Dấu vết của truyền kì trong văn học 1930 – 1945

Một phần của tài liệu vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của văn học việt nam (Trang 134 - 139)

Từ đầu những năm 30 của thế kỉ XX đến khoảng năm 1945, bên cạnh sự phát triển của truyện ngắn hiện thực phê phán, truyện ngắn lãng mạn, truyện ngắn hiện thực cách mạng, văn học Việt Nam còn ghi nhận sự xuất hiện của các truyện ngắn mang nhiều yếu tố kì ảo, ghê rợn với sự góp mặt của các nhân vật ma, quỷ, thần… như những sáng tác của Nhất Linh, Thế Lữ, Tchya (Đới Đức Tuấn), Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh… Giới nghiên cứu phê bình gọi loại truyện này bằng những cái tên “truyện kì ảo”, “truyện kinh dị”, “truyện đường rừng”… Ở đây, chúng tôi sử dụng cách gọi của Nguyễn Huệ Chi trong tuyển tập Truyện truyền kì Việt Nam là “phỏng truyền kì”. Quả thật, khảo sát một số truyện ngắn loại này như Lan rừng (Nhất Linh), Tiếng hú ban đêm, Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ), Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya (Tchya), Xác ngọc lam, Lửa nến trong tranh (Nguyễn Tuân), Chiều sương,

Một trận bão cuối năm(Bùi Hiển), Ngậm ngải tìm trầm(Thanh Tịnh)… chúng ta sẽ thấy một vài đặc điểm của thể loại truyền kì thời trung đại ghi dấu trong những tác phẩm này. Hẳn nhiên, không vì vậy mà ta gọi đây là những tác phẩm thuộc thể

truyền kì, vì dẫu mang trong mình một số đặc điểm của thể loại này, những sáng tác này về mục đích sáng tác, nội dung, nghệ thuật, … có nhiều điểm khác biệt so với những sáng tác truyền kì mà ta khảo sát ở trên.

Nếu như những sáng tác truyền kì trung đại sử dụng những yếu tố kì ảo, kì lạ để chủ yếu, thông qua đó phơi bày hiện thực xã hội phong kiến cùng những số phận cụ thể của những con người trong xã hội đó, đồng thời gửi gắm một bài học đạo đức hay lí tưởng sống thì với những tác phẩm phỏng truyền kì của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, những yếu tố kì ảo, huyễn hoặc, ma quái lại được sử dụng với nhiều mục đích, chức năng khác nhau. Có khi, yếu tố kì ảo, huyễn hoặc trong các truyện này được dùng để tạo không khí rùng rợn, li kì cho câu chuyện; có khi để thể hiện những trăn trở của con người trước cuộc sống; có khi lại được dùng để thể hiện những quan niệm của người viết về con người, cuộc đời; có lúc yếu tố kì ảo lại là phương tiện để các tác giả đi vào thế giới tâm linh của con người, hay để gửi gắm những khát khao về tình yêu đôi lứa… và cũng có trường hợp, các sáng tác 1930 – 1945 kể lại những câu chuyện mang màu sắc huyền ảo nhưng những hiện tượng huyền ảo, kì bí lại được giải thích một cách khoa học. Các truyện truyền kì trung đại khai thác đề tài từ văn học dân gian với những câu chuyện có thể rất quen thuộc trong kho tàng cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn. Các truyện phỏng truyền kì của văn học hiện đại Việt Nam 1930 – 1945 cũng mang sắc màu dân gian nhưng đậm nét về tín ngưỡng dân gian hơn là về văn học dân gian. Khẳng định điều này bởi lẽ chúng tôi nhận thấy rằng nhiều truyện truyền kì trung đại khai thác từ các truyện dân gian có sẵn thì ở truyện phỏng truyền kì giai đoạn này lại chủ yếu khai thác yếu tố kì ảo dựa trên niềm tin của nhân dân ta từ xưa đến nay (tin rằng có ma quỷ, thần thánh) mà sáng tạo ra những câu chuyện mang màu sắc huyền ảo, hoang đường. Ta rất dễ tìm thấy trong truyện phỏng truyền kì giai đoạn này đủ các loại ma: ma xó, ma trành, ma giữ của, ma cụt đầu, ma thuyền chài, ma khách… Điều đó phản ánh tín ngưỡng tâm linh của dân gian: tin rằng có sự tồn tại của thế giới cõi âm, thế giới sau khi con người mất đi. Thế giới ma ấy tạo nên một không khí rùng rợn, ảo huyền bao trùm nhiều tác phẩm tác phẩm giai đoạn 1930 – 1945. Nhưng đó không phải là chức

năng chủ yếu duy nhất của các yếu tố kì ảo trong truyện phỏng truyền kì. Sử dụng các yêu tố kì ảo trong sáng tác của mình, các nhà văn viết truyện ngắn kì ảo thời hiện đại còn thể hiện nỗi niềm trăn trở, suy tư về về cuộc đời, về con người. Mượn câu chuyện về người hóa hổ (Ngậm ngải tìm trầm) Thanh Tịnh gợi lên trong người đọc những suy nghĩ về hai chữ “con người”. Con người khác với con vật ở chỗ dù có biến đổi về nhân hình, nhân tính trong họ vẫn không hề mất đi hoàn toàn. Thế nên, dù đã hóa hổ, bác Diệm trai vẫn cố gắng trở về nhà thăm con, thăm vợ bởi tình yêu thương vẫn nặng trong lòng. Hình ảnh “Trong bầu sáng nhạt, nhuộm sương khuya, bác Diệm thấy một bóng người – không, một con vật thì đúng hơn – chụm mạnh bốn chân xuống đất, ngẩng đầu lên cao, đang đăm đăm nhìn về phía bác… Bác ôm mặt khóc rất thê thảm. Con hổ cũng rú lên một hơi dài như để đáp lại tiếng lòng của vợ. Tiếng hú nghe lạnh và buồn”[9,tr.530] khiến ta thương cảm cho đôi vợ chồng từ nay phải chia cắt vĩnh viễn và đọng lại trong ta nhiều nghĩ suy về tình người trong cuộc đời. Tiếng hú ban đêm(Thế Lữ), Thần hổ(Tchya)… lại mang đến cho ta những trăn trở về sự hận thù. Sức mạnh của sự thù hận thật ghê gớm, nó cho con người những khả năng phi thường nhưng cũng có thể khiến con người suốt đời đau khổ và liệu hận thù có phải chỉ được hóa giải bằng việc trả thù? Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn hiện đại giai đoạn này có lúc được sử dụng để giúp người đọc thâm nhập, tìm hiểu thế giới tâm linh của con người. Bóng người trên sương mù

(Nhất Linh) là câu chuyện vừa hư vừa thực, không khiến ta cảm thấy ghê sợ mà xúc động thấm thía với niềm tin giữa những người thân yêu có cái gọi là “thần giao cách cảm”, khả năng đó có thể cứu rỗi con người. Câu chuyện vì vậy còn là sự khẳng định về sức mạnh của tình cảm vợ chồng. Những truyện ngắn Chiều sương, Một trận bão cuối nămnhư thừa nhận có một thế giới của những hồn oan, những người đã chết. Những con người ấy dẫu chết rồi vẫn có khi gặp gỡ, chuyện trò với người sống như tìm chút hơi ấm. Một số tác phẩm, đặc biệt là những sáng tác của Nguyễn Tuân, lại dùng yếu tố kì ảo để khẳng định, ca ngợi cái đẹp, ca ngợi giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người tạo ra. Cái đẹp ấy ở trong những bức tranh cổ (Lửa nến trong tranh), cái đẹp ấy trong những trang giấy dó nhà họ Chu (Xác ngọc lam),

cái đẹp ấy cũng có thể hiện thân trong những hồn ma phụ nữ như Hoàng Lan Hương (Trại Bồ Tùng Linh), nàng Peng Slao (Thần hổ), nàng Sao (Lan rừng)… (Giống như truyện truyền kì thời trung đại, các nhân vật nữ trong các sáng tác kì ảo giai đoạn này đều rất đẹp). Đi liền với cái đẹp là tình yêu. Nhiều truyện phỏng truyền kì thể hiện niềm khát khao hạnh phúc tình yêu, hạnh phúc trần thế của con người. Về điểm này truyện phỏng truyền kì giai đoạn 30 – 45 khá tương đồng với truyện truyền kì trung đại. Người đọc có thể tìm thấy mối tình đắm đuối như mối tình của Tuấn và cô gái kì bí, không rõ người hay ma Hoàng Lan Hương (Trại Bồ Tùng Linh), một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt như tình yêu giữa Đèo Lầm Khẳng và nàng ma trành Peng Slao (Thần hổ), hay một tình yêu tha thiết, trong trẻo như tình yêu của Quang và Sao - tinh hoa lan (Lan rừng)… Một điều khác biệt khá rõ giữa truyện truyền kì trung đại và truyện phỏng truyền kì giai đoạn này đó là các tác giả văn học trung đại không hề dùng yếu tố kì ảo để lí giải một cách khoa học về các hiện tượng kì bí trong đời sống, trong khi đó ở truyện ngắn 1930 – 1945 điều này lại có. Ví như truyện Vàng và máu(Thế Lữ) hay truyện Lửa nến trong tranh (Nguyễn Tuân) chẳng hạn. Truyện của Thế Lữ đưa người đọc từ chỗ ghê sợ trước lời nguyền của thần linh đến chỗ thấy được sức mạnh của lí trí con người khi để cho quan Châu khám phá ra bí mật: những người vào hang tìm vàng không chết vì sự trừng phạt của thần linh mà chết vì những hòn đá cuội có trát thuốc độc. Nguyễn Tuân lí giải hiện tượng kì bí: bức tranh sáng bừng lên và ông tướng Hàn Kì hiện lên trên bức tranh như thật, như thể “là người của cuộc đời này và đang là một vị khách ngoài thời gian của ấp chủ đây” bằng những hiểu biết rất khoa học thông qua lời của công sứ Lê Bích Xa. Đó là nhờ bức tranh được tạo từ chất liệu đặc biệt: “lấy chất lân trộn vào thuốc để điểm ngọn lửa tranh, lấy thạch nhung để làm nến tranh”… Bằng cách đó lí giải các hiện tượng kì bí một cách khoa học, các tác giả đã thể hiện niềm tin tưởng vào khoa học và con người.

Dấu ấn rõ nhất của thể loại truyền kì trong các sáng tác mà chúng tôi đang đề cập có lẽ chính là sự góp mặt của các nhân vật ma, thần, những tinh vật… trong truyện. Nhân vật kì ảo là ma ta có thể tìm thấy trong các truyện: Thần hổ, Ai hát

giữa rừng khuya của Tchya, Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ), Chiều sương, Một trận bão cuối năm(Bùi Hiển)…; có nhân vật kì ảo là thần có thể kể đến các truyện Thần hổ, Trên đỉnh non Tản (Nguyễn Tuân); ta gặp nhân vật kì ảo là tinh vật trong những truyện Lan rừng(Nhất Linh), Xác ngọc lam (Nguyễn Tuân)… Và môtip thường gặp nhất của thể loại truyền kì trong văn học trung đại được tìm thấy trong những sáng tác này chính là môtip về sự gặp gỡ, yêu đương và ân ái giữa ma và người, giữa người và tinh vật… như trong các truyện Lan rừng, Trại Bồ Tùng Linh, Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya… Có điều, trong nhiều sáng tác truyền kì thời trung đại, bên cạnh thái độ cảm thông với khát vọng tình yêu của nhân vật trong truyện, tác giả có khi phê phán những tình cảm này là trái với luân thường, là đồi phong bại tục, nhất là ở những chàng nho sinh chỉ đắm đuối trong tình dục. Còn ở truyện phỏng truyền kì mà chúng ta đang nói, có thể nói, chỉ thấy tinh thần ngợi ca tình yêu, đồng cảm với những khát khao yêu thương của con người. Ngoài ra, những môtip khác như sự thụ thai, ra đời kì lạ, chết kì lạ, thưởng – phạt… mà ta vẫn hay gặp ở truyện truyền kì lại ít thấy ở truyện phỏng truyền kì. Ta cũng sẽ không thấy kiểu câu văn biền ngẫu hay văn xuôi nhưng xen thơ phú trong những truyện kì ảo của văn học 1930 – 1945. Ngôn ngữ của truyện phỏng truyền kì giai đoạn này vẫn là ngôn ngữ giàu hình ảnh nhưng không phải là những hình ảnh ước lệ quen thuộc trong truyện kì. Không gian của truyện phỏng truyền kì có thể là không gian siêu nhiên như không gian núi tiên, nơi ở của thần Tản Viên (Trên đỉnh non Tản), không gian tiên cảnh trong Trên Bồng Lai… nhưng vẫn có điểm khác biệt so với truyện truyền kì trung đại. Nếu không gian siêu nhiên trong truyện trung đại là không gian tưởng tượng như tiên cảnh, thủy phủ, âm ti… thì không gian trong truyện phỏng truyền kì không hoàn toàn là không gian tưởng tượng mà vừa hư, vừa thực, mang sắc màu rùng rợn hoặc kì bí hoặc huyễn hoặc phù hợp với diễn biến nội dung truyện và cũng phù hợp với thời gian truyện: ban đêm. Không gian ấy tràn ngập trong các truyện như Bóng người trên sương mù, Lan rừng, Trại Bồ Tùng Linh, Một đêm trăng, Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya… như một yếu tố nghệ thuật tạo nên sự hấp dẫn cho truyện. Chính những điểm này đã đưa chúng tôi đến kết luận: dấu ấn thể loại truyền kì vẫn còn ghi

dấu trong các sáng tác văn xuôi 1930 – 1945 nhưng không thể xem những truyện này là truyện truyền kì như các sáng tác Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục,

Truyền kì tân phả…của thời trung đại vì có rất nhiều điểm khác biệt. Những truyện kì ảo của văn học Việt Nam 1930 – 1945 kế thừa những đặc điểm của truyện truyền kì trung đại nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của kiểu truyện kinh dị phương Tây như một số truyện Vàng và máu, Một truyện ghê gớm

Một phần của tài liệu vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của văn học việt nam (Trang 134 - 139)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)