Một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đối với vấn đề ô nhiễm môi trường của làng nghề hiện nay là ý thức bảo vệ môi trường của toàn thể cộng đồng. Đây cũng là một khó khăn chung của nhiều nơi không chỉ riêng Mẫn Xá.
Trước hết phải kể đến là khó khăn về trình độ của người lao động, những người trực tiếp tham gia sản xuất tại địa phương. Hiện nay, các lao động trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề chủ yếu là có trình độ trung học cơ sở, thậm chí có cả thành phần không biết chữ, họ cũng ít tham gia các chương trình tuyên truyền về sản xuất với môi trường, bởi vậy việc xả thải bừa bãi cũng là điều không tránh khỏi.
Sau đó là ý thức của cộng đồng nói chung, họ là tác nhân mà cũng là nạn nhân của vấn đề ô nhiễm môi trường. Qua kết quả phỏng vấn bằng các phiếu điều tra cá nhân tại Mẫn Xá cho thấy rằng:
- Những hộ không sản xuất tái chế: 100% số phiếu họ nhận thấy môi trường làng nghề bị ô nhiễm, những loại bệnh tật liên quan tới đường hô hấp mà người dân gặp phải có liên quan tới hoạt động tái chế. Nhưng một số người dân ủng hộ để nghề tái chế phát triển, vì nhờ có tái chế kim loại mà mức sống của phần lớn người dân được cải thiện, buôn bán thuận lợi hơn hoặc ít ra họ cũng được hưởng các phúc lợi như: phát triển trường học, trạm y tế, đường xá,… do hoạt động sản xuất mang lại.
- Những hộ tái chế: Họ không muốn nói đến khía cạnh ô nhiễm hoặc cho rằng đó là tình trạng chung của cả làng, không có cách nào khác là xả
thải như hiện tại, đầu tư các trang thiết bị sản xuất mới và xử lý chất thải thì tốn kém.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 83 Khi được hỏi tham gia các buổi tuyên truyền của xã về vệ sinh môi trường, 23% số hộ được hỏi thường xuyên tham gia, 60% trả lời thỉnh thoảng tham gia, 17% không tham gia. Như vậy cho thấy các hộ sản xuất chưa thực sự quan tâm tới vấn đề môi trường tại địa phương.
Nhìn chung, qua các ý kiến cho thấy cộng đồng có nhận thức được thực trạng ô nhiễm, song chưa thấy hết được mức độ nguy hại của tình trạng này. Đa phần vẫn đặt lợi ích kinh tế lên trên hết, và biện hộ cho sự xả
thải bừa bãi bằng khó khăn về kinh tế, về nguồn vốn, về thực trạng chung của toàn xã và sự giải quyết của các cấp trên. Người sản xuất đa số còn hạn chế về trình độ, họ chủ yếu là các lao động phổ thông và sản xuất theo kinh nghiệm là chính, vì thế họ thiếu một cái nhìn tổng thể đối với các vấn đề kinh tế xã hội và môi trường. Trong khi nhu cầu cuộc sống lại tăng lên không ngừng, vì vậy rất khó có thể thuyết phục họ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường trong giai đoạn này mà chưa có những giải pháp cân đối giữa
kinh tế, xã hội và môi trường.