Nhân vật đám đông

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết những đứa trẻ chết già của nguyễn bình phương (Trang 47 - 49)

7. Cấu trúc của khoá luận

2.3.4.Nhân vật đám đông

Đám đông là hình ảnh của một tập thể trong đó tác giả không nhấn mạnh đến một con người cá thể đơn lẻ nào mà muốn hướng tới tính chất chung của cả đám đông đó. Ngoài việc miêu tả rất thành công các nhân vật trung tâm với những tính cách phức tạp thì trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già của mình, Nguyễn Bình Phương cũng khá dụng công tạo ra môt phông nền phù hợp đó chính là đám đông trong cộng đồng của nhân vật trung tâm.

Đám đông gắn liền với không gian làng là những người dân với những cái tên quen thuộc như Bình Mịch, Bồi què, Sinh lùn, mụ Quản,… Đám đông này với đầy đủ các tính chất của người dân nơi làng quê. Họ thích bàn tán, buôn chuyện, quan tâm thái quá tới đời sống của người khác, lạc hậu, nghèo đói, ít học. Trong Những đứa trẻ chết già, ngay từ mở truyện, đã thấy hiện lên dằng dặc những lời đồn đại từ những kẻ ưa ngồi lê đôi mách về cái sự xuất hiện, tồn tại

42

của vợ chồng nhà Trường hấp: “Dân làng Phan xì xào bàn tán về lai lịch người vợ của Trường hấp. Họ đoán non đoán già đủ mọi thứ. Có người bảo thị là người dân tộc, kẻ khác khẳng định thị vốn có dòng dõi quý tộc từng nổi lên làm giặc, sau bị thất tán” [13; 5]. Họ tồn tại trong những lời đồn kiểu: “không ai dám chắc”, “xì xào bàn tán”, “có người bảo”. Họ không tiếp xúc trực tiếp với người đọc qua sự dẫn dắt của nhà văn, mà chỉ hiện lên theo lời kể của kẻ đứng ngoài ưa nhòm ngó xét nét người khác.

Đám đông trong làng thường đủ cả các thành phần vừa có những người hiền lành như bà giáo, vừa có những người hay đưa chuyện như mụ Sinh lùn,… Điều đặc biệt là họ thường ít ra khỏi môi trường quen thuộc là ngôi làng nhỏ bé của mình. Họ như một đám người trong một ốc đảo cứ sống thầm lặng, nhẫn nại trong cái ốc đảo đó, cắn xé nhau vì những cái nhỏ mọn hàng ngày, tranh giành đưa chuyện song lại có một sợi dây giằng buộc sâu nặng để trở thành một khối. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, chúng ta nhận thấy không phải ngẫu nhiên nhà văn để tên các nhân vật trùng lặp như Bồi què, mẹ con Bình Mịch… Có lẽ họ không còn là những con người cụ thể ở một làng, một xóm nào. Họ là hình ảnh chung của người dân nơi những làng quê nghèo, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần dẫn đến sự tha hoá trong nhân cách con người.

Đám đông không có nghĩa là từng gương mặt nhoè nhoẹt, tuy không dừng lại đi sâu vào hình ảnh cụ thể của từng người nhưng Nguyễn Bình Phương có cách miêu tả ngoại hình và ngôn ngữ khá tinh tế, chính điều đó đã mang đến cho những nhân vật phông nền này có những sắc diện rất riêng. Trong tiểu thuyết

Những đứa trẻ chết già, đám đông cùng là dân làng thì sẽ luôn tồn tại một nhân vật có khả năng rất đặc biệt như Bào mù có thể nghe thấy tiếng xe trâu đang di chuyển về làng, Quản hấp có thể biết được bí mật của ông Trình, bí mật của kho báu và bí mật về con thú lạ… Trong một đám đông nhà văn vẫn tạo dựng được những chân dung khác thường gây ấn tượng với độc giả (bản thân mỗi nhân vật này đều mang một câu chuyện riêng). Mặt khác đám đông này đều mang một

43

đặc điểm chung đó là sự lạc hậu, thiếu học, là trạng thái hỗn độn và kỳ ảo. Họ như một góc khác của nhân vât trung tâm, phản ánh đậm đặc hơn các đặc tính của không gian quanh nhân vât chính. Họ là những người nông dân ít hiểu biết, họ đều được tác giả gắn trên cơ thể một khiếm khuyết nào đó, là Quý cụt ra tù vào tội, nửa cuối cuộc đời chỉ tìm cách trả thù Hải; Tiến quắt, Bằng đen, Trung vẩu lần lượt thay nhau làm người tình của Loan; là Bào mù, Quản hấp có những khả năng siêu nhiên và linh cảm nhạy bén… Mặc dù chỉ là những nhân vật phụ nhưng những con người đám đông lại là một phần cấu thành nên tác phẩm, giúp cho mạch truyện tiếp nối và tiến triển, diễn tả cuộc sống u tối, mộng mị của một bộ phận người dân nông thôn.

Qua nhân vật đám đông, Nguyễn Bình Phương đã diễn tả cảm thức của con người trước một xã hội đổ vỡ các chân lí và giá trị. Con người trở nên hoang mang bé nhỏ, là con rối bị cuốn vào guồng quay không cưỡng lại được của lịch sử. Cũng qua hệ thống nhân vật đám đông trong tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương ngầm ẩn chứa sự đồng cảm với những con người nhỏ bé trong xã hội, họ ồn ào, cay nghiệt với nhau nhưng chung quy lại đều là sản phẩm của xã hội đang bị chi phối mạnh mẽ bởi quyền lực của đồng tiền, vì thế mà họ đáng thương hơn là đáng giận.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết những đứa trẻ chết già của nguyễn bình phương (Trang 47 - 49)