0
Tải bản đầy đủ (.doc) (142 trang)

HỆ THỐNG TÀI KHOẢN THỐNG KÊ QUỐC GIA SNA (System of National

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA KHU VỰC KINH TẾ NGẦM ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 41 -46 )

National Accounts) UN 1993 – CƠ SỞ PHƯƠNG PHÁP LUẬN CƠ BẢN ĐỂ KHẢO SÁT KHU VỰC KINH TẾ NGẦM

Hệ thống tài khoản quốc gia (System of National Accounts – SNA) – mô hình kinh tế thị trường vĩ mô thể hiện một cách tổng quát hành vi của các chu thể kinh tế, mối quan hệ và kết quả hoạt động của chúng trong khuôn khổ nền kinh tế quốc gia. SNA là nền tảng phương pháp luận cơ bản của hệ thống thống kê, là tiêu chuẩn để hình thành các chuẩn mực thống kê các khu vực kinh tế. Kinh tế ngầm nói riêng và kinh tế phi chính thức nói chung đều là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế quốc dân. Do đó, SNA rõ ràng là cơ sở phương pháp luận cơ bản làm nền tảng khi ta tiến hành kháo sát các khu vực kinh tế này.

Về bản chất, hệ thống tài khoản quốc gia SNA được hình thành bởi một hệ thống các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, trình bày dưới dạng những bảng cân đối hoặc những tài khoản tổng hợp nhằm phản ánh điều kiện sản xuất; kết quả sản xuất tổng hợp; quá trình phân phối, phân phối lại thu nhập giữa các ngành kinh tế, giữa các khu vực thể chế và các nhóm dân cư; phản ánh quá trình sử dụng cuối cùng kết quả sản xuất cho các nhu cầu: tiêu dùng cuối cùng của cá nhân và xã hội, tích lũy tài sản, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ với nước ngoài… Trên cơ sở đó SNA giúp phản ánh cơ cầu nền kinh tế, xu thế phát triển về trình độ và hiệu quả sản xuất tổng hợp; phản ánh các mối quan hệ giữa các ngành, các tỷ lệ quan trọng trong quá trình tái sản xuất xã hội của quốc gia trong từng thời kỳ nhất định như: giữa sản xuất và tiêu dùng cuối cùng; sản xuất và tích lũy tài sản; giữa sản xuất trong nước với nước ngoài… Vì vậy, có thể nói hệ thống tài khoản quốc gia SNA là một mô hình khái quát về nền kinh tế được thể hiện dưới dạng biểu, bảng phản ánh các mối quan hệ kinh tế. Dựa trên mô hình khái quát này có thể xây dựng nhiều loại mô hình toán học khác nhau ứng dụng trong công tác phân tích kinh tế, phân tích ảnh hưởng của các chính sách đến kết quả sản xuất kinh doanh, lập kế hoạch và dự báo kinh tế ở tầm vĩ mô.

Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) được hình thành từ cuối thế kỷ 17. Năm 1696 Gregory King, nhà kinh tế Hoàng Gia Anh đã soạn thảo hệ thống tài khoản quốc gia đầu tiên khá đầy đủ. Tiếp sau đó, nhà kinh tế người Pháp Quesnay (1694-1774) đã phân tích

một cách khoa học quá trình tái sản xuất xã hội trong “Biểu kinh tế” nổi tiếng của ông11. Tiếp đó, hệ thống Tài khoản quốc gia được hoàn thiện dần trên cơ sở các công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế học người Anh: J.Meade và Q.Stone; người Hà Lan: J.Finbengen; Mỹ: Skujnes; Pháp: J.Marezenski, C.Gruson… Đến đầu thế kỷ 20, hệ thống Tài khoản quốc gia chính thức được các nước trên thế giới nghiên cứu đưa vào ứng dụng. Năm 1928 các nước thuộc khối Đồng minh mở Hội nghị về số liệu thống kê và lựa chọn một phương pháp trình bày thống nhất để giúp các nước thu thập có cơ sở so sánh đối chiếu chỉ tiêu kinh tế của các nước. Năm 1939 khối Đồng minh đã công bố ấn phẩm về thu nhập quốc gia của thế giới. Sau chiến tranh thế giới 2 khối Đồng minh thành lập tiểu ban các chuyên gia thống kê để tính thu nhậpquốc gia và các chỉ tiêu kinh tế khác của các nước châu Âu, Mỹ và Úc. Tiểu ban này đã hopk vào tháng 12/1945 để soạn thảo bản ghi nhớ do Richard Stone chuẩn bị. Báo cáo về SNA đầu tiên được công bố vào năm 1947 trong đó thể hiện rõ cách tiếp cận hạch toán xã hội được xem như là sự phát triển logic và trở thành nguyên lý cơ bản cho các hướng hoàn thiện SNA sau này.

Năm 1952, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng một hệ thống Tài khoản quốc gia chuẩn, công bố vào năm 1953 và đưa ra trưng cầu ý kiến của các nước thành viên để đánh giá hệ thống này và đề ra hướng cải tiến tiếp theo. Năm 1968, Ủy ban thống kê Liên Hợp Quốc công bố SNA 1968. Ngoài các nội dung đổi mới về hệ thống hạch toán quốc gia, SNA68 mở rộng thêm phạm vi hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phân tích kinh tế, một số nước đã lập bảng vào – ra (I-O) và các bảng cân đối tài sản. Cũng trong hệ thống SNA68, ngoài phần mở rộng và chi tiết hóa các tài khoản, xây dựng các mô hình toán học hỗ trợ cho các phân tích kinh tế và phân tích chính sách, các chuyên gia đã cố gắng soạn thảo, bổ sung để phù hợp với nội dung chỉ tiêu kinh tế tổng hợp thuộc hệ thống bảng cân đối kinh tế quốc dân (System of Balances of the National Economy) hay thường gọi là Hệ thống sản phẩm vật chất (Materail Product System – MPS). Vào những năm 1985 LHQ giao cho nhóm chuyên gia về tài khoản quốc gia, bao gồm: Ủy ban Thống kê châu Âu (Eurostart), Quỹ tiền tệ quôc tế (IMF), Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD), Ủy ban Thống kê LHQ và Ngân hàng thế giới, phối hợp hoàn thiện hệ thống SNA và công bố vào năm 1993. Khác với các phiên bản trước, SNA93 đã đặc biệt chú ý đến các hoạt động dịch vụ, kinh doanh thông tin liên lạc, máy tính, các tổ chức tài chính và thị trường tài chính, sự tác động qua

11 Công trình này được xem như là một trong ba phát minh quan trọng của thế kỷ 17 cùng với phát minh về tiền tệ và phát minh nghề in ấn.

lại giữa môi trường và nền kinh tế. Các chuyên gia soạn thảo SNA 1993 đã có nhiều cố gắng phối hợp một số khái niệm, định nghĩa sao cho phù hợp với MPS, đáp ứng yêu cầu của các nước trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường.

Hệ thống Tài khoản quốc gia cùng với bảng phân ngành kinh tế quốc dân do Ủy ban thống kê LHQ biên soạn mang tính nguyên tắc chung. Tùy điều kiện kinh tế và yêu cầu quản lý ở mỗi nước mà vận dụng cho phù hợp. Các tài khoản chủ yếu của SNA bao gồm:

- Tài khoản Sản xuất;

- Tài khoản Thu nhập và phân phối thu nhập;

- Tài khoản Vốn – Tài chính;

- Tài khoản Quan hệ kinh tế với nước ngoài;

- Bảng Tổng kết tài sản;

- Bảng Vào/Ra (Input/Output – I/O).

Ngoài những tài khoản tổng hợp còn có các phụ bảng nhằm bổ sung, phân tích cụ thể từng mặt của quá trình tái sản xuất. Trong các tài khoản tổng hợp trên, I/O là trung tâm của hệ thống.12

Đặc biệt, khác với các phiên bản trước, SNA93 bắt đầu có sự nhìn nhận và quan tâm đến phương thức đo lường khu vực kinh tế phi chính qui, trong đó có kinh tế ngầm. Theo SNA93, không thể loại bỏ một cách đơn thuần khỏi tài khoản quốc gia giá trị của các hoạt động phạm pháp mà phải tìm cách định lượng chúng. Bởi sự minh định giữa khu vực chính thức và phi chính thức nhiều khi lại có ý nghĩa hết sức quan trọng cho từng nền kinh tế, từng nhóm nước. Trước hết, so với các phiên bản trước, SNA93 có 5 thay đổi chính về mặt nguyên tắc.

Thứ nhất, xem xét hình thành tài khoản riêng để biểu diễn việc đánh giá lại giá trị

tài sản – một trong những hệ quả tất yếu của quá trình lạm phát. Thứ hai, thay đổi trong cấu trúc tính tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi thương mại cung ứng dịch vụ phục phụ tiêu dùng gia đình (cách tính mới này sẽ giúp làm rõ hơn hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời mô tả chính xác thực trạng tiêu dùng của người dân). Thứ ba, đề xuất trình tự thống kê

các hoạt động cung ứng dịch vụ, tùy thuộc theo đặc thù mà được gắn liền với một tài

12 Lê Văn Toàn và các tác giả (1998). Phương pháp biên soạn hệ thống Tài khoản quốc gia (SNA) ở Việt Nam. Hà Nội: Thống kê, tr. 9-11.

khoản cụ thể. Thứ tư, thiết lập các tiêu chí để xác định các thể chế tài chính cũng như phân loại chúng trong điều kiện thị trường tài chính hiện đại. Và cuối cùng, xem xét các khả năng nhằm thực hiện hóa các công cụ thống kê môi trường thông qua việc xác định giới hạn các phạm trù tài sản, phân loại tài sản và các vấn đề liên quan.13

SNA 93 khuyến khích các nước thành viên LHQ sử dụng nguyên lý và logic cơ bản của Hệ thống để có chung một cách tiếp cận, tuy nhiên SNA93 thừa nhận sự phức tạp và đa dạng của các nền kinh tế trên thế giới. Chính điều này đã tạo ra cho các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi khả năng linh hoạt trong việc ứng dụng SNA vào hoàn cảnh và điều kiện phát triển cụ thể của quốc gia mình.

Bên cạnh các chỉ số truyền thống như GDP và GNP, SNA93 còn đưa ra hàng loạt các khái niệm, hệ thống phân loại làm nền tảng cho việc nghiên cứu khu vực kinh tế phi chính qui. Trong số các khái niệm cơ bản cần phải kể đến:

- giới hạn lĩnh vực sản xuất;

- chủ thể (đơn vị thể chế) và các khu vực kinh tế;

- dòng chảy kinh tế, nguồn dự trữ kinh tế và hoạt động kinh tế tác nghiệp;

- giới hạn tiêu dùng;

- giới hạn của tài sản;

- giới hạn của kinh tế quốc gia.

Đơn cử như khái niệm về giới hạn của lĩnh vực sản xuất. Theo SNA93, sản xuất được hiểu là một quá trình biến đổi các nguồn lực đầu vào thành hàng hóa và dịch vụ đầu ra, được thực hiện và chịu sự kiểm soát của các chủ thể kinh tế (các đơn vị thể chế) với điều kiện toàn bộ hàng hóa và dịch vụ này sẽ được trao đổi trên thị trường hoặc ít ra cũng được trao đổi, mua bán với các chủ thể kinh tế khác.

Theo quan niệm của SNA giới hạn sản xuất bao gồm sản xuất tất cả các loại hình sản phẩm có thể mua bán hoặc trao đổi trên thị trường. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất còn bao gồm hàng hóa và dịch vụ được cơ quan nhà nước hoặc các đơn vị phi lợi nhuận cho không các hộ gia đình riêng lẻ. Một trong những vấn đề liên quan đến việc xác định giới hạn lĩnh vực sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực kinh tế phi chính qui đó chính là những trường hợp chủ thể kinh tế sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhưng không đưa ra

13 Система национальных счетов 1993: т.1, т.2. Подготовлено под эгидой межсекретариатской рабочей группы по национальным счетам. Нью-Йорк, Париж, 1998, т. 2. с. 545.

trao đổi trên thị trường mà giữ lại để tiêu dùng riêng. SNA93 qui định rất rõ về trình tự xử lý những hoạt động này.14 Cụ thể các hoạt động trên được qui thành 4 nhóm chính:

- hàng hóa nông sản được sản xuất bởi các xí nghiệp gia đình với mục đích đáp ứng nhu cầu sử dụng riêng;

- sản xuất các loại sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày: xây dựng nhà ở; sản xuất đồ thực phẩm; quần áo;

- cung ứng các dịnh vụ thường nhật phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của các hộ gia đình;

- sản xuất và cung ứng các dịch vụ tại gia phục vụ nhu cầu tại chỗ như: nấu ăn, coi sóc trẻ em, dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa…

Dựa trên cơ sở sự phân chia này, Cục thống kê các nước hoàn toàn có thể độc lập hình thành phương thức tính toán độ lớn của khu vực kinh tế chưa được kiểm soát, trong đó có kinh tế ngầm. Để biết thêm chi tiết về các khái niệm và cách phân loại nêu trên, bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn trong các tài liệu, văn bản hướng dẫn về SNA93 của Ủy ban Thống kê thuộc LHQ hoặc các tài liệu tiếng Việt của Tổng cục Thống kê.15

Như vậy, có thể thấy mặc dù hầu hết các quốc gia đều công nhận sự tồn tại tất yếu của khu vực kinh tế phi chính thức nói chung và kinh tế ngầm nói riêng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng gần như không có sự thống nhất trong phương pháp luận đánh giá khu vực kinh tế này. Sự ra đời của SNA93 với những điểm mới được nêu trên đây đã đánh dấu một mốc mới trên con đường tìm tiếng nói chung của cộng đồng kinh tế, thống kê học thế giới. Dù chỉ ở dạng nguyên tắc nhưng các khái niệm được đưa ra trong SNA93 xứng đáng là cơ sở phương pháp luận nền tảng giúp chúng ta giải bài toán khó – lượng hóa độ lớn của khu vực kinh tế có hình thức hoạt động trái ngược hẳn với nền kinh tế truyền thống.

14 Chi tiết xem: Система национальных счетов 1993: т.1, т.2. Подготовлено под эгидой межсекретариатской рабочей группы по национальным счетам. Нью-Йорк, Париж, 1998, т. 1. с. 5.

15 Tổng Cục Thống Kê, Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia. Phương pháp biên soạn Hệ thống Tài khoản quốc gia theo khu vực thể chế ở Việt Nam. Hà Nội: Thống kê, 2005; hoặc: Lê Văn Toàn. Sách đã dẫn.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA KHU VỰC KINH TẾ NGẦM ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 41 -46 )

×