Tẩy trắng nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết những đứa trẻ chết già của nguyễn bình phương (Trang 58 - 60)

7. Cấu trúc của khoá luận

3.2.2.Tẩy trắng nhân vật

Tẩy trắng nhân vật trước tiên là việc tác giả không tập trung mô tả và tường thuật lại đời sống xã hội của một con người. Nghĩa là tác giả không quan tâm nhiều đến việc nhân vật tồn tại trong xã hội, quan hệ xã hội với những nhân vật khác, xung đột và giải quyết xung đột như thế nào? Cái mà tác giả lưu tâm và phản ánh trong tiểu thuyết của mình chính là thế giới tâm lý - tâm linh của nhân vật.

Tẩy trắng nhân vật là bỏ lưng cốt truyện không cho nó đi tới cùng cuộc đời nhân vật, khiến nhân vật không thể đi trọn một hành trình. Trong tiểu thuyết

Những đứa trẻ chết già số lượng nhân vật nhiều song Nguyễn Bình Phương luôn dành cho nhân vật một đặc điểm rất riêng, một câu chuyện riêng.

53

Tẩy trắng nhân vật còn ở dạng thức xây dựng nhân vật “phản nhân vật”, nhân vật mang tính ký hiệu, biểu tượng. Trên thế giới Kafka đã làm điều này từ đầu thế kỷ XX và nó đã có ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Kiểu nhân vật này xuất hiện rải rác trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và được thể hiện đậm nét trong Những đứa trẻ chết già qua bốn nhân vật trên chuyến xe trâu trở về làng. Bốn người đàn ông trên chiếc xe trâu là hình ảnh của nhân vật ông, hai thanh niên, người đánh xe trong chuyến đi trở về làng. Các nhân vật này xuất hiện trong phần Vô thanh của tác phẩm là một mạch truyện chạy song song với phần chương. Giữa họ ít hành động chủ yếu là những đối thoại rời rạc, tưởng chừng như thứ duy nhất gắn kết họ là cùng ngồi trên một chuyến xe ngoài ra họ không còn gì liên quan tới nhau nữa. Mỗi người đuổi theo những suy nghĩ riêng của mình, trong đó ông là nhân vật chính trong chuyến xe đó. Câu chuyện của ông cũng chỉ là những mạch chảy của hồi ức, của quá vãng… Họ và chuyến xe trâu chính là một phần của cuộc sống. Đó là phần chiêm nghiệm là những suy nghĩ ẩn sâu bên trong con người. Đặt trong tương quan với phần chương là phần mà các nhân vật đang ồn ào hành động tranh nhau cái kho báu với bao sự kiện, bao oán thù, bao mối quan hệ chồng chéo thì Vô thanh là phần đối cực.

Tiếp đến là nhân vật những hồn ma. Những hồn ma, những sự vật được nhắc tới trong tác phẩm này có thể xuất hiện thông qua ký ức của nhân vật chính cũng có thể tự kể chuyện trên trang sách bằng hình thức bề mặt là những phần in nghiêng. Đó đều là những nhân vật rất bí ẩn chứa đựng những điều kỳ lạ trong số phận mà những nhân vật chính cũng như người đọc không hiểu hết. Trong tác phẩm, những bóng ma hiện về làm người ta ghê sợ. Ở đám cỏ bãi tha ma vào ban đêm có bóng một người con gái chập chờn, khi thoát xác thành ma rắn: “cô gái này trắng mơ như sương khói, chẳng nhìn rõ mặt mũi gì cả” [13; 156]. Rồi có những cái chết từ bao nhiêu năm tự nhiên trôi về. Sau khi cái xác của ông Trạch – một người làng chết mất xác ở chiến trường bao nhiêu năm nay tự dưng xuất

54

hiện dưới gốc si thì có hàng loạt những cái xác của dân làng chết nơi đất khách quê người cũng tự tìm về: “Rồi mọi thứ cũng trở nên thường tình đến mức thành lệ. Hễ gia đình nhà ai có người chết ở nơi xa, cứ ra chỗ gốc si thế nào cũng thấy xác” [13; 186]. Những hồn ma, xác chết hiện hình trở về khiến cuộc sống làng Phan trở nên u ám, hoang lạnh như cõi âm. Những hồn ma này biểu tượng cho một thế giới khác – thế giới tâm linh, cho những khoảng không thể lý giải và nhận thức trong cuộc sống của con người nhưng con người luôn phải chấp nhận sống cùng, tồn tại cùng chúng.

Thực chất các nhân vật này đều không có tính cách, không có diện mạo. Nhưng nó lại là phần không thể thiếu đối với toàn bộ tác phẩm. Nó cũng là phần hấp dẫn bạn đọc tìm tòi giải đáp. Và một lần nữa nó yêu cầu đòi hỏi cách đọc nghiêm túc, đồng sáng tạo trong quá trình khám phá tác phẩm. Khi đã xoá mờ những đường viền lịch sử, tẩy trắng nhân vật nhà văn đã làm nhân vật của mình trở nên trừu tượng chỉ còn lại những vấn đề mà nhân vật mang tải, hiện hình chứ không phải là một chân dung, một tính cách với các chi tiết dày dặn, dễ dàng nắm bắt.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết những đứa trẻ chết già của nguyễn bình phương (Trang 58 - 60)