Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
- Về kinh tế
Thị xã Hồng Lĩnh là điểm hội tụ của giao lưu Bắc - Nam và quốc tế qua quốc lộ 1A và 8A, nằm giữa hai đô thị lớn là thành phố Vinh ở phía Bắc, thành phố Hà Tĩnh ở phía Nam. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân hàng năm đạt 16,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị: Công nghiệp - xây dựng chiếm 38,64%; thương mại - dịch vụ 55%; nông nghiệp còn 6,36%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 34 triệu đồng.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển khá nhanh. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hàng năm 18,78%. Nhiều dự án mới được triển khai đầu tư và đi vào hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh, gỗ ván ép, khai thác chế biến đá, bê tông đúc sẵn, gạch không nung, cơ khí chế tạo máy… Sản xuất và cung ứng điện, nước sạch đảm bảo sinh hoạt và tiêu dùng cho nhân dân.
Các loại hình dịch vụ, thương mại phát triển khá toàn diện. Hệ thống ngân hàng thương mại với 7 chi nhánh và phòng giao dịch trên địa bàn, đáp ứng tốt nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Năm 2014, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.796,3 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 1.878,8 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm trên 22,9%; năm 2014 đạt trên
122,3 tỷ đồng, cơ cấu nguồn thu đã có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm 68%.
Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị được chú trọng, diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh. Cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 8A, đường Sử Hy Nhan, đường 3/2, đường Nguyễn Đổng Chi, đường Lê Duẩn, hệ thống thoát nước đô thị… Các cơ sở giáo dục, y tế, thể dục thể thao, cơ sở vật chất các cơ quan đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội được đầu tư, nâng cấp.
Hệ thống điện, cấp thoát nước tiếp tục được mở rộng, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Đến nay trên 70% các tuyến đường trục chính của Thị xã có điện chiếu sáng; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia, mức tiêu thụ bình quân đạt 1.700 Kwh/người/năm; có trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước máy; 100% hộ dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh.
- Về văn hoá - xã hội
Thị xã Hồng Lĩnh nằm trong danh lam thắng cảnh của Núi Hồng, Sông La; nơi đây có dãy núi Hồng trập trùng “99” ngọn được phủ kín bởi 16 ngàn ha rừng thông xanh tốt, có hệ thống chùa chiền, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Hương Tích, Chùa và Hồ Thiên Tượng, Chùa Long Đàm v.v…, đã được xếp hạng khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia và hàng chục chùa chiền, đền thờ lớn nhỏ nằm rải rác khắp dãy Núi Hồng. Đặc biệt Hồng Lĩnh là mảnh đất “Địa linh, nhân kiệt” từ đời xưa tới nay đã sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng như Đô Đài Ngự Sử Bùi Cầm Hổ; Song Trạng Nguyên Sử Đức Huy và Sử Hy Nhan; Đại thi hào Nguyễn Du; La Sơn Phu tử Phan Kính, Nguyễn Thiếp v.v… Những nơi lưu niệm, thờ tự các danh nhân này đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia. Về với Hồng Lĩnh là về với cội nguồn, về với mảnh đất thấm đẫm nhiều vỉa tầng văn hoá, nơi đã từng được vua Thiệu trị đề thơ ca ngợi và khắc vào Anh đỉnh Triều đình Huế. Tại phường Đậu Liêu còn có Chùa Đại Hùng, là nơi duy nhất thờ tự Hùng Vương trên địa bàn
Nghệ An và Hà Tĩnh. Với lợi thế này thị xã Hồng Lĩnh có thể phát triển ngành thương mại du lịch và dịch vụ ngày càng bền vững.
Giáo dục - đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ đạt được nhiều kết quả cao. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng lên; phổ cập giáo dục các bậc học đạt vững chắc; hiện có 85% (17/20) trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp hàng năm đạt trên 95%; số học sinh thi đậu đại học, cao đẳng chiếm trên 40% số em dự thi. Các trường dạy nghề trên địa bàn như phát huy hiệu quả, góp phần đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động khu vực phía bắc tỉnh Hà Tĩnh. Phong trào xã hội học tập, gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học ngày càng phát triển; nhiều năm liền ngành GD-ĐT Hồng Lĩnh là đơn vị xếp tốp đầu toàn tỉnh.
Thực hiện tốt các chế độ chính sách xã hội, công tác giảm nghèo, đẩy mạnh phong trào ‘‘Đền ơn đáp nghĩa”; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 6,65% đến năm 2015 còn 2,9%. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, nâng cao chất lượng công tác phòng và khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay có 50% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế chuyển biến tích cực, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%. Chất lượng dân số ngày càng được cải thiện, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên luôn ở mức dưới 1%, tỷ lệ tăng dân số cơ học đạt gần 1,7%.
- Vềquốc phòng - an ninh
Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chăm lo bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng, xây dựng, huấn luyện lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh. Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tiến hành lập quy hoạch và đầu tư xây dựng căn cứ chiến đấu trong khu vực phòng thủ Thị xã.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; hạn chế tai nạn giao thông. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ V nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra.