Truyện truyền kì khai thác đề tài từ truyện cổ tích

Một phần của tài liệu vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của văn học việt nam (Trang 50 - 59)

Có không ít những sáng tác truyền kì là những truyện ngắn được phóng tác, sáng tác lại từ truyện cổ tích dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, những đặc điểm nội dung nổi bật của truyện cổ tích dân gian có thể dễ dàng tìm thấy trong các truyện truyền kì.

Truyện Chồng dê trong Thánh Tông di thảo hẳn là được phóng tác từ câu chuyện Lấy chồng dê thuộc kiểu truyện người lấy vật rất quen thuộc trong cổ tích dân gian. Ta hãy thử so sánh hai truyện này.

Có thể tóm tắt truyện dân gian Lấy chồng dê trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Namdo Nguyễn Đổng Chi sưu tầm như sau: Ngày xưa, có hai vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn không có con. Cầu khẩn mãi cuối cùng người vợ cũng có mang nhưng đến ngày sinh nở bà lại sinh ra một con dê đực. Người chồng phiền não, sinh bệnh rồi mất, người vợ một mình nuôi con. Dê hay ăn chóng lớn, việc gì cũng làm được. Một

hôm, dê nài nỉ mẹ qua hỏi một trong ba cô con gái phú ông làm vợ. Phú ông đuổi người mẹ về, nhưng người mẹ nằn nì mãi, cuối cùng phú ông gọi ba người con gái ra, hỏi ai muốn lấy dê làm chồng. Hai cô chị bĩu môi khinh miệt, riêng cô em út đáp: “Cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy”. Phú ông bằng lòng gả nhưng thách cưới rất cao, vậy mà dê biện đủ cả lễ vật. Đêm hợp cẩn, dê trút bỏ lớp dê biến thành một chàng trai tuấn tú, sáng hôm sau lại trở lại lốt dê. Thấy người em út không có gì lo buồn hối hận về việc lấy chồng là dê, hai cô chị dò hỏi biết được sự thật và xui em bỏ lốt dê đi. Người em út theo lời, từ đó, dê trút bỏ lốt dê. Hai cô chị vừa hối tiếc vừa ganh tị với hạnh phúc của em. Hơn một năm sau, chồng cô em út có việc phải đi. Trước khi đi, chàng trao cho cô hai vật hô thân là một con dao và một hòn đá lửa. Cô gái út ở nhà bị hai chị lập mưu đẩy xuống biển, bị cá nuốt. May nhờ có con dao chồng đưa, cô đâm cá bị thương, xác cá trôi dạt vào hòn đảo, cô rạch bụng cá thoát được ra ngoài và sống ở trên hòn đảo đó. Với con dao và hòn đá chồng đưa khi từ biệt, cô vượt qua hết những khó khăn trong cuộc sống trên đảo. Một hôm, có chiếc thuyền đi qua hòn đảo, nàng ra hiệu cầu cứu, hóa ra thuyền đó là của chồng mình, hai người sum họp, mừng mừng tủi tủi, vợ kể chồng nghe hết mọi chuyện. Hai người về nhà, chồng giấu vợ đi không cho ai biết rồi dọn cỗ linh đình bảo là để cúng vợ, mời làng nước, bà con đến dự. Hai người chị ra bộ thương cảm cho người em út vắn số, sau đó nhiều lần liếc mắt đưa tình với em rể. Người em rể để mọi người ăn uống no say như không có chuyện gì rồi mới bảo vợ mình ra chào mọi người. Hai người chị vừa sửng sốt, vừa xấu hổ lẻn ra khỏi cổng. nhưng chúng đi được một đoạn đã bị thần sét đánh chết. Vợ chồng người em út sống hạnh phúc trọn đời.

Truyện Chồng dê trong Thánh Tông di thảo kể rằng: Ở làng Thanh Khê xưa, có cô gái mồ côi hiếu thảo. Vì phải đội tang mẹ nên 21 tuổi mà vẫn chưa chồng. Một lần, sau khi tảo mộ về, cô gặp một con dê trắng, con dê theo cô về tận nhà, xua đuổi mãi không được nên mang dê về nhà nuôi. Bốn tháng sau dê hóa thành một chàng trai tuấn tú, bảo mình là tiên trên trời, bị đày xuống trần và có duyên cũ với cô gái nên cùng cô kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc với nhau một thời gian, người

chồng dê mãn hạn bị đày phải trở về trời. Cô gái đau buồn, chàng trai bày cho cô gái cách gọi mình mỗi khi thương nhớ. Cô gái làm theo, lần nào cũng linh nghiệm. Vài tháng sau, cô gái mất, hóa thành ngỗng vàng ngậm cành hoa bay về trời.

Truyện Chồng dê trong Thánh Tông di thảo có nét gần gũi với truyện Lấy chồng dê, Lấy vợ cóccủa nhân dân. Sự so sánh khiến chúng tôi nghi ngờ rằng phải chăng tác giả Thánh Tông di thảo đã được gợi ý đề tài từ truyện Lấy chồng dê trong cổ tích để cho ra đời một câu chuyện mang màu sắc dân gian nhưng có những điểm mới mẻ thể hiện cá tính sáng tạo của người viết. Cũng có nghĩa là đã có sự tiếp biến trong dòng chảy văn học dân gian sang văn học viết. Cũng như người vợ xinh đẹp, tài giỏi trong lốt cóc là phần thưởng cho chàng trai hiền lành trong truyện Lấy vợ cóc, chàng Dê giỏi giang, tuấn tú, nhiều tài phép là phần thưởng cho cô gái út ngoan hiền trong truyện Lấy chồng dê của dân gian, ở Chồng dê, người chồng dê vốn là tiên cõi trời cùng cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng ở tiên cảnh chính là phần thưởng xứng đáng cho cô gái hiếu thảo, đoan chính. Tất cả đều thể hiện quan niệm sống đầy tính nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam: ở hiền gặp lành, đằng sau vẻ bề ngoài xấu xí có thể ẩn tàng một tâm hồn đẹp đáng trân trọng. Câu chuyện quen thuộc của dân gian đi vào tác phẩm Thánh Tông di thảo đã có sự gia công đáng kể, thể hiện tài hoa nghệ thuật của người viết. Lời thoại của nhân vật được trau chuốt với những câu nói giàu hình ảnh bóng bẩy; xen vào câu chuyện là lời bình bằng hai câu thơ bảy chữ của người kể, lời kể cũng được đẽo gọt với một vài điển cố được sử dụng, những câu văn có các vế đối nhau và trong truyện cũng có thơ góp phần tăng thêm sự lãng mạn của tác phẩm.

Thánh Tông di thảo có một truyện nhan đề Tinh chuột. Thử so sánh truyện này với một truyện dân gian được lưu truyền ở Nghệ An, truyện Tại sao gọi chuột là ông cống, ta sẽ thấy nhiều nét tương đồng. Khảo sát hai truyện này, dù không cả quyết Tinh chuột trong Thánh Tông di thảo là từ truyện này mà ra, nhưng ta có thể nghi ngờ có sự ảnh hưởng của truyện dân gian đối với những sáng tác truyền kì về mặt đề tài. Những diễn biến chính của hai truyện rất giống nhau. Điểm khác biệt là ở chỗ câu chuyện của Thánh Tông di thảo rõ ràng hơn, nhiều tình tiết hơn, cùng với

lời người kể chuyện, lời thoại của nhân vật có tính văn chương hơn cùng những câu văn trau chuốt, những câu tục ngữ, những bài thơ được xen vào hợp lí. Đáng chú ý hơn là truyện còn xen vào đoạn độc thoại nội tâm của người kể chuyện, ở đây là vua Lê Thánh Tông, cho thấy sự trăn trở của một người đứng đầu nhà nước trước những việc can hệ đến cả xã hội. Vì vậy, có thể nói, cùng một đề tài với một câu chuyện dân gian, qua sự dụng công của tác giả, truyện ngắn truyền kì Tinh chuột đã góp phần thể hiện tài năng nghệ thuật và quan niệm sống của người kể. Có thể thấy, truyền kì là cầu nối giữa văn học dân gian và văn học viết đầu tiên chính là vì điểm này.

Truyền kì mạn lục, những truyện ngắn được sáng tác lại từ truyện cổ tích dân gian không phải là hiếm hoi. Có thể kể đến ở đây một số truyện như Chuyện người con gái Nam Xương vốn viết lại từ truyện Vợ chàng Trương đã được lưu truyền từ lâu trong nhân dân; truyện Từ Thức lấy vợ tiên là sáng tạo lại từ Sự tích Động Từ Thức (hay Từ Thức gặp tiên) trong kho tàng truyện cổ dân gian… Chuyện người con gái Nam Xươngviết lại từ truyện cổ tích Vợ chàng Trương với một sự gia công đáng kể. Có thể tóm tắt truyện Vợ chàng Trương trong truyện cổ tích dân gian như sau: Vũ Thị Thiết lấy chồng là Trương Sinh. Hơn một năm sau ngày cưới, Trương Sinh phải đầu quân đi lính, lúc bấy giờ Vũ Nương đang mang thai. Những ngày xa chồng, Vũ Nương thường trỏ bóng mình trên vách, đùa con bảo rằng đó là cha bé. Ngày Trương Sinh trở về, vì nghe lời con trẻ mà nghi ngờ vợ mình không chung thủy bèn đánh đuổi đi. Vũ Nương bị oan, phải gieo mình xuống sông tự vẫn để tỏ lòng trong sạch. Sau khi Vũ Nương mất, Trương Sinh mới biết vợ mình bị oan nhưng việc đã muộn rồi. Trên cơ sở cốt truyện đó, Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm nhiều chi tiết, sắp xếp lại vài diễn biến truyện, thêm vào lời thoại giữa người mẹ chồng và người con dâu, đặc biệt là thêm hẳn một đoạn truyện kể về cuộc sống dưới thủy phủ của Vũ Nương sau khi tự vận. Theo đó, truyện của Nguyễn Dữ kể thêm:

Vũ Nương sau khi nhảy sông Hoàng Giang, Linh Phi thương tình nàng oan ức nên cho nàng sống sung sướng dưới thủy cung. Ở đây, Vũ Nương gặp lại một người cùng làng mình tên là Phan Lang, vì từng cứu mạng Linh Phi nên khi chết đuối ở

Nam Hải được Linh Phi cứu mạng để trả ơn. Vũ Nương nhờ Phan Lang mang chiếc hoa vàng về gửi Trương Sinh cùng lời nhắn Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. Theo lời, Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương ở bến Hoàng Giang. Vũ Nương hiện về trên kiệu hoa rực rỡ, nói lời tạ từ rồi trở lại thủy cung cùng Linh Phi, không trở về nhân gian. Đối chiếu hai truyện, ta không thể phủ nhận sự dụng công của tác giả. Sự dụng công này không chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật mà còn cho thấy cái nhìn đầy nhân đạo của nhà văn về con người và xã hội đương thời. Việc thêm vào những cuộc đối thoại giữa các nhân vật, những lời độc thoại của nhân vật chính, những chi tiết hoang đường kì ảo ở phần sau truyện mà truyện dân gian không có, một mặt khắc họa rõ nét tính cách nhân vật, một mặt làm câu chuyện thêm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, mặt khác lại kín đáo gửi gắm quan niệm, tư tưởng của nhà văn về số phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Kết thúc truyện với việc Vũ Nương về thủy cung sống cuộc đời sung sướng tưởng như là một kết thúc có hậu nhưng thực tế lại tăng thêm tính bi kịch cho tác phẩm. Kết thúc có hậu là kiểu kết thúc phổ biến của truyện cổ dân gian, thể hiện quan niệm ở hiền gặp lành, cũng là ước mơ hạnh phúc, công bằng của nhân dân trong một xã hội phong kiến nhiều bất công. Nói cách khác, xây dựng một kết thúc mang vẻ ngoài có hậu cho truyện ngắn của mình, Nguyễn Dữ đáp ứng được thị hiếu thẩm mĩ của nhân dân lúc bấy giờ. Màu sắc dân gian của câu chuyện thêm phần đậm đà. Nhưng ẩn sâu trong đó là cái nhìn đầy hiện thực của tác giả về cuộc sống người phụ nữ trong xã hội xưa. Hạnh phúc mà Vũ Nương đeo đuổi là “thú vui nghi gia nghi thức”, hạnh phúc ấy nàng chẳng thể nào có được khi xã hội vẫn còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, khi còn những người chồng đầy tính gia trưởng như Trương Sinh, vì vậy chốn dương gian không có chỗ cho nàng, và cuộc sống sung sướng giàu sang chốn thủy cung chỉ là chút an ủi cho người bạc mệnh, hạnh phúc đó không có thực, là thứ ảo ảnh khi mờ, khi hiện. Mượn một truyện cổ dân gian sáng tác thành câu chuyện truyền kì trong sáng tác truyền kì nổi tiếng của mình, Nguyễn Dữ đã cho ta thấy truyền kì chính là một cầu nối cho văn học dân gian và văn học viết, ít nhất là về mặt đề tài.

Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên của ông, như đã nói, cũng là một câu chuyện chuyển thể từ cổ tích Sự tích động Từ Thức. Văn bản truyện Sự tích động Từ Thức

được trích từ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam do Nguyễn Đổng Chi biên soạn có diễn biến chính gần giống hoàn toàn với Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên của Nguyễn Dữ trong Truyền kì mạn lục. Nhưng tài hoa của Nguyễn Dữ đã được thể hiện qua những bài thơ trong câu chuyện của mình, trong lời kể gọt giũa và quan niệm sống của một kẻ sĩ lánh đục về trong, chán ngán chốn quan trường được gửi gắm một cách kín đáo trong sáng tác này.

Không phải chỉ có thể tìm thấy trong Thánh Tông di thảo Truyền kì mạn lục, dáng dấp những câu chuyện cổ tích quen thuộc trong dân gian còn được tìm thấy trong cả những sáng tác truyền kì giai đoạn sau như trong Truyền kì tân phả, Lan Trì kiến văn lục. Hẳn những ai đã từng yêu thích truyện cổ tích đều biết đến câu chuyện Người đẹp trong tranh. Đọc Truyền kì tân phả, ta có thể gặp lại câu chuyện này dưới nhan đề Bích Câu kì ngộ. Câu chuyện kể về chàng Tú Uyên tài hoa, gặp được nàng tiên Giáng Kiều ẩn thân trong bức tranh mỹ nhân. Người – tiên yêu nhau, nên vợ nên chồng. Nhưng rồi Tú Uyên vì hay say rượu, Giáng KIều can mãi không nghe lại còn lấy roi da đánh nàng, Giáng Kiều tủi phận bỏ đi, mãi sau khi Tú Uyên đã tu tỉnh mới trở về sum họp. Sau, cả hai vợ chồng cùng con bay về trời sống cuộc sống của người tiên cảnh. Truyện cổ tích kể lại câu chuyện này khá ngắn gọn, chỉ khoảng hai trang sách, trong khi đó, Bích Câu kì ngộ trong Truyền kì tân phả

được kể rất dài, hơn ba mươi trang với nhiều nhân vật, nhiều tình tiết hơn và rất nhiều bài thơ được lồng vào trong tác phẩm. Trong Lan Trì kiến văn lục, ta có thể tìm thấy ít nhất ba câu chuyện được khai thác từ đề tài cổ tích: Truyện Ông Tiên ăn màycó lẽ là viết lại từ truyện cổ tích dân gian Hai anh em, truyện Sống lại trong tác phẩm này cũng có thể được tìm thấy trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà Nguyễn Đổng Chi đã sưu tầm với tên gọi Anh chàng họ Đào, Chuyện tình ở Thanh Trìhẳn là phóng tác từ câu chuyện tình bi thương mà cổ tích đã lưu truyền: Trương Chi, Mị Nương.Đọc và so sánh truyện Hai anh em, truyện Anh chàng họ Đào do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm với truyện Ông Tiên ăn mày và truyện Sống lại do Vũ

Trinh viết, ta sẽ nhận ra một điều diễn biến chính của hai truyện Hai anh emÔng Tiên ăn mày rất giống nhau, chỉ khác nhau ở vài tiểu tiết; cũng vậy, truyện Sống lại

gần như giống hoàn toàn với truyện Anh chàng họ Đào, và chủ đề tư tưởng của những cặp truyện này về cơ bản là giống nhau. Hai anh emÔng Tiên ăn mày ca ngợi con người hiền lành, lương thiện, phê phán kẻ tham lam, độc ác thông qua hai tuyến nhân vật đối lập: người em, dại diện cho cái thiện và vợ chồng người anh, đại diện cho cái ác. Ông Tiên giả dạng người ăn mày giữ vai trò là nhân vật chức năng xuất hiện để thử lòng người, giúp đỡ cho người có tấm lòng thơm thảo và trừng trị kẻ tham lam. Truyện Anh chàng họ Đào hay Sống lại thì ca ngợi tình cảm thủy chung của người học trò nghèo và cô gài đoan chính. Chỗ khác nhau giữa truyện

Hai anh emÔng Tiên ăn mày chủ yếu là ở phần sau của truyện, như ta dễ dàng nhận ra: trong Ông Tiên ăn mày, phần thưởng cho người em tốt bụng là vàng hóa thành từ máu Tiên ông, người anh thì bị quan phạt như một sự trừng trị thích đáng cho bản tính tham lam keo kiệt của mình; còn trong Hai anh em, phần thưởng cho người em cũng là vàng, nhưng là vàng từ miệng chó đá tuôn ra và người anh bị trừng trị bằng cách bị gắn chặt cả phần đời còn lại với con chó đá; ở truyện Hai anh em, ngoài ý nghĩa khuyên con người sống hiền nhân, thể hiện quan niệm người hiền được phúc, còn nhằm giải thích lai lịch câu thành ngữ “chó đá biết cười”. Ý nghĩa

Một phần của tài liệu vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của văn học việt nam (Trang 50 - 59)