7. Cấu trúc của khoá luận
2.3.2. Nhân vật ma quái
29
ma, oan hồn (trong Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái…). Đến văn học đương đại, nhân vật kỳ ảo xuất hiện dưới các dạng tồn tại mới như Bào thai trong Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Quang lùn, bé Hon trong Thiên sứ
của Phạm Thị Hoài, Mai Trừng trong Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Từ Lộ, Dã Nhân, Cá Bơn trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo…So với các cây bút văn xuôi hiện nay, Nguyễn Bình Phương dường như có thiên hướng này rõ hơn. Nhà văn tỏ ra có một cảm quan nghệ thuật thường trực và đầy ý thức trong việc tạo ra những nhân vật ma quái, dị biệt, biến hình, kì ảo. Chúng khá đông đảo về số lượng và cũng rất phong phú các dạng thức biểu hiện.
Ma là bóng người chết hiện về. Con người ta tin rằng sau khi chết đi, linh hồn con người vẫn tồn tại ở một cõi nào đó mà có thể hiện về ám ảnh những người đang sống, người ta gọi những linh hồn ấy là ma. Có ma hay không, hay ma chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng? Nhưng có lẽ ma vẫn nằm trong tâm thức nhiều người. Dân gian và nhiều tôn giáo cho rằng có một cõi âm tồn tại song song với cõi dương. Cõi âm là thế giới của những bóng ma, hồn ma, còn cõi dương là thế giới của người trần đang sống. Có quan niệm dân gian thì có văn học phản ánh quan niệm đó.
Trong văn học, những câu chuyện về hồn ma, bóng qủi đã tồn tại từ xưa. Truyện “ma” vẫn càng nhiều lên, mỗi thời truyện ma lại có những cách thể hiện khác nhau. Trong Truyền kỳ mạn lục, ma thường hiện về vào những khoảng thời gian nhất định để thực hiện những ước muốn còn dang dở khi đang sống, ma hoá thân thành những cô gái xinh đẹp về dương gian để tận hưởng tình yêu, để báo ân, báo oán… Sau khi hoàn thành mục đích của mình, ma lại tự biến mất.
Tiếp nối các nhà văn lớp trước, Nguyễn Bình Phương viết nhiều về ma trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già. Nhà văn đã mở rộng đến tận độ trí tưởng tượng và sử dụng bút pháp kỳ ảo để sáng tạo nên một thế giới nhân vật ma đầy ám ảnh. Trong tác phẩm, những bóng ma hiện về làm người ta ghê sợ. Ở đám cỏ bãi tha ma vào ban đêm có bóng một người con gái chập chờn, khi thoát
30
xác thành ma rắn: “cô gái này trắng mơ như sương khói, chẳng nhìn rõ mặt mũi gì cả” [13; 156]. Hằng đêm, cô gái ấy đã làm tình với Quang. Kiền nhiều lần theo dõi Quang và phát hiện ra sự kỳ lạ này. Cho đến một đêm khi Kiền ra bãi tha ma, anh cũng bắt gặp cô gái ấy và muốn làm tình với cô, nhưng sau đó anh đã kêu lên hoảng hốt bởi dưới thân anh ta không còn là hình ảnh một cô gái xinh đẹp nữa mà là một con rắn vừa lột da mềm nhũn. Sau đó, đám cỏ ấy cứ úa vàng và run rẩy cất lên những tiếng yếu ớt. Bóng ma này khiến ta liên tưởng đến nàng Nhị Khanh trong truyện Cây gạo của Nguyễn Dữ. Họ đều là những bóng ma nữ hiện lên dụ dỗ, quyến rũ các chàng trai, hút hết sinh khí của họ cho đến chết, để lại nỗi ám ảnh, sợ hãi cho dân làng.
Có nhiều khi, ma được miêu tả thành một nhóm, lúc là cả gia đình quá cố nhà cụ Trường, là những bóng người dị dạng chuyển động chậm chạp: “khi thì là một đoàn người cụt đầu, cụt tay đi lén lút khắp các nhà. Những người đó mặc quần áo trắng toát, kẻ nào có đầu thì mắt xanh lè, kẻ còn tay thì tay dài thõng thượt” [13; 193]. Hầu hết các nhân vật ở đây đều đã “thấy ma”, từ cụ Trường, lão Biền, “Ông”, ông Trình, Loan… “Chính lão Voòng đã phải kêu ầm lên vì khi đang đái bị một bàn tay nhớt nhát xua khắp mặt. Còn mụ Quản khẳng định là đêm xuống lại thấy hai con ma một đực một cái ôm nhau khóc ri rỉ bên chái nhà mụ. Những chuyện đại loại như vậy nhiều vô kể” [13; 193]. Nơi ma hiện về trước đây chính là bãi chiến địa nên đêm đêm các oan hồn biến thành ma kêu oan, đòi trả lại đầu. Ngoài ra trong tác phẩm còn nhiều dạng ma khác, ma trở về quẩn quanh bên con người trong giấc ngủ, ma dạo chơi, ma bày tỏ tâm sự về nỗi đau ai oán…
Rồi có khi giữa ban ngày, một con ma hiện hình trong bóng một đứa trẻ trắng toát ngồi ở ghềnh đá: “Không có mặt. Cái bóng thằng bé không có mặt. Ở đó chỉ là một cái hốc tối được viền bằng mớ tóc bám đầy rong rêu” [13; 225]. Ông Trình rùng mình khi gặp ma: “Vòm lá phát ra chuỗi cười lanh lảnh, một bóng trắng toát là là đậu xuống trước mặt ông. Chưa kịp định thần, ông Trình đã chẳng thấy bóng trắng đó đâu nữa. Chợt ông rú lên quay phắt lại. Có hai bàn tay
31
trắng gầy, ngón quặp xuống đang vươn về phía ông. Lùi mãi nhưng lùi đến đâu ông vẫn bị hai bàn tay đó vươn đến. Ông nhìn rõ những ngón tay trắng run rẩy run rẩy và một chuỗi cười điên dại của đàn bà. Ma!” [13; 253]. Sau đó ông còn nhìn thấy một túm người ở bãi tha ma đang rì rầm nói chuyện và có con ma là một đứa bé râu dài chấm ngực cầm điếu cày chạy qua. Trong cuốn tiểu thuyết này, ma có khi chỉ là những chấm, những ký hiệu hình hài mờ nhạt cũng có khi lại rõ dáng hình cụ thể. Ma đi về cả hai nơi âm giới và dương gian. Số lượng ma cũng hết sức đông đảo, không chỉ là một bóng ma mà còn là một túm, một đàn, một đoàn người; rất nhiều lần ma xuất hiện trong đám đông. Ma là đàn bà, là đàn ông, là cặp vợ chồng, là những người dân bị chết oan… Một thế giới ma đầy đủ như thế giới người nơi dương giới.
Hình ảnh của những bóng ma chập chờn ở cõi âm có khi ám ảnh cõi trần bởi những tiếng vọng âm u từ dưới lòng đất. Nơi gốc si vào những đêm trăng “vợ ông Bồi què đi ăn giỗ ở nhà họ hàng làng bên cạnh về, qua chỗ cây si bà ta nghe thấy tiếng người, chính xác hơn là tiếng đàn ông kêu thầm thì ở đó” [13; 184]. Rồi những âm thanh đó lại tự nhiên biến đi “Ngọn Rùng đen thẫm in trên nền trời. Khói hương bốc ngùn ngụt. Ngay cả tiếng thầm thào ở gốc si cũng biến mất như kẻ tuân theo một mệnh lệnh nghiêm khắc” [13; 52]. Có khi kỳ lạ hơn là những cái chết từ bao nhiêu năm tự nhiên trôi về. Sau khi cái xác của ông Trạch – một người làng chết mất xác ở chiến trường bao nhiêu năm nay tự dưng xuất hiện dưới gốc si thì có hàng loạt những cái xác của dân làng chết nơi đất khách quê người cũng tự tìm về: “Rồi mọi thứ cũng trở nên thường tình đến mức thành lệ. Hễ gia đình nhà ai có người chết ở nơi xa, cứ ra chỗ gốc si thế nào cũng thấy xác” [13; 186]. Những hồn ma, xác chết hiện hình trở về khiến cuộc sống làng Phan trở nên u ám, hoang lạnh như cõi âm.
Ma không chỉ hiện hình về dưới lốt vỏ con người mà còn tồn tại dưới nhiều dạng khác. Ma len lỏi, đan xen vào cuộc đời thường nhật của các nhân vật gây cho họ cảm giác run sợ. Ma trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già của
32
Nguyễn Bình Phương có tâm tư, tình cảm, ước vọng. Ma cũng thể hiện số phận con người khi sống. Ma không chỉ xuất hiện một chốc, một lát, một khoảng thời gian nhất định mà nó hiện hình ở mọi nơi, mọi chỗ, ở đâu có con người là ở đó có ma. Nhà văn viết về ma với một thái độ trung hoà, không xen bình luận cảm thán, tạo “khoảng trống” rộng rãi cho sự giải mã và tiếp nhận của độc giả.
Sự đậm đặc các “nhân vật ma” thể hiện một kiểu tư duy nghệ thuật riêng của Nguyễn Bình Phương. Nhân vật ma, tuy rất nhiều hình hài và xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau luôn trở thành một bí ẩn đầy nghi hoặc về một kiếp người đã qua cõi đời. Nó liên quan và tương tác với các nhân vật đang sống như một khơi gợi, một đe doạ ghê rợn của một cõi khác. Ma là “những linh hồn thức” dưới ngòi bút của Nguyễn Bình Phương. Những kiểu nhân vật ma trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương góp phần hoàn thiện bức chân dung tinh thần của nhân vật, giúp nhà văn thể hiện sự quan tâm đến số phận con người, bởi “ma” cũng chính là sự tiếp nối của nhân vật ở một cõi khác.
Bên cạnh những bóng ma, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương còn có nhiều hiện tượng kỳ lạ. Những vật vô tri dường như cũng có hồn, cũng trở thành một loại hình “nhân vật”.
Hai cây xà trong Những đứa trẻ chết già cũng biến đổi lạ kỳ sau cái chết bí hiểm của lão Hạng: “Thốt nhiên ông hoa mắt khi nhìn thấy cây xà cừ. Cái cây rung rung và đỏ hồng lên như một cơ thể sống”. Viết về những hiện tượng, đồ vật kỳ ảo trong tưởng tượng của mình, Nguyễn Bình Phương muốn mở rộng khả năng cảm nhận và miêu tả hiện thực trong văn học. Hiện thực cuộc sống không phải bao giờ cũng chứa những sự kiện, hiện tượng mà mắt thường nhìn thấy và lý giải được mà ẩn chứa rất nhiều sự kỳ ảo, chúng ta chỉ có thể cảm nhận bằng linh cảm. Đây là cách chiếm lĩnh hiện thực bằng phương thức mới, đầy “mạo hiểm” trên hành trình sáng tạo đầy gian khó của nhà văn.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Thể thao, Nguyễn Bình Phương đã nói: hành trình sống của mỗi con người là một cuộc trôi dạt, với tư cách công
33
dân, tôi trôi dạt trong các sự kiện xã hội; với tư cách nghệ sĩ, tôi trôi dạt trong các nhân vật. Nhà văn đã trôi dạt cả vào những vùng địa hạt “cấm” trong cảm nhận trực giác là cõi âm, cõi tâm linh, vô thức ngàn đời bí hiểm. Đẩy ngòi bút tiểu thuyết của mình “trôi dạt” trong cõi âm ti, địa phủ đó, Nguyễn Bình Phương đã mở rộng giới hạn phản ánh hiện thực của tiểu thuyết theo quan niệm của mình.
Quả thực, ma trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là “những linh hồn thức”. Một thế giới sống động, đa sắc màu. Nơi ấy cũng có vui có buồn, có hỷ nộ ái ố, có oán hận và yêu thương. Viết về ma sống động như con người thực chứng tỏ ở nhà văn một trí tưởng tượng phong phú cũng như suy nghĩ thực sự nghiêm túc về vấn đề này và cảm thông với những kiếp người, những hoàn cảnh khốn cùng ngay cả khi họ chỉ là những hồn ma.