Khái quát về tổ chức Bảo hiểm tiền gửi:

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Tăng cường kiểm tra trực tiếp đối với các Quỹ tín dụng nhân dân tại Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khu vực Đông bắc bộ (Trang 38 - 43)

1.2.1.1. Khái niệm

Bảo hiểm tiền gửi: Bảo hiểm tiền gửi là cam kết công khai của tổ chức BHTG đối với TCTG BHTG về việc tổ chức BHTG sẽ trả tiền gửi bao gồm phần gốc và lãi cho người gửi tiền khi TCTG BHTG bị chấm dứt hoạt động và không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Cam kết công khai hình thành hợp đồng bảo hiểm giữa ba đối tác, tổ chức BHTG, tổ chức huy động tiền gửi (còn gọi là tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi) và người gửi tiền.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi : Tổ chức BHTG là đối tác nhận đóng góp tài chính từ TCTG BHTG và có trách nhiệm thực hiện chi trả tiền bảo hiểm tới người có tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm tại TCTG BHTG khi tổ chức đó chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán.

Tổ chức tham gia BHTG: TCTG BHTG là các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng có hoạt động huy động tiền gửi. Các tổ chức này khi được tham gia BHTG có trách nhiệm đóng góp tài chính cho tổ chức BHTG và được quyền yêu cầu tổ chức BHTG chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức đó trong trường hợp tổ chức này mất khả năng thanh toán và bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt hoạt động.

Người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm: Người gửi tiền thuộc đối tượng được BHTG là khách hàng có tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm tại TCTG BHTG. Những người gửi tiền này không phải đóng góp tài chính cho tổ chức BHTG nhưng có quyền yêu cầu tổ chức BHTG thanh toán tiền gửi cả gốc và lãi tích lũy trong hạn mức chi trả tiền BHTG.

1.2.1.2. Lịch sử hình thành, phát triển:

Khi khủng hoảng tài chính xảy ra, các quốc gia thường quan tâm và đưa ra các chính sách liên quan tới việc bảo hiểm hoặc bảo lãnh các nghĩa vụ chi trả hoặc quyền lợi của bên liên quan nhằm trấn an công chúng và thị trường. Bảo hiểm tiền gửi là một trong các chính sách đó. Sự ra đời và phát triển của Bảo hiểm tiền gửi có quan hệ với các cuộc khủng hoảng tài chính.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1930 - 1933, số lượng các vụ vỡ nợ tính trung bình khoảng 600 vụ/năm. Tuy nhiên, từ năm 1934 đến 1981, trung bình số vụ vỡ nợ/năm giảm xuống chỉ còn 10. Theo tác giả Frederic Mishkin: “Lý do chính làm cho số vụ vỡ nợ ngân hàng giảm mạnh là việc thành lập FDIC” Bảo hiểm tiền gửi của Mỹ (FDIC) là tổ chức bảo hiểm tiền gửi đầu tiên trên thế giới được thành lập.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, các nước: Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Cuộc khủng hoảng tài chính lần này cho thấy cần có một mạng an toàn tài chính phù hợp để giảm thiểu rủi ro của những cuộc khủng hoảng lớn. Mỗi một quốc gia, tất cả các khâu hay yếu tố trong mạng an toàn tài chính cần được thiết kế tốt. Nếu một quốc gia chỉ có một cơ chế tốt ở một hoặc vài khâu trong mạng an toàn tài chính thì quốc gia đó vẫn có khả năng gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa và giải quyết những vấn đề trong hệ thống ngân hàng. Theo nhiều nhà quan sát, hiện tượng ngân hàng North – earn Rock

ở Anh là một minh chứng cho kết luận trên. Cơ chế bảo hiểm tiền gửi hóa ra lại là khâu yếu nhất trong mạng an toàn tài chính của quốc gia này. Chính vì không có hệ thống bảo hiểm tiền gửi một cách đầy đủ, độc lập, kịp thời chi trả và hạn mức bảo hiểm không đủ cao mà thực trạng của ngân hàng Northern Rock đã tạo nên làn song lo sợ lan truyền trong toàn hệ thống.

Thành công trong quá trình hoạt động của tổ chức Bảo hiểm tiền gửi của một số nước, nhất là FDIC của Mỹ là động lực cho các quốc gia khác xây dựng tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Số quốc gia có hệ thống bảo hiểm tiền gửi công khai đã tăng từ 12 nước năm 1974 lên 87 nước năm 2005 và hiện nay đã có mặt trên hàng trăm quốc gia trên khắp thế giới.

1.2.1.3. Sự cần thiết của Bảo hiểm tiền gửi đối với Tổ chức tín dụng hợp tác

Bảo hiểm tiền gửi không chỉ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền mà còn có vai trò quan trọng trong việc củng cố, xây dựng niềm tin của khách hàng vào tổ chức tín dụng vì hoạt động của tổ chức tín dụng được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi ra đời với 3 mục tiêu chính sách công là bảo vệ người gửi tiền - một tầng lớp đông đảo tham gia các giao dịch tài chính, nhưng thường thiếu thông tin và dễ bị tác động bởi đổ vỡ tài chính, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống tài chính và hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước (thuế của dân) để tài trợ cho các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém.

Trong khi đó, tổ chức tín dụng hợp tác là loại hình tổ chức tín dụng được tổ chức và hoạt động theo mô hình kinh tế hợp tác, có mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, đa số có quy mô nhỏ và địa bàn hoạt động hẹp, chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn với điều kiện và môi trường hoạt động ngân hàng có nhiều bất lợi, khó khăn. Đặc biệt, hoạt động của tổ chức tín dụng hợp tác mang tính rủi ro cao và có ảnh hưởng, tác động dây chuyền rất nhanh chóng trong cả hệ thống.

Chính vì thế, bảo hiểm tiền gửi có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của mỗi tổ chức tín dụng hợp tác nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng hợp tác nói chung.

Người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng hợp tác chủ yếu là người dân sống tại khu vực nông thôn, khả năng nắm bắt và đánh giá các thông tin và các rủi ro có thể đe dọa đến quyền lợi của mình còn nhiều hạn chế. Vì vậy, muốn huy động được vốn từ khu vực này điều đầu tiên phải tạo cho họ lòng tin đồng thời phải có một tổ chức chịu trách nhiệm bảo vệ lòng tin đó của họ. Bảo hiểm tiền gửi thực hiện trách nhiệm đó thông qua trách nhiệm vật chất nếu đã xảy ra rủi ro đồng thời qua việc ngăn chặn không để xảy ra rủi ro trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp tác.

Hoạt động BHTG giúp các TCTD thực sự yếu kém, không thể tiếp tục duy trì hoạt động có thể rút khỏi lĩnh vực kinh doanh ngân hàng một cách có trật tự, không ảnh hưởng ngân hàng khác và cả hệ thống. Thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra, BHTG thực hiện kiểm soát rủi ro đối với TCTG BHTG. Cũng qua giám sát, kiểm tra BHTG khả năng đánh giá kịp thời thực trạng của TCTG BHTG, đối với tổ chức yếu kém, không thể duy trì hoạt động hoặc có nguy cơ đổ vỡ, tổ chức BHTG có ứng xử thoả đáng: Hỗ trợ tài chính giải quyết khó khăn tạm thời về tài chính tránh nguy cơ đổ vỡ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng đến an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng và ổn định kinh tế xã hội; thực hiện mua và nhận lại nợ thay; chi trả tiền BHTG cho người gửi tiền. Những hoạt động này có tác dụng trực tiếp, mạnh mẽ, giúp tổ chức nhận tiền gửi tồn tại để vươn lên hoặc được rút khỏi hoạt động có tổ chức, có trật tự không ảnh hưởng TCTD khác và hệ thống.

Tóm lại BHTG là một công cụ nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao niềm tin trong công chúng, đảm bảo an toàn hệ thống cho hoạt động ngân hàng đặc

biệt đối với hệ thống tổ chức TDHT. Hoạt động BHTG thúc đẩy sự kết hợp hài hoà giữa nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng hướng tới thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong cộng đồng và sự cộng tác tích cực của các thành viên trong xã hội trên cơ sở các bên cùng có lợi.

Tại Việt Nam, từ năm 1986, đổi mới toàn diện mang tính chiến lược đã mở đầu thời kỳ phát triển mới của đất nước. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực hiện cải cách chuyển dần từ tập trung bao cấp sang hạch toán kinh doanh Xã hội chủ nghĩa. Số lượng các ngân hàng thương mại, các hợp tác xã tín dụng đã tăng lên mạnh mẽ nhưng cũng đã nhanh chóng đổ vỡ hàng loạt vào những năm 1989-1990, 1995-1997.

Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á đã tạo áp lực buộc hệ thống Ngân hàng việt Nam phải cải cách cơ cấu lại một cách toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng lực canh tranh và khôi phục lòng tin của công chúng.

Từ kinh nghiệm sụp đổ hệ thống hợp tác xã tín dụng và tác động khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 cho thấy, một nguyên tắc chung nhất trong hoạt động của nền kinh tế thị trường là có rủi ro thì phải có các biện pháp phòng ngừa, xử lý. Hoạt động ngân hàng càng hội nhập sâu rộng càng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro bao gồm cả những rủi ro mang tính hệ thống, nhất là trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và các ngân hàng thương mại cổ phần. Do vậy, cần thiết phải có các biện pháp phòng ngừa. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một trong số các định chế tài chính thực hiện những biện pháp phòng ngừa nhằm góp phần hạn chế tổn thất và ngăn ngừa sự đổ vỡ hàng loạt các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển ổn định, đảm bảo an toàn, góp phần vào sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia, ngày 01/9/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về Bảo

hiểm tiền gửi. Căn cứ theo Nghị định này ngày 09/11/1999 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (Deposit Insurance of Vietnam -BHTGVN).

1.2.2. Hoạt động kiểm tra trực tiếp của Tổ chức BHTG đối với TCTD hợp tác

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Tăng cường kiểm tra trực tiếp đối với các Quỹ tín dụng nhân dân tại Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khu vực Đông bắc bộ (Trang 38 - 43)