Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng trong công tác tôn giáo

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong công cuộc đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 55 - 59)

5. Kết cấu của đề tài

2.2.1.Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng trong công tác tôn giáo

Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta được xây dựng, một mặt, dựa trên quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tinh thần đó được Đảng và Nhà nước ta thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tín ngưỡng, tôn giáo rất đúng đắn, minh bạch và từng bước được hoàn thiện. Vào đầu thập kỷ 90, trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Nghị quyết số 24/NQ-TW của Bộ Chính trị Về công tác tôn giáo trong tình hình mới đã ghi dấu son về sự đổi mới đường lối, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị quyết xác định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” [Dẫn theo: 35, 163].

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta hiểu rõ nhu cầu tâm linh của nhân dân và có quan điểm, thái độ rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991 đã khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân” [8, 130].

Vấn đề này cũng được Đảng ta khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do

tín ngưỡng, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân” [9, 45].

Để đáp ứng với yêu cầu của quá trình đổi mới, ngày 21/3/1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 69-HĐBT Quy định về các hoạt động tôn giáo. Đây là văn bản mang tính pháp quy và là sự cụ thể hóa chính sách của Nhà nước ta đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, đổi mới về nhận thức và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo là nhằm đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của nhân dân. Qua đó phát huy năng lực, sức sáng tạo của hàng chục triệu đồng bào theo đạo, góp phần phát huy và tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội.

Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 bổ sung rõ hơn: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật” [27, 87].

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW, Đảng ta đã tổng kết, đánh giá những thành tựu và nêu rõ những khuyết điểm, đồng thời Bộ Chính trị ra Chỉ thị 37/CT- TW ngày 02/7/1998 Về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khoá IX đã thông qua Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo, trong đó quan điểm của Đảng ta đối với tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được khẳng định và phát triển thêm một bước mới cho phù hợp với sự nghiệp đổi mới đất nước. Nghị quyết khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật” [13, 48].

Đồng thời, vấn đề theo đạo và truyền đạo cũng đã được Nghị quyết chỉ rõ: “Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật” [13, 51].

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân cũng được đề cập trong Bộ Luật Dân sự, được bảo vệ bằng pháp luật và được cụ thể hóa trong văn bản quy phạm pháp luật ngày càng ở mức độ cao hơn, hoàn thiện hơn.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội trong việc giải quyết các vấn đề tôn giáo. Đặc biệt, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18/6/2004 đã tạo ra bước chuyển quan trọng trong nhận thức vấn đề tôn giáo của hệ thống chính trị và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định những quan điểm, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng trên cơ sở kế thừa Sắc lệnh 234/SL và được đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra đời là một minh chứng rõ ràng và một lần nữa tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Những quy định cụ thể trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo cũng như trong Nghị định 22/2005/NĐ-CP, ngày 01/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều trong Pháp lệnh, một mặt,tạo cơ sở pháp lý đảm bảo cho mọi công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác tôn giáo. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định rõ ràng hơn, thông thoáng hơn và cởi mở hơn. Công dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; được bày tỏ đức tin của mình; được thực hiện các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức tôn giáo. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước đảm bảo quyền

tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở vật chất, tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân” [17, 81].

Có thể khẳng định rằng, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tư tưởng cơ bản của Đảng và Nhà nước ta thể hiện quan điểm trước sau như một: tín ngưỡng hay không tín ngưỡng là sự lựa chọn tự do của con người. Thái độ của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề tự do tôn giáo luôn luôn rõ ràng và minh bạch. Một mặt, Đảng và Nhà nước ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, lại nghiêm cấm việc kỳ thị hoặc xúc phạm người có tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời cũng nghiêm cấm việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ được khẳng định ở Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, ở Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, mà còn được thể hiện sống động trong cuộc sống hàng ngày.

- Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật, có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ gìn độc lập chủ quyền quốc gia.

- Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tín đồ được bảo đảm. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và phát huy.

- Mọi hành vi lợi dụng hoạt động tôn giáo làm mất trật tự an toàn xã hội, phương hại nền độc lập dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây tổn hại các giá trị đạo đức lối sống, văn hóa của dân tộc, ngăn cản tín đồ, chức sắc các tôn giáo thực hiện nghĩa vụ công dân đều bị xử lý theo pháp luật.

Tóm lại, trong công tác tôn giáo hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn tôn trọng đức tin của đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; mong muốn cho người dân theo tôn giáo được “phần hồn thong dong, phần xác ấm no”. Đó cũng chính là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Một phần của tài liệu vận dụng tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và công tác tôn giáo trong công cuộc đổi mới ở việt nam hiện nay (Trang 55 - 59)