Kế thừa những nét đẹp của gia đình truyền thống và tiếp thu những tiến bộ của thời đại hướng tới xây dựng đạo đức gia đình Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan niệm của Nho giáo về Hiếu, Đễ và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng đạo đức của gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 88 - 90)

đáp ứng yêu cầu mới

Kế thừa những nét đẹp của gia đình truyền thống và tiếp thu những tiến bộ trong gia đình hiện đại là một biện pháp rất cần thiết để xây dựng gia đình mới hiện nay ở nước ta. Trong nét đẹp của gia đình truyền thống, văn hoá gia đình luôn đề cao giá trị đạo đức - đó là cái “thiện”. Đạo đức trong mối quan hệ ông bà, cha mẹ - con cái, anh chị - em được thể hiện sâu sắc ở ý thức về “huyết thống”. Chính huyết thống là sợi dây màu nhiệm buộc chặt các thành viên trong cộng đồng lại với nhau một cách bền vững. Huyết thống thuộc về cái tự nhiên, cho nên cuộc sống của các thành viên trong gia đình, dù có những thiên hướng khác nhau bao nhiêu đi chăng nữa, thì họ vẫn gặp nhau ở huyết thống.

Bước vào giai đoạn lịch sử mới, gia đình truyền thống Việt Nam, bên cạnh những giá trị tích cực như: tình cảm gắn bó sâu sắc trong gia đình gắn với đoàn kết tình làng nghĩa xóm… còn bộc lộ những mặt không phù hợp: tính chất phụ quyền gia trưởng tính cục bộ theo họ tộc, sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng, anh và em, giữa các thế hệ… Để xây dựng gia đình dưới chủ nghĩa xã hội cần xác định, duy trì, phát huy những nét đẹp và có ích nhưng không phải là “phục cổ”, đồng thời phải tìm ra những quan niệm lạc hậu của gia đình truyền thống để hạn chế, khắc phục. Mặt khác, mạnh dạn lựa chọn, xử lý đúng đắn những yếu tố mới nảy sinh, biết tiếp thu những nội dung tiến bộ của thời đại: dân chủ hóa các quan hệ trong gia đình, tôn trọng nhân cách

của các thành viên, hiện đại hóa các nhu cầu vật chất và tinh thần của gia đình… sao cho phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của gia đình và sự phát triển của xã hội.

Gia đình Việt Nam truyền thống đặc biệt chú ý đến việc giáo dục tôn ti trật tự và thứ bậc trong gia đình. Sự phân chia tôn ti trật tự và thứ bậc trong gia đình căn cứ vào ba yếu tố: thế hệ, lứa tuổi và giới tính. Trong đó ông bà, cha mẹ, anh chị là người trên, con em, cháu chắt là kẻ dưới. Ngay từ lúc nhỏ tuổi, trẻ em đã được quán triệt tôn ti thứ bậc đó, dạy trẻ nhận biết được địa vị, vị trí của mình trong gia đình và cung cách ứng xử hành động cho đúng với phận vị của mình.

Trong mối quan hệ gia đình, đặc biệt giáo dục các thành viên ý thức tôn kính và sùng bái đối với tổ tiên. Người Việt tâm niệm rằng, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống của mỗi con người (thành công hay thất bại, may mắn hay rủi ro…) không phụ thuộc vào tài năng, năng lực của cá nhân mà chủ yếu do có được thần thánh tổ tiên phù hộ, giúp đỡ hay không. Vì thế con cháu phải hết sức chăm sóc và vâng lời người thế hệ trước khi họ còn sống, tôn thờ sùng kính đúng nghi lễ khi họ chết, cung cấp mọi thứ đồ dùng có tính tượng trưng để người chết duy trì sự tồn tại khác của họ ở cõi âm; giữ gìn phần mộ tiên thế được “xanh ngọn cỏ, đỏ nén hương”, không bao giờ để phần mộ bị xâm phạm họăc rơi vào cảnh “hương khói vắng tanh”, vì đó là tội “bất hiếu” lớn. Ở Việt Nam, từ gia đình trâm anh thế phiệt đến gia đình dân thường, từ gia đình có học ảnh hưởng sâu sắc của hệ tư tưởng Nho giáo đến gia đình nông dân thất học hoàn toàn, đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Thờ cúng tổ tiên có thể được coi là tôn giáo chính của gia đình người Việt.

Giáo dục đạo hiếu cũng là nội dung rất được coi trọng trong giáo dục đạo đức của gia đình truyền thống. Hiếu đễ là gốc của đạo đức con người cho nên đã hiếu và đễ thì các đức khác cũng đều có được không những trong quan hệ gia đình mà cả trong xã hội nữa. Con người hiếu đễ là con người bao giờ cũng làm vừa lòng cha anh, không bao giờ nhận cha mẹ đúng, không cãi lại

mà phải vâng lời. Hiếu là phải biết giữ gìn thân mình để phụng sự cha mẹ lúc sống cũng như khi đã qua đời. Hiếu còn ở chỗ làm cho cha mẹ vinh hiển bằng sự lập thân của mình, không làm tổn hại đến thanh danh của gia đình.

Nho giáo có các sách kinh điển trình bày rất tỉ mỉ, chi tiết nội dung đạo hiếu. Cơ sở lý thuyết để xây dựng đạo hiếu của Nho giáo là nguyên lý: trên ra lệnh, dưới phục tùng. Con phục tùng cha là mở đường, là cơ sở để dân phục tùng vua… xã hội lý tưởng theo quan niệm của Nho giáo là xã hội có tôn ty trật tự rõ ràng, mỗi người phải xử sự và hành động theo đúng vị trí và thân phận của mình (“chính danh định phận”). Trong ba mối quan hệ cơ bản của xã hội: vua - tôi, cha - con, vợ - chồng, còn gọi là “tam cương” thì cha có quyền tuyệt đối.

Mặt trái của học thuyết Nho giáo về gia đình là coi con cái như là sở hữu của cha mẹ. Nó trói buộc con cái vào cha mẹ, cha có toàn quyền quyết định số phận của con, thậm chí có quyền bán con trong những trường hợp cần thiết.

Gia đình Việt Nam truyền thống cũng nhấn mạnh đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ nhưng không quá khắc khe như quan niệm Khổng giáo, nó mang yếu tố nhân bản nhiều hơn, nó nghiêng hơn về việc giáo dục thái độ biết ơn dẫn đến tình cảm kính yêu và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Tình cảm thân ái trong gia đình mở rộng ra là kính già, yêu trẻ, sự phục tùng của con cái đối với cha mẹ trong gia đình truyền thống là một nguyên tắc nhưng nó không phải tuyệt đối và vô điều kiện như yêu cầu của Nho giáo. Nó có phần nới rộng “dân chủ” hơn, không bắt buộc phải “ngu hiếu” chỉ biết nghe, làm theo, không một chút sáng kiến nào. Sự “dân chủ” đó làm cho gia đình có phần nào thoát khỏi sự mù quáng và khuyến khích khả năng của con cái đến mức cho phép con cái có thể giỏi giang hơn cả cha mẹ, tổ tiên vì “con hơn cha là nhà có phúc”.

Một phần của tài liệu Quan niệm của Nho giáo về Hiếu, Đễ và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng đạo đức của gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 88 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)