Nâng cao hiệu quả của công tác vận động quần chúng trong công tác tôn giáo

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong công cuộc đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 61 - 65)

5. Kết cấu của đề tài

2.2.3.Nâng cao hiệu quả của công tác vận động quần chúng trong công tác tôn giáo

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khoá IX khẳng định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [13, 50].

Đại đa số tín đồ các tôn giáo đều có tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Đó là cơ sở để Đảng và Nhà nước khẳng định nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, nhằm phát huy được tính tự giác của quần chúng tín đồ các tôn giáo, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về công tác tôn giáo. Hơn nữa, mục tiêu của quản lý nhà nước không dừng lại ở việc hướng dẫn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tuân thủ theo pháp luật, mà điều quan trọng hơn, có tác

dụng cơ bản và lâu dài là phát huy được những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực trong tôn giáo để lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ việc quan tâm đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân, các chính sách và việc làm cụ thể của Đảng và Nhà nước ta có tác dụng thuyết phục, lôi cuốn, tập hợp bà con có đạo tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi thái độ đối xử thô bạo, mệnh lệnh, áp đặt một chiều hoàn toàn xa lạ với công tác vận động quần chúng tôn giáo. Ngay cả trong trường hợp phải dùng đến các biện pháp pháp luật thì cũng cần phải tuyên truyền, giải thích để có được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng tín đồ.

Đánh giá tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng, Đảng ta nhấn mạnh: “Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo... Công tác quản lý nhà nước đối với các tôn giáo và đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo để chống đối chế độ chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng” [13, 51].

Để công tác vận động quần chúng tín đồ các tôn giáo đạt hiệu quả, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quần chúng tôn giáo. Các chủ trương, chính sách về tôn giáo như: Nghị quyết 25 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng về công tác tôn giáo,… đã giúp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo yên tâm sinh hoạt vừa phù hợp với giáo lý vừa đúng với qui định của pháp luật. Đặc biệt, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo đã phấn khởi, tin tưởng sâu sắc hơn vào Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Chính vì các hoạt động tôn giáo đều xuất phát từ cơ sở nên công tác tôn giáo phải luôn theo hướng gần dân, sát dân, sát với tổ chức tôn giáo ở cơ sở để kịp thời giải quyết nhu cầu chính đáng phù hợp với quy định pháp luật, đồng thời phát hiện và giải quyết

những vướng mắc, mâu thuẫn mới phát sinh ở cơ sở. Từ đó, tránh những sơ hở, thiếu sót để kẻ xấu và đối tượng xấu lợi dụng để vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo.

Công tác vận động quần chúng được chú trọng làm cho quần chúng tín đồ tôn giáo, chức sắc tôn giáo nhận thức rõ về công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là phù hợp với đạo lý của các tôn giáo, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh”, làm cho các tổ chức tôn giáo hành đạo theo đúng phương châm của mình. Chẳng hạn, Phật giáo: Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”; Công giáo: “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc”; Tin lành: “Sống Phúc âm, phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào”; Cao đài:“Nước vinh, Đạo sáng”.

Trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác vận động quần chúng, công tác tôn giáo ở nước ta bao gồm những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức công dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo.

Giáo dục truyền thống yêu nước, yêu đồng bào, tạo ra mối quan hệ tốt giữa quần chúng tín ngưỡng, tôn giáo với Đảng và chính quyền. Giúp mọi người hiểu rõ công dân phải có nghĩa vụ thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các hoạt động đoàn thể, xây dựng chính quyền. Thực hiện bình đẳng giữa các công dân, không phân biệt đối xử vì lý do theo hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo hoặc giữa tín đồ của các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Phát huy những yếu tố tích cực, đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực của tôn giáo. Thực hiện được điều đó trong công tác vận động quần chúng vừa có ý nghĩa góp phần làm lành mạnh đời sống tôn giáo vừa làm tăng thêm tinh thần đoàn kết trong quần chúng.

Thứ hai, phát huy dân chủ, nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các chức sắc, tín đồ tôn giáo.

Điều đó có vai trò quan trọng trong việc xem xét, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, pháp luật cho phù hợp nhằm giữ gìn đoàn kết ngay tại cơ sở làng, thôn, xã,... Muốn vậy, cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và ghi công những người có công với đất nước; tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào các tôn giáo. Từ đó làm tăng thêm tính đồng thuận giữa đồng bào có

tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo; giữa đồng bào của các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau về nhiệm vụ và mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước ngày càng hưng thịnh.

Thứ ba, kịp thời phát hiện, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tôn giáo, giải quyết đất đai tôn giáo đúng trình tự của pháp luật.

Đối với những hành vi tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ, tung tin sai sư thật, nhen nhóm lập ra các tổ chức núp dưới danh nghĩa tôn giáo để hoạt động chính trị chống Đảng, Nhà nước… thì phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Thứ tư, vận động đồng bào có đạo, các chức sắc tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội.

Phát huy truyền thống “là lành đùm lá rách”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, quan tâm đến người tàn tật, trẻ em, thể hiện đạo lý của dân tộc đối với những người có công với quê hương, đất nước. Tham gia tích cực việc phòng, chống các tệ nạn xã hội. Phát huy tinh thần nhân ái, từ thiện, giúp đỡ nhau trong cộng đồng của đồng bào có đạo, xây dựng tình làng nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giúp cho tín đồ tôn giáo “gắn kết đạo với đời”.

Muốn thực hiện tốt những nội dung trên đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức xã hội và các tổ chức tôn giáo có trách nhiệm làm tốt công tác vận động quần chúng và thực hiện đúng đắn chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Tóm lại, công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà cốt lõi là công tác vận động quần chúng. Việc đẩy mạnh công tác tôn giáo, làm tốt công tác vận động quần chúng là một trong những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong công cuộc đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 61 - 65)