vị trí cao nhất trong năm mối quan hệ giữa người với người (ngũ luân) thì các nhà nho Việt Nam nặng về luân lý đạo đức, chủ yếu là Hiếu nghĩa.
Ở Việt Nam, trên nền tảng văn hoá Đông Nam Á, gia đình nhỏ lấy vợ chồng làm mặt bằng ngang, bình đẳng là chính. Khi tiếp nhận luân lý Nho giáo đương nhiên phải chuyển đổi, đó là quan điểm Hiếu với nghĩa. Nho giáo cũng bàn luận nhiều về Hiếu với Trung nhưng tư tưởng Trung của Việt Nam không phải là nét chính yếu (như người Nhật). ở Việt Nam, quan niệm Hiếu Đễ lại đậm đà sâu sắc, không thể không nói là các nhà nước Lê - Nguyễn đều có ý thức sử dụng pháp luật, các chính sách kinh tế - xã hội để pháp lý hóa tư tưởng “Hiếu đễ". Từ thời Hồng Đức đến thời Minh Mạng đều tăng cường củng cố Nho giáo. Chế độ Tông pháp Nho giáo ở Việt Nam theo thời gian ngày càng nặng nề.
Song, Hiếu đễ ở Trung Quốc như một phạm trù tiên thiên, gắn liền với những quan hệ huyết thống tự nhiên, lưu truyền từ thời nguyên thủy tan rã “Nguyên nhân chính là chế độ gia trưởng phụ hệ của xã hội thị tộc từ thời Thương, hoàn thiện Thời Tây Chu”. Hiếu là đạo đức luân lý phổ biến của cả
nhân loại nhưng nó thành chế độ Tông pháp thì chỉ có văn minh Hán - Nho được tiếp tục duy trì trong tổ chức gia đình, gia tộc. Khi truyền sang Việt Nam, tư tưởng “Hiếu đễ” đã tông pháp hóa được tiếp nhận và thâm nhập từng bước theo lịch sử.