5. Kết cấu của đề tài
1.3.3. Tư tưởng giải quyết hài hòa vấn đề tôn giáo với lợi ích quốc gia, dân tộc
Người nêu mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc giản dị, dễ hiểu, nhưng rất độc đáo và sâu sắc: Kính Chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Thiên chúa và phụng sự Tổ quốc, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do. Nhân ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh, khi gửi thư cho đồng bào Công giáo, cuối thư Người còn viết: "Thượng đế và Tổ quốc muôn năm !"
Theo Hồ Chí Minh đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính, cũng như những kẻ chống lại dân tộc, đồng thời cũng chính là những kẻ phản Chúa. Chúng không chỉ là "Việt gian mà còn là giáo gian", là những kẻ" phản Chúa , phản dân, phản nước.".
Hồ Chí Minh yêu cầu người Công giáo tốt phải là người công dân tốt, kính Chúa và yêu nước vừa là trách nhiệm công dân vừa là bổn phận đối với Chúa: "Dân tộc giải phóng thì tôn giáo mới được giải phóng. Lúc này chỉ có quốc gia mà không phân biệt tôn giáo nữa, mỗi người đều là công dân của nước Việt Nam và có nhiệm vụ chiến đấu cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc" [47, 19].
Mối quan hệ tôn giáo với dân tộc bao giờ cũng được Hồ Chí Minh xem xét và giải quyết trên tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định được mình khi sống giữa lòng dân tộc và dân tộc trên con đường phát triển phải biết khai thác, chắt lọc những giá trị tích cực của các tôn giáo.
Những người sáng lập học thuyết Mác- Lê nin không phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội. Để cho đồng bào có đạo an tâm hành đạo trong chủ nghiã xã hội, Hồ Chí Minh có thái độ rất rõ về vấn đề này. Năm 1958, trong buổi tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, khi trả lời câu hỏi: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không ?”, Hồ Chí Minh khẳng định thái độ của người cộng sản đối với tôn giáo ở Việt Nam: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy” [50, 115]. Người còn nói rõ thêm: “Người cộng sản tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội không những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng cộng sản chỉ chủ trương tiêu diệt tội ác người bóc lột người” [ 50, 115]
Người chú ý khai thác sự tương đồng giữa chủ nghĩa xã hội và lý tưởng của tôn giáo, giữa lý tưởng của người cộng sản với mong muốn ước vọng của tín đồ tôn giáo chân
chính, giữa tư tưởng nhân văn của các vị giáo chủ với những nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học.
Giữa người cộng sản và người có tín ngưỡng, tôn giáo có sự khác nhau về thế giới quan, nhưng sự khác biệt ấy không tất yếu dẫn đến sự khác nhau về quan điểm chính trị. Nghĩa là người có cũng như không có tín ngưỡng, tôn giáo vẫn có thể cùng phấn đấu cho một mục tiêu chính trị nhất định. Chính vì lẽ ấy mà sinh thời V. I. Lênin đã rất chú ý tới việc kết nạp đảng viên có đạo.
Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh nói rõ: “Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động được không ? Có. Người tôn giáo nào cũng vào được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ vững kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại người theo đạo vẫn vào Đảng được” [ 50, 117].
Điều đó nói lên rằng, những người cộng sản Việt Nam đã không xem giữa tôn giáo và cộng sản chỉ có mặt này mà không có mặt kia. Hồ Chí Minh với tinh thần biện chứng mác-xít đã giải quyết vấn đề này một cách sáng tạo.
Người luốn nhắc nhở: “Các cấp ủy phải quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào Công giáo”, phải làm cho bà con phần xác ấm no và phần hồn thong dong.
Thực tế qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng viên có đạo luôn phát huy được vai trò của mình trong cộng đồng có tín ngưỡng. Họ sẵn sàng hy anh cả tính mạng vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, nhiều đảng viên có đạo cũng đã giữ vững được vai trò lãnh đạo của mình trong đồng bào có tôn giáo .
Là một hiện tượng xã hội phức tạp, tôn giáo cũng có những mặt tích cực và mặt tiêu cực. Hồ Chí Minh khuyên mọi người giữ gìn và phát huy cái tốt; đồng thời hạn chế và loại bỏ cái xấu có trong tôn giáo. Người nêu ra những giá trị đạo đức và văn hóa vốn có của tôn giáo để những người theo đạo và không theo đạo biết và thực hiện. Người nói: “Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa” [49, 225].
Người coi tôn giáo là di sản văn hóa của nhân loại, do đó phải tôn trọng, chấp nhận sự khác nhau về nhận thức, phải biết khai thác sự tương đồng để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cho đến ngày nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở lý luận quan trọng của Đảng ta về lĩnh vực tôn giáo, là bài học quý báu cho chúng ta học tập và làm theo.