Cải tạo các phong tục, tập quán lạc hậu, phát huy mặt tích cực của tư tưởng “Hiếu đễ” trong xây dựng đạo đức gia đình ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Quan niệm của Nho giáo về Hiếu, Đễ và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng đạo đức của gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 95 - 98)

Phong tục là “Thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội được mọi người công nhận và làm theo” [133, tr.772]. Còn tập quán là “Thói quen đã thành nếp trong đời sống xã hội, trong sản xuất và sinh họat thường ngày, được mọi người công nhận và làm theo” [129, tr.886].

Phong tục, tập quán là những phạm trù lịch sử, nó có thể là những giá trị tốt đẹp thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, có tác dụng hướng dẫn và điều chỉnh hành vi của con người, góp phần vào sự ổn định đời sống xã hội, nhưng cũng có thể là những yếu tố tiêu cực lạc hậu làm cản trở sự phát triển xã hội. Những tàn dư của tư tưởng Nho giáo không chỉ có cơ sở kinh tế - xã hội. Là những yếu tố của nền sản xuất nhỏ, những khiếm khuyết trong cơ chế quản lý kinh tế - xã hội mà những phong tục, tập quán cũ, lạc hậu của nhân dân cũng là nơi để những tàn dư tư tưởng ấy có thể trú ngụ. Vì thế việc duy trì, củng cố các phong tục, tập quán tốt đẹp, phát huy những “thuần phong, mỹ tục” và cải tạo những phong tục tập quán lạc hậu, từ đó hình thành nên những phong tục tập quán mới trong cuộc sống cộng đồng là một trong những giải pháp quan

trọng của việc khai thác Nho giáo, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta ngày nay. Những phong tục, tập quán chủ yếu chứa đựng những tàn dư tiêu cực của tư tưởng phong kiến còn ảnh hưởng trong xã hội ta ngày nay đang đòi hỏi phải được cải tạo theo yêu cầu của sự nghiệp xây dựng xã hội mới như: “cha mẹ đặt đâu, con phải ngồi đấy”, “sống lâu lên lão làng”, “trọng nam khinh nữ”, “xem thường lớp trẻ”… cũng là một thói quen lâu đời cản trở sự phát triển xã hội ta hôm nay đang đòi hỏi phải được cải tạo.

Nho giáo quá đề cao tinh thần phục cổ, nó dạy người ta tôn thờ, sùng bái quá khứ làm cho người ta chỉ biết suy nghĩ và hành động theo những kinh nghệm cũ, theo những bài học của cổ nhân, đạo lý của thánh hiền. Nó biến những bài học xa xưa, những kinh nghiệm cũ kỹ thành tiêu chuẩn của chân lý, thành thước đo mọi giá trị. Chính điều đó là một trong những nguyên nhân đẻ ra căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, coi thường lý luận, đề cao người già, coi thường tuổi trẻ, đề cao quyền uy của cha mẹ, coi thường ý kiến của con cái… Rõ ràng, kính trọng người già là đạo lý tự nhiên đáng trân trọng, cần phải giáo dục tinh thần tôn kính ông bà, cha mẹ trong toàn xã hội, coi đó là một chuẩn mực đạo đức quan trọng nhưng không vì thế mà tuyệt đối hóa quyền lực, uy tín, kinh nghiệm của người cao tuổi, xem nhẹ lý luận, khinh thường tuổi trẻ. Tôn trọng qúa khứ là điều đáng quý nhưng không phải là phục cổ, mà từ đó phải rút ra bài học lịch sử để giải đáp yêu cầu của hiện tại và tương lai.

Quan niệm của Nho giáo về Hiếu đễ chứa đựng nhiều nội dung duy tâm, lạc hậu không còn phù hợp với xã hội hiện đại nhưng nó cũng có những yếu tố hợp lý nhất định nên mới có sức sống trong mấy ngàn năm lịch sử. Hồ Chí Minh đã khai thác, lựa chọn những yếu tố tích cực, phù hợp để phục vụ cách mạng. Bác đã nhắc lời của Lênin: “Chỉ những người cách mạng chân chính mới thu hút được những điều hiểu biết quí báu của các đời trước để lại” [75, tr.46]. khái niệm Hiếu đễ đã từng quen thuộc với người dân Việt Nam từ

lâu đời, Hồ Chí Minh đã không vứt bỏ chúng một cách cực đoan mà người sử dụng và cải tạo chúng, bổ sung cho chúng bằng những nội dung mới. Trong Nho giáo, Hiếu chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, nghĩa là con cái phải hiếu thảo với cha mẹ mình thì với Hồ Chí Minh, “Hiếu” không tách khỏi “dân” thành “Hiếu với dân”.

Bên cạnh những tư tưởng lạc hậu không phù hợp với xã hội hiện đại, tư tưởng “Hiếu đễ” trong Nho giáo còn có nhiều điểm phù hợp cho việc xây dựng đạo đức gia đình ở Việt Nam hiện nay, vì theo PGS. Hà Thúc Minh “Đạo Nho dẫu sao cũng đã trở thành một phần truyền thống văn hóa Việt Nam, làm sao có thể bỏ nó lại sau lưng khi bước sang thế kỷ XX” [82, tr.164]. Nho giáo với những quan niệm về vai trò, vị trí của gia đình, cách đối xử đến những quy tắc đạo đức trong quan hệ gia đình, cách đối xử con cái đối với cha mẹ và trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái… cũng để lại những kinh nghiệm đáng suy nghĩ cho chúng ta. Mặt khác, Nho giáo là một học thuyết chuộng gốc nhớ nguồn, đề cao quan hệ huyết thống nên nó đòi hỏi sự gắn bó chặt chẽ giữa những thành viên trong một gia đình, một dòng họ. Những người trong gia đình, họ hàng thì phải cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, biết giữ gìn và phát huy truyền thống của gia đình và dòng họ. Họ hàng, làng xã được tổ chức theo tinh thần Nho giáo sẽ tạo dựng được những cộng đồng ổn định, hòa mục nhờ vào lòng hiếu đễ, kính nhường.

Trong quan hệ cha mẹ - con cái, anh - em cũng phải xây dựng theo tinh thần mới, cha mẹ thương yêu, không phân biệt đối xử với con cái, tôn trọng và định hướng những nhu cầu chính đáng của con cái, nuôi dạy chúng thành những người tốt trong gia đình, có ích cho xã hội. Ngược lại, con cái, em út phải biết kính trọng cha mẹ và anh chị, tự tu dưỡng, rèn luyện, phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình. Bên cạnh đó, các quan hệ ông bà và cháu chắt… cũng cần được xây dựng trên tinh thần bình đẳng, tình thương,

quan tâm, có trách nhiệm… để gia đình hòa thuận, êm ấm, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Tóm lại, việc khai thác những yếu tố hợp lý và khắc phục những cái không còn phù hợp trong quan niệm của Nho giáo về Hiếu đễ vì sự nghiệp đổi mới hiện nay ở nước ta là việc làm thiết thực, mang ý nghĩa to lớn nhưng điều quan trọng là cần phải có những giải pháp hữu hiện cả về mặt nhận thức cũng như về phương diện tổ chức thực hiện cả về mặt nhận thức cũng như về phương diện tổ chức thực hiện nhằm thực hiện triệt để việc cải tạo các phong tục, tập quán lạc hậu, phát huy những giá trị tích cực của tư tưởng Hiếu đễ

trong xây dựng đạo đức gia đình ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Quan niệm của Nho giáo về Hiếu, Đễ và ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng đạo đức của gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 95 - 98)