Dấu vết của truyền kì trong văn học Việt nam hiện đại sau 1975

Một phần của tài liệu vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của văn học việt nam (Trang 139 - 150)

Từ sau 1975, đặc biệt là từ sau 1986 trở đi, văn học Việt Nam chứng kiến sự ra đời của nhiều tác phẩm mang nhiều yếu tố kì ảo và sắc màu huyền thoại, tạo thành một xu hướng quan trọng của văn học đương đại: xu hướng văn học kì ảo. Những yếu tố kì ảo gợi chúng ta nhớ đến thể loại truyền kì trung đại xuất hiện đậm đặc trong nhiều sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết của các cây bút đương thời như Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái, Hòa Vang, Lê Minh Hà… Những yếu tố kì ảo trong văn học giai đoạn này khá phong phú và mang những điểm khác so với truyện phỏng truyền kì văn học giai đoạn 1930 – 1945 và cũng khác truyện truyền kì trung đại.

Yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam sau 1975 xuất hiện trong nhiều truyện ngắn “viết lại” từ truyền thuyết, cổ tích dân gian như Gióng (Lê Minh Hà), Sự tích những ngày đẹp trời (Hòa Vang), Trương Chi(Nguyễn Huy Thiệp)…, trong những truyện ngắn “giả cổ tích” của Nguyễn Huy Thiệp với Những ngọn gió Hua tát, và trong nhiều truyện viết về cuộc sống, con người hiện đại yếu tố kì ảo cũng góp mặt khi thì thoáng qua, khi thì đậm đặc như Hậu thiên đường (Nguyễn Thị Thu Huệ),

Dây neo trần gian (Võ Thị Hảo), Gió lẻ (Nguyễn Ngọc Tư), Bướm trắng (Thái Bá Tân), Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt(Nguyễn Huy Thiệp), Cõi người rung chuông tận thế(Hồ Anh Thái)…

Nếu trong truyền kì trung đại, yếu tố kì ảo là phương thức phản ánh hiện thực và chuyển tải quan niệm “văn dĩ tải đạo”, và trong những tác phẩm phỏng truyền kì nhằm tạo không khí rùng rợn, kì bí hay để đi vào thế giới tâm linh, hoặc thể hiện những quan niệm của người viết về cuộc đời, con người thì những yếu tố kì ảo,

mang sắc màu huyền thoại trong văn học hiện đại lại được dùng với những chức năng khác. Khi “viết lại” những huyền thoại xưa trong văn hóa dân gian của dân tộc, các tác giả hiện đại đã “nhận thức lại” con người và cuộc sống trong truyện cổ, gắn những nhân vật trong truyền thuyết, cổ tích với cuộc đời thường, với những suy tư, tình cảm rất “người”. Vì vậy, dẫu mượn yếu tố kì ảo, hoang đường của truyện cổ, của huyền thoại, những truyện Gióng, Sự tích những ngày đẹp trời, Trương Chi… vẫn là những câu chuyện của hiện tại, mang hơi thở của cuộc sống đương thời. Những nhân vật từ truyền thuyết, cổ tích trở về với chúng ta, qua ngòi bút của các tác giả văn học hiện đại rất gần gũi. Một mặt, ở họ vẫn có những cái cao cả đáng ngưỡng mộ, mặt khác họ vẫn mang những tính cách, suy nghĩ như con người bình thường. Bằng những chi tiết hoang đường kì ảo ta vẫn gặp trong truyền kì, các tác giả mang đến cho người đọc những câu chuyện sinh động, hấp dẫn đồng thời cũng khiến người đọc “phản tỉnh”, “nghĩ lại” về những con người trong huyền thoại, cổ tích xa xưa. Trong truyện dân gian, Gióng là nhân vật chính được khắc họa bằng những chi tiết miêu tả về ngoại hình, hành động… thì trong truyện của Lê Minh Hà, hình ảnh Gióng được xây dựng chủ yếu bằng những nghĩ suy, bằng những dòng tâm trạng nối nhau của người mẹ sinh ra Gióng. Truyền thuyết dân gian kết thúc với chi tiết Gióng bay về trời sau khi đánh tan giặc Ân để trở thành bất tử, Lê Minh Hà mang Gióng trở về với cuộc đời trần thế cùng bao tâm trạng ngỡ ngàng, sững sờ và xót xa của người mẹ khi con trở về trong sự cô đơn, trong những đổi thay của nhân tình thế thái. Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang cũng là một cách nhìn lại, một cuộc “đối thoại” lại về truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, thể hiện sự táo bạo của tác giả khi “đi ngược” lại với những gì truyền thuyết đã kể và người Việt Nam từ bao đời nay vẫn nghĩ, cách nghĩ một chiều. Tác giả đã nhìn thấy ở Mị Nương nỗi nhớ quê nhà tha thiết, đã thấu suốt ở Thủy Tinh một tình yêu mãnh liệt, say đắm và thủy chung. Tình yêu ấy Thủy Tinh biến thành những giọt mưa thu để có thể gặp mặt người yêu. Qua ngòi bút của Hòa Vang, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mị Nương… là những con người bình thường trong cuộc đời này chứ không phải chỉ là những nhân vật huyền thoại, những thần tiên xa lạ nữa. Viết Trương Chi, Nguyễn

Huy Thiệp vẫn giữ nguyên hình ảnh một Trương Chi xấu xí nhưng hát cực hay và có một tâm hồn thật đẹp. Nhưng chàng Trương Chi ấy vẫn là con người bình thường với những hành động, cử chi bình thường. Và Trương Chi còn là một người rất đỗi si tình chứ không phải Mị Nương như trong truyện dân gian. Mị Nương của Nguyễn Huy Thiệp cũng có những lúc “rỗng tuếch và tẻ nhạt”, cũng đầy hoài nghi. Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp cố vượt qua những giới hạn bình thường của cuộc đời dung tục để tình yêu mình hướng vào cái tuyệt đối. Những truyện như Sói trả thù, Nàng Sinh, Chiếc tù và bị bỏ quên, … trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát… lung linh sắc màu cổ tích dân tộc Tây Bắc từ ngôn ngữ, giọng điệu kể chuyện đến nội dung truyện. Và bằng những câu chuyện mang sắc màu kì ảo ấy, tác giả hướng người đọc vào những vấn đề luôn day dứt, ám ảnh con người từ bao đời.

Sói trả thù là câu chuyện về một gia đình tưởng đã có thể bước qua được lời nguyền của những người đi rừng thế nhưng cuối cùng đứa con trai duy nhất của gia đình nổi tiếng về săn bắt thú rừng ấy lại chết đau đớn dưới họng con sói dữ. Những người đi rừng đã từng khuyên người cha “hãy biết sợ rừng”, nhưng người cha ấy chỉ “cười khẩy” và cho con mình vào rừng săn thú từ lúc mới năm tuổi thay vì mười ba tuổi như tục lệ. Một lần, hai cho con vào rừng săn sói, giết được sói đầu đàn và bắt những con sói con mang về. Đúng ngày người cha cúng ma cho con để bước qua lời nguyền, đứa bé sảy chân té, máu trào ra từ miệng đứa bé đã thức tỉnh tiềm thức mơ hồ của con sói con ngày xưa bị mất mẹ, nó chồm lên táp vào cổ đứa bé. Cái chết của đứa bé thật khủng khiếp. Trong nỗi đau mất con, người cha cầm rìu tiến về phía con sói, tưởng rằng ông sẽ bổ xuống đầu nó những đòn trí mạng, nhưng không, ông chặt đứt dây xích cho nó chạy vào rừng. Câu chuyện khiến người đọc bị ám ảnh, không phải chỉ vì cái chết của thằng bé San mà còn vì những điều kì bí không thể giải thích hết được trong cuộc đời. Sói trả thù cũng là lời nhắc nhở con người phải biết sống hài hòa với tự nhiên, tự nhiên cũng cần được tôn trọng, được sống bình đẳng như con người. Nàng Sinh là một câu chuyện đầy dư vị sâu xa, ngắn nhưng chất chứa tính nhân văn thông qua chi tiết hư cấu kì ảo ở cuối truyện. Hòn đá thiêng tích tụ bao nhiêu nỗi đau khổ và những lời cầu xin của người trong bản Hua Tát. Hòn đá

ấy, tuy nhỏ, nhưng không ai nhấc lên nổi. Thế mà, nàng Sinh, người con gái thân phận con hươn, sống thui thủi như con chim cút, bị dân làng lãng quên lại nhấc lên thật dễ dàng. Trên tay nàng Sinh, hòn đá ấy bỗng tan thành nước, những giọt nước trong như nước mắt, chảy qua kẽ tay nàng, đôi bàn tay chai sạn, ngón không ra ngón. Phải chăng Nguyễn Huy Thiệp muốn nói với chúng ta: chỉ những con người thật sự chịu đựng những đau khổ đắng cay trong sự cô đơn, ghẻ lạnh mà không oán thán, những con người có tâm hồn hoàn troàn thánh thiện mới có khả năng hóa giải những khổ đau? Chiếc tù và bị bỏ quên cũng là một lời nhắc nhở con người đừng quên đi nguồn cội, tổ tiên. Sự lãng quên những giá trị thiêng liêng từ quá khứ chính là mối nguy cho cuộc sống hiện tại chứ không phải là loại sâu mọt; hay nói cách khác, sâu mọt, hiểu theo hàm nghĩa, chính là sự lãng quên truyền thống, tổ tiên, quá khứ của con người. Yếu tố kì ảo ở phần cuối truyện Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ như nhấn mạnh sự bất lực của người mẹ nhìn con mình đang bước vào địa ngục mà tưởng là đang ở thiên đường. Yếu tố kì ảo ấy còn là một sự thức tỉnh đối với người đọc: đừng để sự quan tâm của mình dành cho những người thân yêu trở thành quá muộn. Câu chuyện, dù mang sắc màu kì ảo ở cuối truyện, lại đề cập đến những vấn đề của hiện thực nóng hổi: những gia đình không trọn vẹn, con cái sẽ thế nào, ở tuổi mười sáu, tuổi mới lớn, người con gái cần gì ở người mẹ, và những sai lầm thế hệ trước đã trải qua, liện thế hệ sau có tránh được, nhất là khi giữa họ là khoảng cách về tình cảm; thiếu sự thấu hiểu, quan tâm?... Dây neo trần gian của Võ Thị Hảo lại mượn yếu tố kì ảo để khẳng định một chân lí: tình yêu thương chân thành có sức mạnh kì diệu. Cái đã “neo” được người đàn ông trong truyện phải đâu là 999 bím tóc quấn quanh tấm ảnh mà chính là khát khao mãnh liệt của nhân vật “tôi” trong truyện, khát khao người yêu mình sống lạc quan, vượt qua bệnh tật và khát khao gieo vào lòng anh niềm tin đó.

Điểm qua một vài truyện có yếu tố kì ảo trong văn học hiện đại sau 1975, có thể thấy những yếu tố kì ảo được vận dụng để chuyển tải nhiều nội dung phong phú chứ không chỉ đơn thuần phản ánh hiện thực và thể hiện quan niệm đạo đức như trong truyền kì trung đại. Một số tác phẩm tự sự còn khai thác yếu tố kì ảo để đề cập đến

những vấn đề được cho là “nhạy cảm”, là khó nói như mặt trái của chiến tranh, chuyện tính dục…như các tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma… Thế giới nhân vật trong truyện hiện đại mang dấu vết của truyền kì cũng đa dạng phong phú như thế giới nhân vật trong truyện truyền kì trung đại. Ở những tác phẩm tự sự hiện đại có yếu tố kì ảo ngoài nhân vật là những con người bình thường trong trần thế, còn có nhân vật là thần (Gióng,Sự tích những ngày đẹp trời), là ma (Bướm trắng, Gió lẻ), là con người lạ thường với diện mạo kì quái (Trương Chi), lại có cả nhân vật có thể biến hình như người họa sĩ trong Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt biến thành cánh hạc khi biết người con gái mình hẹn không còn nữa… Nếu truyện truyền kì trung đại mượn chuyện ma quỷ, thần linh để nói chuyện người, chuyện đời trong xã hội phong kiến thì ở các truyện mang âm vang truyền kì cũng mượn các nhân vật kì ảo ấy để phản ánh hiện thực, nhưng mặt khác, những nhân vật này còn thể hiện nhu cầu nhận thức mới, một quan niệm nghệ thuật mới về con người trong xã hội đương đại, hướng con người đến với cái đẹp nhân bản. Nếu phần nhiều các truyện kì ảo trung đại có kết thúc có hậu, kết cấu chặt chẽ và khá nhất quán thì các truyện mang yếu tố kì ảo của văn học hiện đại sau 1975 lại thường có kết cấu mở. Kiểu kết cấu này tạo ra tính đa nghĩa, để lại nhiều suy tư cho người đọc, trao cho người đọc quyền khám phá, quyết định. Nếu truyện truyền kì trung đại chịu ảnh hưởng của văn học cổ Trung Quốc, truyện phỏng truyền kì giai đoạn 1930 – 1945 chịu ảnh hưởng của truyện kinh dị phương Tây thì các truyện có yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam sau 1975 lại tiếp nhận ảnh hưởng của loại truyện kì ảo phương Tây thế kỉ XX.

Sự hồi sinh của những yếu tố hoang đường, kì ảo trong các truyện hiện đại sau 1975 cũng như trong các truyện phỏng truyền kì giai đoạn 1930 – 1945 đã cho thấy dư ba của thể loại truyền kì trung đại lên văn học hiện đại Việt Nam. Điều này cũng chứng tỏ, dù thể loại truyền kì của loại hình tự sự trung đại không còn nữa trong văn học hiện đại, nhưng sức sống của thể loại này là rất lớn, sức ảnh hưởng và cuốn hút cũng không hề nhỏ, dẫu thời gian có qua đi. Qua đó, phần nào ta thấy được vị trí quan trọng của thể loại truyền kì trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của văn học

Việt Nam. Theo ý kiến của người viết, dù đã có một số bài viết và công trình nghiên cứu về yếu tố kì ảo trong văn học hiện đại Việt Nam nhưng xem xét sự ảnh hưởng của thể loại truyền kì lên văn học hiện đại cũng vẫn là một vấn đề đáng quan tâm và còn có thể khai thác thêm nhiều phương diện.

KẾT LUẬN

Truyền kì là một thể loại quan trọng của văn học trung đại, có sự đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển của văn học trung đại Việt Nam cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Thể loại này một mặt tiếp nối những truyền thống văn học dân gian, đóng vai trò là cầu nối giữa văn học dân gian và văn học viết, một mặt đánh dấu sự phát triển của văn xuôi tự sự trung đại, đưa văn học viết từ chỗ đơn thuần ghi chép sự việc hay sưu tầm tác phẩm dân gian đến chỗ sáng tác nghệ thuật thật sự. Mặt khác, thể loại này cũng ảnh hưởng lâu dài đến cả văn học hiện đại trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc.

Với vai trò là cầu nối giữa văn học dân gian và văn học viết, truyền kì khai thác đề tài từ các truyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn của dân gian, đồng thời chịu ảnh hưởng của truyện dân gian trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, kết cấu, nghệ thuật khắc họa nhân vật, bên cạnh đó truyền kì cũng sử dụng nhiều môtip quen thuộc của truyện dân gian.

- Những tác phẩm truyền kì, đặc biệt là những tác phẩm thuộc giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của thể loại này (thế kỉ XV, XVI) thật sự là những sáng tác nghệ thuật độc đáo với rất nhiều sự dụng công của các tác giả, thể hiện được cá tính của người viết. Các truyện truyền kì phản ánh chân thực đời sống xã hội phong kiến với những nỗi thống khổ của nhân dân, khẳng định những tình cảm, tính cách đáng quý của con người, thể hiện sự đồng cảm của các tác giả với số phận và khao khát chính đáng của những con người bất hạnh trong một xã hội bất công. Truyền kì vì vậy vừa có giá trị hiện thực, giá trị yêu nước lại giàu giá trị nhân văn, nhân bản. Nghệ thuật tự sự của truyền kì đánh dấu một bước tiến mới so với những tác phẩm tự sự trước khi thể loại này ra đời thể hiện ở các mặt xây dựng kết cấu, khắc họa nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện…

- Những yếu tố hoang đường, kì ảo – điểm nổi bật của truyện truyền kì trung đại vẫn được tìm thấy trong những sáng tác của văn học hiện đại. Tuy nhiên, các tác giả hiện đại sử dụng các yếu tố kì ảo trong những tác phẩm của mình với những

mục đích, chức năng phong phú hơn là phản ánh hiện thực cuộc sống và chuyển tải đạo lí như truyền kì trong trung đại. Bên cạnh đó, dù mang trong mình nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo nhưng các sáng tác hiện đại vẫn mang nhiều điểm khác biệt về nội dung chủ đề, nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống, con người so với truyền kì trung đại.

Nghiên cứu vị trí thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam là một cách khẳng định giá trị của thể loại, thể hiện cái nhìn khách quan, công bằng hơn đối với đóng góp của thể loại này trong lịch sử văn học. Luận văn Vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hi vọng có thể thực hiện được phần nào yêu cầu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân, Từ điển Văn học Việt Nam, từ nguồn gốc đến hết thế kỉ XIX,

Một phần của tài liệu vị trí của thể loại truyền kì trong tiến trình phát triển của văn học việt nam (Trang 139 - 150)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)