Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích của tôn giáo

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong công cuộc đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 31 - 32)

5. Kết cấu của đề tài

1.2.4.Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục đích của tôn giáo

Với cách nhìn biện chứng, Hồ Chí Minh còn nhận ra mục đích của các tôn giáo. Người phát hiện ra những tương đồng trong lý tưởng, khát vọng của các tôn giáo chân chính với khát vọng, lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, đó là đều đấu tranh, phấn đấu vì hạnh phúc của con người và cho con người. Để chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù nhằm gây hiểu lầm đối với Đảng ta, hiểu lầm giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau, Hồ Chí Minh khẳng định: “Mục đích của Chính phủ ta theo đuổi là chiến đấu vì độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người, cần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu Đức Giê-su sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu khổ loài người” [48, 79]. Thậm chí, Người cho rằng Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên “nếu còn sống trên đời này, nếu họ tập hợp một chỗ… họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn rất thân thiết” [49, 225].

Với cách lập luận hết sức sắc sảo này, Hồ Chí Minh muốn nói rằng, tuy có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, thậm chí khác nhau cả về lãnh thổ, dân tộc thì vẫn có thể sát cánh bên nhau, đứng chung trên một chiến tuyến để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân tộc mình và quyền lợi của toàn nhân loại.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã cho ta thấy mục đích của tôn giáo, suy cho cùng, là giải phóng con người khỏi sự đau khổ, bất hạnh và hướng con người đến hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không phải ở thế giới trần gian, trần tục, mà là ở “thế giới bên kia”. Cho nên tuy đề cao sự thống nhất về mục đích, nhưng tuyệt đối không đồng nhất chủ nghĩa cộng sản với tôn giáo, hay biến chủ nghĩa cộng sản thành tôn giáo, mà phải có sự phân biệt rõ rệt về thế giới quan và phương pháp cách mạng. “Chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa duy vật là ngược nhau, rõ ràng là thế” [Dẫn theo: 75,73].

Người đã mượn tấm gương về lòng vị tha, bác ái của Đức Chúa, Đức Phật để kêu gọi tín đồ tôn giáo phấn đấu noi theo và tích cực tham gia cuộc đấu tranh cách mạng. Người nói: “Chúa Cơ đốc sinh ra làm gương giống mọi phúc đức như: hy sinh vì nước, vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần” [50,

197] và “chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm đều hợp với tinh thần Phúc âm” [50,197].

Người khuyên đồng bào Công giáo làm tròn chính sách của Chính phủ cũng là làm tròn tinh thần của Chúa, vì “nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã” [Dẫn theo: 78, 191].

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra tôn giáo cũng có những hạn chế nhất định, như làm mất đi tính sáng tạo của con người, làm con người trở nên thụ động trước những thay đổi của xã hội. Khi gặp vất vả, khó khăn trong cuộc sống, tín đồ các tôn giáo dễ bị mê hoặc, dụ dỗ, lợi dụng. Chẳng hạn, vấn đề Công giáo miền Bắc di cư vào Nam là do Ngô Đình Diệm tuyên truyền: “Chúa vào Nam rồi. Ai vào Nam mới còn linh hồn, mới được lên thiên đường” [Dẫn theo: 78, 242].

Tóm lại, Hồ Chí Minh quan niệm bản chất tôn giáo là sự phản ánh hư ảo, hoang tưởng về hiện thực khách quan. Bên cạnh đó, tôn giáo được xem là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa, đạo đức và có tính hướng thiện. Tuy nhiên, tôn giáo vẫn còn tồn tại lâu dài và là một nhu cầu chính đáng của một bộ phận quần chúng khi nó mang trong mình những chức năng nhất định.

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong công cuộc đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 31 - 32)