Không khó để ta nhận ra sự ảnh hưởng của văn học dân gian đến các tác phẩm truyền kì. Ta dễ dàng bắt gặp trong những sáng tác truyền kì những câu chuyện mang cốt truyện dân gian hoặc dã sử, các môtip quen thuộc trong truyện dân gian. Và có không ít những truyện truyền kì vốn là những truyện dân gian được sáng tạo lại.
Trong Thánh Tông di thảo có truyện Chồng dê. Ngay nhan đề của truyện cũng đã khiến ta nhớ đến kiểu truyện người lấy vật rất quen thuộc trong truyện cổ tích thần kì của văn học dân gian (như những truyện Lấy vợ cóc, Lấy chồng dê). Và diễn biến của truyện tưởng cũng không khác lắm so với chuyện cổ tích. Người con gái hiếu thuận nết na, có được người chồng vốn là thần tiên trên trời vì phạm lỗi mà bị đọa, ẩn hình trong dáng dê. Người chồng dê đẹp hơn Tống Ngọc, Phan Lang ấy phải chăng là phần thưởng xứng đáng cho cô gái có tấm lòng hiếu thảo? Cũng trong
Thánh Tông di thảo, truyện Ngọc nữ về tay chân chủ ít nhiều mang dáng dấp của truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh với chi tiết Ngọc Hoàng kén rể, Sơn thần và Thủy thần đến thi tài để được vợ.
Một số truyện trong Truyền kì mạn lục có nguồn gốc truyện dân gian rất rõ như
Chuyện Từ Thức lấy vợ tiênvốn được sáng tạo lại từ truyện Từ Thức lên tiên trong dân gian hay Chuyện người con gái Nam Xương cũng là một phóng tác từ truyện cổ tích Vợ chàng Trương.
Truyện Vân Cát thần nữ trong Truyền kì tân phả lại được biết đến như một tác phẩm sáng tạo lại dựa trên những truyền thuyết về bà chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử nổi tiếng trong văn học và văn hóa dân gian.
Mối tình của chàng trai nghèo làm nghề lái đò giỏi ca hát với nàng tiểu thư nhà giàu họ Trần trong Chuyện tình ở Thanh Trì (Lan Trì kiến văn lục) ít nhiều khiến ta nghĩ đến mối tình chàng Trương Chi tội nghiệp và cô Mị Nương xinh đẹp trong truyện cổ tích. Nếu truyện cổ tích kết thúc bằng cái chết của Trương Chi và hình bóng chàng lái đò thổi sáo tan trong chén nước khi có nước mắt của tiểu thư Mị Nương rỏ vào thì ở đây lại kết thúc bằng cái chết của cô gái và trái tim hóa thành một khối đỏ như son của nàng tan thành máu tươi, chảy đầm đìa trên tay áo chàng trai khi hai hàng lệ của chàng trào xuống khối đá ấy. Dù có sự khác biệt, cả hai mối tình ấy đều khiến ta cảm động bởi sự thủy chung son sắt của người trong cuộc. Cũng trong Lan Trì kiến văn lục, ta đọc thấy truyện Ông Tiên ăn mày và ta có thể ngờ rằng đây là một câu chuyện cổ tích được ghi chép lại bởi nó mang nội dung chủ đề, diễn biến cốt truyện rất điển hình của một truyện cổ tích, kiểu truyện quá đỗi quen thuộc với bao người Việt Nam. Đó là câu chuyện về hai anh em Giáp (người anh) và Ất (người em). Người anh tham lam keo kiệt, có người vợ cũng thô bạo xấu xa, tranh cướp hết tài sản của cha để lại, người em hiền lành chăm chỉ chỉ được gian nhà nát cùng một khoảnh ruộng xấu. Khi gặp người ăn mày tội nghiệp, người em đối đãi tử tế, và được người ăn mày (vốn là tiên giả dạng) đền ơn và trở nên giàu có. Người anh tham lam khi biết chuyện, muốn được giàu có như em nên đi tìm người ăn mày ấy. Ngờ đâu, gặp người ăn mày thật, không phải là tiên giả dạng, người anh vì đánh cụ già ăn mày đó, bị thưa kiện lên quan và vợ chồng người anh bị trừng trị. Quả thật, kiểu truyện này không hề xa lạ với bất cứ người nào ưa thích truyện cổ tích.
Diễn biến của đại đa số các truyện truyền kì khá tương đồng với diễn biến trong truyện cổ dân gian. Mở đầu mỗi truyện là đôi dòng giới thiệu về nhân vật, tiếp đó kể về những sự việc thể hiện phẩm chất của nhân vật hoặc cuộc đấu tranh thiện ác giữa nhân vật chính và nhân vật phản diện và kết thúc thường là kết thúc có hậu, kẻ ác bị
trừng trị, người hiền được báo đáp, chính nghĩa thắng gian tà. Có thể thấy rõ đặc điểm này trong những truyện thuộc tuyển tập Truyền kì mạn lục. Ta thử khảo sát vài truyện làm ví dụ. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên bắt đầu bằng những dòng giới thiệu về nhân vật chính: “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc vẫn khen là người cương trực” [11,tr.115]. Tiếp đến là sự kiện Ngô Tử Văn đốt đền tà và những tình tiết xoay quanh việc đốt đền thể hiện bản tính cương trực, cứng cỏi của Ngô Tử Văn. Và kết thúc bằng việc Bách hộ họ Thôi bi đày vào ngục Cửu u, mồ bị phá tung. Hay Chuyện người con gái Nam Xương cũng có diễn biến cốt truyện tương tự. Sau đôi dòng khái quát về nhân vật Vũ Nương: “Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp…” là những sự việc khắc họa phẩm chất hiếu thảo, thủy chung của Vũ Nương cùng nỗi oan tình của nàng: sự kiện mẹ chồng bệnh rồi mất, việc nàng trỏ bóng mình bảo là cha bé Đản, việc Trương Sinh nghi ngờ nàng thất tiết khiến nàng phải trầm mình tự vẫn. Kết thúc bằng sự kiện Vũ Nương được giải oan, và sống sung sướng dưới thủy cung. Cùng kiểu kết cấu này có thể kể đến Chồng dê (Thánh Tông di thảo ), Ông tiên ăn mày, Lan quận công phu nhân (Lan Trì kiến văn lục)…
Nói truyện truyền kì gần với văn học dân gian còn bởi vì có thể bắt gặp trong truyện truyền kì những môtip ta vẫn thường gặp trong truyện cổ dân gian: mô tip người lấy vật, mô tip về sự thụ thai hay ra đời thần kì, mô tip nằm mộng, được điềm báo, mô tip vợ bị cướp, mô tip xuống thủy cung, âm ti, hay lên thiên tào, cõi tiên… Mô tip người lấy vật có thể kể đến những truyện: Chồng dê, Duyên lạ xứ Hoa
(Thánh Tông di thảo ), Chuyện kì ngộ ở trại Tây (Truyền kì mạn lục), Mô tip về sự thụ thai thần kì có: Chuyện gã trà đồng giáng sinh (Truyền kì mạn lục), Vân Cát thần nữ (Truyền kì tân phả). Mô tip nằm mộng, được điềm báo có thể thấy trong rất nhiều truyện truyền kì: Duyên lạ xứ Hoa (Thánh Tông di thảo), Câu chuyện ở đền Hạng Vương, Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa
(Truyền kì mạn lục), Tháp Báo Ân (Lan Trì kiến văn lục), … Sự ảnh hưởng của văn học dân gian đối với truyện truyền kì sẽ được chúng tôi bàn kĩ hơn ở chương 2,
“Truyền kì : cầu nối giữa văn học dân gian và văn học viết”.
Làm nên đặc trưng nổi bật nhất của thể loại truyền kì đó chính là sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và những yếu tố hoang đường, kì ảo. Trong truyện truyền kì, thế giới con người và thế giới siêu nhiên có sự tương giao. Đến với truyền kì, người đọc có thể phiêu diêu qua nhiều cõi khác nhau. Đó có thể là cõi tiên mê hoặc lòng người, là chốn thủy phủ lộng lẫy, có thể là nơi địa phủ rùng rợn… Cùng với không gian huyền ảo ấy, bên cạnh những con người phàm trần là những nhân vật không thuộc về thế giới người như tinh vật, yêu ma, thần tiên… Từ Thánh Tông di thảo đến Lan Trì kiến văn lục, ta đều có thể bắt gặp những nhân vật siêu nhiên ấy trong một thế giới ảo huyền.
Đang trong thế giới thực của cõi trần, theo giấc mộng của chàng Chu sinh, ta có thể đến với xứ Hoa đẹp đẽ của vương quốc bướm (Duyên lạ xứ Hoa –Thánh Tông di thảo ), đi cùng Phạm Tử Hư lên thiên tào, nơi có những bức tường bao quanh, cửa lớn khảm trai lộng lẫy, lầu châu điện ngọc… (Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào- Truyền kì mạn lục), hay cùng Thái thú họ Trịnh xuống Long cung đối tụng (Chuyện đối tụng ở Long cung – Truyền kì mạn lục), hoặc theo hồn Tử Văn xuống địa phủ gió tanh sóng xám, hơi lạnh thấu xương, hai bên đầy những quỷ dạ xoa mắt xanh nanh trắng để dự phiên tòa Diêm Vương xử án Bách hộ họ Thôi (Chuyện chức phán sự đền Tản Viên – Truyền kì mạn lục), hay cũng có thể theo Thái Công vào giấc mơ để lên chốn Bồng Lai với thành vàng sừng sững, cửa ngọc mở toang, có hành trăm người cầm hốt phách, tấu nhạc quân thiều, múa điệu nghê thường (Vân Cát thần nữ - Truyền kì tân phả)… Con người có thể đi về giữa những thế giới khác nhau ấy, và các nhân vật siêu nhiên thuộc thế giới kì ảo đó cũng có thể tìm đến với cõi trần, kết giao với người trần.
Nhân vật trong truyền kì cũng là nhân vật trong thế giới hoang đường. Đó có thể là những tinh vật hóa người như nàng Mộng Trang (bướm hóa người – Duyên lạ xứ Hoa – Thánh Tông di thảo), nàng Đào, Liễu (Chuyện kì ngộ ở trại Tây – Truyền kì mạn lục), nàng Ngọa Vân (hải tiên, trong Chuyện lạ nhà thuyền chài – Thánh Tông di thảo); là những u hồn, trệ phách như Nhị Khanh (Chuyện cây gạo – Truyền kì
mạn lục ), Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang – Truyền kì mạn lục); những thần tiên bị giáng cõi trần do phạm phải lỗi lầm nào đó trên tiên giới như người
Chồng dê trong câu chuyện cùng tên (Thánh Tông di thảo), Thiên Tích trong
Chuyện gã trà đồng giáng sinh (Truyền kì mạn lục), nàng Giáng Tiên trong Vân Cát thần nữ (Truyền kì tân phả); có thể là Phật, là Thổ Công, là Diêm Vương, là quỷ Dạ Xoa… Những nhân vật này ta cũng có thể bắt gặp trong truyện cổ dân gian. Tuy nhiên, đến với truyền kì, ý nghĩa vai trò của kiểu nhân vật siêu nhiên này có sự khác biệt so với truyện cổ. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ bàn rõ hơn trong chương sau của luận văn.
Chịu ảnh hưởng chung của thi pháp văn học trung đại khi xây dựng nhân vật trong tác phẩm tự sự, nhân vật trong truyền kì thường được xây dựng khá đơn giản, tính cách nhân vật thể hiện qua hành động, ngôn ngữ, ít khi các tác giả đi sâu vào phân tích tâm lí, miêu tả sâu sắc diễn biến tâm trạng nhân vật, nội tâm
nhân vật thường ít có sự xung đột, mâu thuẫn. Đây là điểm khác biệt lớn giữa
truyện truyền kì với những sáng tác tự sự hiện đại.
Có thể lấy một vài truyện làm ví dụ. Để làm bật lên tính cách đoan chính, thủy chung, hết lòng yêu thương chồng con của nàng Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ Khoái Châu – Truyền kì mạn lục), Nguyễn Dữ đặt nhân vật trong những hoàn cảnh khác nhau, từ thái độ, ngôn ngữ của nhân vật mà bộc lộ vẻ đẹp phẩm chất của nàng. Khi Trọng Quỳ, chồng nàng, quyến luyến vợ mà có ý chần chừ không muốn đi cùng cha khi cha phải công cán ở vùng Nghệ An, Nhị Khanh ngăn bảo: “Nay nghiêm đường vì tính nói thẳng mà bị người ta ghen ghét, không để ở lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến cử đến chốn hùng phiên, bề trong thực dồn đuổi vào chỗ tử địa. Chả lẽ đành để cha ba đào muôn dặm, lam chướng nghìn trùng, hiểm nghèo giữa đám kình nghê, cách trở trong vùng lèo mán, sớm hôm săn sóc, không kẻ đỡ thay? Vậy chàng nên chịu khó đi theo. Thiếp dám đâu đem mối khuê tình mà lỗi bề hiếu đạo. Mặc dầu cho phấn nhạt hương phai, hồng rơi tía rụng, xin chàng đừng thắc mắc bận lòng đến chốn hương khuê.” [11,tr.21] Lời lẽ của nàng rõ ràng là lời lẽ của một người phụ nữ hiểu đạo nghĩa, một người con dâu hiếu thảo khi phân tích
cho Trọng Quỳ thấy những khó khăn mà cha chồng sẽ gặp phải, nhắc lại đạo hiếu tử để khuyên chồng theo chăm sóc cha già. Khi biết bà cô Lưu thị định ép gả mình cho tướng quân họ Bạch, Nhị Khanh lo lắng, sợ hãi. Thế nhưng, nói về nỗi lo lắng của nhân vật, Nguyễn Dữ chỉ ghi lại trong một câu: nghe nói sợ hãi, mất ngủ quên ăn đến hàng tháng, mà không đi sâu miêu tả diễn biến nội tâm, những trăn trở dằn vặt của nhân vật bằng những câu độc thoại, độc thoại nội tâm như ta hay thấy trong truyện hiện đại. Tấm lòng thủy chung của Nhị Khanh được khẳng định qua việc chờ chồng sáu năm trời, không mảy may thay lòng dù phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc; qua việc nàng nhờ người bõ già đi tìm Trọng Quỳ, cũng như việc chọn cái chết khi bị phụ bạc chứ kiên quyết không làm vợ kẻ khác dù kẻ ấy giàu có, quyền thế. Đến khi mất, Nhị Khanh vẫn hiện về hướng chí cho hai con. Những sự việc, lời nói của nhân vật khắc họa được vẻ đẹp nội tâm của nhân vật này. Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, để xây dựng Ngô Tử Văn như một nhân vật tiêu biểu cho khí phách cứng cỏi, cương trực, nhân nghĩa, Nguyễn Dữ cũng thông qua thái độ, ngôn ngữ của nhân vật mà làm hiển hiện khí phách ấy. Đốt đền tà vì ngôi đền nổi tiếng là linh ứng nay lại có yêu ma tác quái, hành động ấy đã cho thấy tinh thần dũng cảm vì dân trừ hại của Tử Văn. Trước khi đốt đền, Tử Văn tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi mới châm lửa đốt đền, và trong khi mọi người đều lắc đầu lè lưỡi lo sợ thay cho chàng, Tử Văn vẫn vung tay không cần gì cả. Hành động và thái độ đó của Tử Văn đã cho thấy bản lĩnh cứng cỏi, tin vào việc mình làm, không chút e dè, sợ hãi trước yêu ma của chàng Ngô Soạn. Ta thử xem xét một truyện trong Lan Trì kiến văn lục, truyện Chuyện tình ở Thanh Trì. Tác phẩm đã cho thấy cái nhìn trân trọng của Vũ Trinh đối với người phụ nữ, ở đây là một người phụ nữ thủy chung, mang một mối tình son sắt. Nhà văn khẳng định tình cảm sâu nặng của người con gái họ Trần chỉ bằng một vài câu kể ngắn gọn: thấy mặt chàng rồi nàng không làm sao quên được, nàng nhờ con hầu đem khăn tay đến tặng, dặn con hầu bảo chàng rằng sớm nhờ người qua mai mối. Chúng ta không đọc thấy những dòng văn kể lại những suy nghĩ, ưu tư, những câu miêu tả tâm trạng nhớ nhung bồi hồi của nhân vật. Tấm lòng son sắt thủy chung của cô gái được biểu hiện qua hành động táo bạo:
trộm trăm lạng vàng của cha sai người mang đến tặng người yêu để dùng làm đồ sính lễ. Nói về nỗi đau khổ của nàng khi tình yêu bị ngăn cản, Vũ Trinh cũng không đi vào kể sâu, tả kĩ. Ta cảm nhận và cảm thông với nỗi đau của nhân vật qua lời kể súc tích của tác giả: nàng âm thầm đau khổ chẳng thể cùng ai giãi bày, chỉ biết ngắm bóng mình mà nuốt lệ. Dần dần nàng sinh bệnh, chân tay rời rã, vóc dáng gầy mòn. Mối u tình lắng đọng thành khối đá trong lòng, thuốc men chạy chữa bao nhiêu cũng vô hiệu. Kể ngắn gọn, không đi sâu khắc họa nội tâm đau đớn của nhân vật, nhưng với những dòng văn ấy, nỗi đau của nhân vật vẫn hiện lên chân thật, sâu sắc, từ đó mà tấm lòng thủy chung của nàng tỏa sáng.