a. Tình hình hoạt động của các Công ty phát triển hạ tầng KCN, KCX. KCX.
Cùng với sự ra đời và phát triển của các KCN, các công ty phát triển hạ tầng KCN - một loại hình kinh tế mới cũng hình thành với mục đích thực hiện việc xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN có chất lượng cao, theo tiêu chuẩn qui định quốc tế nhằm phục vụ các xí nghiệp trong KCN trong suốt quá trình hoạt động của nó.
Theo Nghị định 36/CP ban hành ngày 24/4/1997 về qui chế KCN, KCX thì Công ty phát triển hạ tầng KCN là một doanh nghiệp Việt Nam
thuộc các thành phần kinh tế trong nước hoặc các nhà ĐTNN dưới hình thức liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng KCN, được thành lập và hoạt động theo qui định của pháp luật. Quyền hạn chủ yếu của Công ty phát triển hạ tầng KCN là cho các nhà đầu tư thuê lại diện tích đất do nhà nước giao quyền quản lý, sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; được bán nhà xưởng do mình xây dựng; được kinh doanh các dịch vụ trong KCN phù hợp với qui định của nhà nước. Đồng thời, công ty phát triển hạ tầng KCN cũng có nghĩa vụ xây dựng, duy trì, bảo dưỡng, vệ sinh môi trường trong suốt quá trình tồn tại của KCN.
Số lượng các công ty phát triển hạ tầng KCN được thành lập tăng dần qua các năm đặc biệt là trong 3 năm 1996 (13 công ty), năm 1997 (21 công ty) và năm 1998 (18 công ty). Tính đến hết tháng 10 năm 2002, cả nước đã có 73 công ty phát triển hạ tầng KCN được thành lập để xây dựng và kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng của 73 KCN và KCX trong cả nước .[8]
Hiện nay ở nước ta đang tồn tại ba hình thức đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN: đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp trong nước liên doanh với nhà ĐTNN, và các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
• Công ty phát triển hạ tầng là doanh nghiệp Việt Nam.
Lợi thế lớn nhất của các công ty này là hiểu biết rất rõ về môi trường kinh doanh ở Việt Nam cũng như những thủ tục đầu tư đầy rắc rối, khó khăn. Tuy nhiên hạn chế chung của các công ty này là ở chỗ họ gặp khó khăn về vốn đầu tư. Chính hạn chế này cùng với kinh nghiệm kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN tích luỹ được chưa nhiều nên phần lớn các công ty phát triển hạ tầng KCN là doanh nghiệp Việt Nam hoạt động không có hiệu quả (khoảng 50%). Họ tiến hành kinh doanh hạ tầng KCN một cách thụ động: xây dựng khá đồng bộ các công trình kết cấu hạ tầng sau đó mới thu hút đầu tư. Điều này đòi hỏi phải có nguồn tài chính rất lớn, không phù hợp với khả năng tài
chính của Việt Nam. Ngoài ra do thiếu kế hoạch lấp đầy các KCN nên đã gây ra hiện tượng ứ đọng vốn gây lãng phí và làm giảm hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực này đang hoạt động có hiệu quả (khoảng 18%) do họ biết sử dụng có hiệu quả nguốn vốn đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu ” tức là vừa đầu tư xây dựng vừa cho thuê lấy lợi nhuận để tái đầu tư. Tiêu biểu cho một số doanh nghiệp thành công này là Công ty phát triển hạ tầng KCN Biên Hoà, KCN Sóng Thần,...
• Doanh nghiệp liên doanh.
Các công ty phát triển hạ tầng KCN là doanh nghiệp liên doanh hiện nay có 13 công ty. Phần lớn ở các doanh nghiệp này, phía Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, phía nước ngoài góp vốn xây dựng. Do lượng vốn đầu tư khá lớn nên phần lớn các công trình kết cấu hạ tầng KCN do các công ty này đảm nhiệm thường tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng.
• Các doanh nghiệp 100 % vốn ĐTNN.
Cho đến 2001 mới chỉ có 1 KCN có cơ sở hạ tầng đầu tư xây dựng bằng 100% vốn nước ngoài, đó là KCN Đài Tư (Hà Nội) do chủ đầu tư Đài Loan đảm nhiệm. Ưu điểm của mô hình này là nguồn vốn đầu tư lớn nhưng tốc độ triển khai dự án lại phụ thuộc hoàn toàn vào phía nước ngoài. Hơn nữa, nhà ĐTNN lại không hiểu rõ về môi trường kinh doanh cũng như thủ tục đầu tư ở Việt Nam nên tốc độ triển khai còn hạn chế. KCN Đài Tư là một ví dụ, được cấp phép năm 1995 nhưng mãi 3 năm sau mới xong giải phóng mặt bằng.