Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong công tác tôn giáo

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong công cuộc đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 59 - 61)

5. Kết cấu của đề tài

2.2.2.Phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong công tác tôn giáo

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong tình hình hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là: "Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc... Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo..." [13, 48].

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi chỉ ra mục đích của các hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo, trong

Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khoá IX, Đảng ta đã xác định: “Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” [13, 48].

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhằm giữ vững nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Điều đó chỉ có thể được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau. Đồng thời, cần phải qui định rõ và phổ biến cho mọi tín đồ tôn giáo biết quyền và nghĩa vụ công dân của họ đối với đất nước để có thể cống hiến ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo;

đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia” [13, 49].

Trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, công tác tôn giáo ở nước ta bao gồm những nội dung cơ bản sau:

Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện được điều đó có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam. Bởi vì, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đoàn kết tôn giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh phụ thuộc trước hết vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước ta luôn bám sát thực tiễn đất, kịp thời đề ra những chủ trương, biện pháp thích hợp để thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo... nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng.

Hai là, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, giáo dục lòng yêu nước, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Thực hiện điều đó có vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết của nhân dân về các vấn đề tôn giáo, trên cơ sở đó có hành động đúng đắn, phù hợp. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần định hướng nhận thức cho nhân dân, giúp nhân dân hiểu được giá trị, vị trí to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội nước ta.

Ba là, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, giúp đồng bào tín ngưỡng, tôn giáo có được “ấm no phần xác, thong dong phần hồn”.

Điều đó vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với công tác tôn giáo. Chỉ có ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống nhân dân thì mới có thể giúp nhân dân cảnh giác với sự tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, không bị các thủ đoạn truyền đạo trái phép lừa bịp, góp phần xây

dựng xã hội ổn định, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, đồng bào an tâm, củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tin tưởng vào chế độ, tự giác đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo.

Bốn là, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết trừng trị những âm mưu hành động lợi dụng tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, giải quyết đúng đắn và đầy đủ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng là cơ sở để đấu tranh có hiệu quả chống việc lợi dụng tôn giáo. Đồng thời, nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống sự lợi dụng tôn giáo là tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, điều kiện đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện tốt. Đây là hai mặt của một vấn đề có sự tác động qua lại lẫn nhau, trong đó nhấn mạnh việc chủ động quan tâm các nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bình thường, đúng pháp luật của quần chúng tôn giáo. Từ đó loại bỏ những nguyên cớ mà các thế lực xấu có thể lợi dụng xuyên tạc, kích động.

Tuy nhiên, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong công tác tôn giáo, đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng tôn giáo.

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong công cuộc đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 59 - 61)