- Tranh sinh hoạt
2. Phố Hàng Trống
2.2. Hình thức, phương thức kinh doanh
Đầu thế kỉ XX, phố Hàng Trống tồn tại hai hình thức kinh doanh là bán buôn và bán lẻ tranh Hàng Trống. Những người mua buôn không nhiều, chủ yếu là dân buôn bán các loại măng, hàng khô từ miền núi về Hà Nội và đặt mua tranh với số lượng lớn (chủ yếu là tranh thờ) để về bán lẻ cho những điện, đền chùa mà một số người mua khác ở các tỉnh miền núi.
Tuy nhiên, đối với loại hàng hóa này, hình thức bán lẻ vẫn chiếm ưu thế hơn cả. Cũng như tranh Đông Hồ, thợ tranh Hàng Trống vào những ngày áp Tết làm không kể ngày đêm để có tranh bán Tết. Những ngày giáp Tết, các cửa hàng tranh bày la liệt tranh trong cửa hàng, trên hè phố, tường nhà tạo nên khung cảnh rực rỡ của phố xá. Các nghệ nhân thường làm và bán tranh của mình ngay tại cửa hàng. Vào dịp Tết, những người nhà làm tranh còn mang sản phẩm của mình tới phố Hàng Mã và các chợ ở Hà Nội để bày bán.
Giai đoạn từ sau năm 1945, trước tình hình hàng hóa phương Tây, hàng Trung Quốc nhập khẩu tràn lan, kể cả văn hóa phẩm đã làm cho cuộc vận động dùng hàng hóa nội, chấn hưng công nghệ dân tộc trở nên sôi nổi hình thành nên cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trên thương trường nước nhà. Chính thời điểm này, nhiều phường thợ thủ công không đủ sức cạnh tranh đã bị tan rã. Dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng bị chi phối bởi quy luật kinh tế, xã hội ấy. Tuy nhiên, nghề tranh vẫn tồn tại, một số hiệu tranh Hàng Trống nổi tiếng thời kỳ này là: Thanh An hiệu, Vạn Mỹ Xuân hiệu… với một số họa sĩ nổi tiếng như: Trọng Đan, Văn Nguyên… và người viết chữ trên tranh nổi tiếng như: Ngô Khảo…
Vào những năm 1970, ở phố Hàng Trống đã không còn một gia đình nào bán tranh Hàng Trống. Đây là hậu quả của chiến tranh, loạn lạc, nhiều người bỏ nghề, đốt ván in. Vào thời điểm này, ở Hà Nội chỉ còn duy nhất gia đình ông Lê Đình Liệu (lúc đó ở phố Hàng Hòm) còn giữ được nghề. Tết đến, những người trong gia đình mang tranh Hàng Trống ra phố Hàng Mã để bán. Một bức tranh Hàng Trống bán dịp Tết thường có giá từ hai đến hai đồng rưỡi (trong khi giá gạo là 4 đồng/ yến, lương công nhân viên chức trung bình cũng chỉ khoảng 50 đồng). Việc bán tranh Tết của gia đình ông Liệu không chỉ để tăng thêm thu nhập vào dịp Tết mà chính là chuyện nhớ nghề, nhớ nếp cũ của người làm nghề, đó là tục lệ bán tranh ngày Tết. Đây chính là nét văn hóa đẹp của dân tộc.
Cho đến nay, trên phố Hàng Trống không còn cửa hàng nào bán tranh Hàng Trống nữa. Người “chơi tranh” bây giờ muốn tìm mua một bức tranh Hàng Trống bây giờ chỉ còn một cách duy nhất là đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoặc đến số nhà 22 phố Cửa Đông tìm gặp nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống: ông Lê Đình Nghiên. Hiện nay, ông Nghiên không sản xuất tranh theo kiểu hàng loạt để bán như xưa mà chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách. Đây chính là một yếu tố kinh doanh tranh Hàng Trống nhưng nó không còn tồn tại trên phố Hàng Trống. Như vậy, hình thức kinh doanh tranh Hàng Trống trên phố Hàng Trống đã hoàn toàn biến mất.
Về phương thức kinh doanh trên phố nghề Hàng Trống cũng đã có nhiều thay đổi. Đầu thế kỷ XX, việc sản xuất và kinh doanh luôn được tiến hành đồng thời. Thời kỳ này, phương thức kinh doanh chủ yếu là mang tính chất cha truyền con nối, kinh doanh theo kiểu phường hội. Các hộ kinh doanh tranh Hàng Trống đã không ngừng cải tiến, đổi mới kỹ thuật sản xuất cũng như đề tài tranh để thu hút khách hàng. Thanh An hiệu là hiệu tranh nổi tiếng nhất phố Hàng Trống thời bấy giờ có nhiều sáng tạo nhiều đề tài mới, đặc biệt là mảng đề tài về tranh sinh hoạt (Bức Canh nông chi đồ, chợ quê, múa rồng múa lân…), tranh truyện (Bộ Sơn hậu, Nhị độ Mai, Kim Vân Kiều…) đã thổi luồng sinh khí mới vào nghệ thuật tranh Hàng Trống.
Sau năm 1954, với phong trào thi đua vào hợp tác xã, các hiệu tranh đều phải bỏ tên cửa hàng của mình và hoạt động dưới hình thức kinh doanh hợp tác xã.
Hiện nay, việc kinh doanh tranh Hàng Trống của gia đình ông Nghiên vẫn duy trì phương thức cha truyền con nối, bởi nghề tranh Hàng Trống có thể coi là một nghề “gia truyền”. Muốn vẽ được tranh Hàng Trống trước hết cần các bản khắc gỗ được truyền từ đời này sang đời khác. Một người có hoa tay, tài khéo đến đâu nhưng thiếu những bản khắc gỗ gia truyền cũng khó có thể học làm tranh Hàng Trống được.
Bên cạnh đó, phương thức kinh doanh đặc biệt của dòng tranh Hàng Trống hiện nay là kinh doanh theo thương hiệu bởi cứ nhắc đến tranh Hàng Trống là người ta nhớ ngay đến nghệ nhân Lê Đình Nghiên và tìm đến ông để đặt hàng, và cũng bởi ông là người “giữ lửa” cho nghệ thuật tranh Hàng Trống. Phương thức kinh doanh theo thương hiệu này rất thuận tiện cho việc mua, bán cũng như giới thiệu quảng bá về dòng tranh dân gian Hàng Trống, theo đó người bán tranh cần phải làm tỉ mỉ hơn để khẳng định thương hiệu, người mua cũng yên tâm với chất lượng hàng hóa mà mình mua.
Nhớ lại những năm trước đây, việc mua tranh Hàng Trống về treo ngày Tết giống như một thói quen không thể thiếu của người dân Hà thành. Bức tranh trang trí cho căn nhà thêm sinh động, mới mẻ, đánh dấu một thời khắc đã qua, và đón tiếp một năm mới với niềm hi vọng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Sau Tết, bức tranh thường bị bỏ đi. Và mỗi năm họ lại mua một bức tranh mới. Do đó, người làm tranh thường không chú ý đến độ bền và nét vẽ, tô mầu cũng không cần phải chau chuốt lắm vì thời gian thúc bách của mấy ngày Tết (tất nhiên tranh thờ được làm cẩn thận hơn).
Bây giờ, thị hiếu của người dân đã thay đổi, chẳng ai còn có thói quen mua tranh Hàng Trống về treo Tết. Người nào còn nhớ đến tranh dân gian, tìm mua chúng thường là những người “chơi tranh”. Họ coi bức tranh như là một tác phẩm nghệ thuật dân gian. Vì thế, tranh Hàng Trống bây giờ được làm tỉ mỉ, cẩn thận hơn. Giấy bồi, giấy viền tranh thường là loại cao cấp nhất được làm kĩ. Tùy vào đối tượng mua tranh mà giá bán tranh có sự khác nhau. Một bộ tranh Tứ quý Xuân, Hạ, Thu, Đông đã hoàn tất và đóng cả khung có giá 1,6 triệu đồng. Ông Nghiên cũng cho biết hiện nay, việc chơi tranh thờ cũng có sự thay đổi, nếu như trước đây các bức tranh thờ thường chỉ treo ở các đền thờ thì nay được mua về treo ở nhà riêng để trấn yểm, cầu phúc, cầu lộc. Chính vì vậy, ngoài những bức tranh chơi, một số người vẫn đặt làm tranh thờ. Có người chơi tranh còn đặt làm bức tranh thờ có giát vàng để tăng thêm tính linh thiêng và giá trị cho bức tranh.
Như vậy, qua việc khảo sát sự biến đổi văn hóa kinh doanh ở Hàng Trống, có thể thấy được rằng, chỉ trong khoảng thời gian gần một thế kỷ mà hoạt động kinh doanh ở phố nghề đã có sự bến đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Sự biến đổi đó được thể hiện qua sự thay đổi về các mặt hàng kinh doanh, hình thức, phương thức kinh doanh. Nhưng đó chỉ là yếu tố bề ngoài, về mặt bản chất, sự biến đổi văn hóa đó chính là sự biến đổi trong thói quen, nhu cầu và thị hiếu của người dân Hà thành mà bối cảnh xã hội, thời đại chính là nguyên nhân sâu xa để làm nên sự biến đổi đó.
3. Tiểu kết
Việc khảo sát hoạt động kinh doanh trên hai phố Hàng Mã và Hàng Trống hiện nay cho ta thấy, sự phát đạt trong kinh doanh hàng mã ở phố Hàng Mã trái ngược hẳn với cảnh đìu hiu, tàn lụi của các nghề thủ công cổ truyền ở phố nghề Hàng Trống. Hàng mã vốn là một mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tâm linh, gắn với niềm tin tâm linh của con người. Khi cuộc sống của con người ngày càng phức tạp, con người cảm thấy khó khăn, bế tắc trong cuộc sống thì niềm tin vào thế giới siêu hình của họ sẽ ngày càng được củng cố, từ niềm tin dẫn đến “mê tín” là một khoảng cách không xa. Trong khi đó, tranh Hàng Trống lại mang tính nghệ thuật nhiều hơn, phục vụ cho nhu cầu thị hiếu của người dân Hà thành trong một giai đoạn nhất định, mà thị hiếu của con người lại luôn thay đổi không ngừng, những giá trị nghệ thuật truyền thống không còn phù hợp với người hiện đại nữa. Ngoài việc gắn với nghệ thuật, tranh Hàng Trống còn gắn với một phong tục truyền thống (tục treo tranh Tết), nhưng phong tục truyền thống ấy không đủ sức hấp dẫn con người hiện đại thực dụng nữa. Chính vì thế, phong tục truyền thống này đã mai một đi cùng với rất nhiều phong lâu đời khác của dân tộc Việt Nam.
Hình thức và phương thức kinh doanh của hai loại hàng hóa đặc biệt này cũng không giống với hình thức, phương thức kinh doanh của các hàng tiêu dùng khác. Đối với mặt hàng mã, người kinh doanh cũng đồng thời là
người tư vấn cho khách hàng. Trước nhu cầu về hàng mã của người dân ngày một nâng cao, người kinh doanh sử dụng mọi hình thức để thu về lợi nhuận tối đa, do vậy, việc kinh doanh trên phố Hàng Mã ngày một phát triển. Trái lại, sự lụi tàn của các nghề thủ công đã kéo theo sự biến mất của các hình thức kinh doanh trên phố Hàng Trống. Tuy nhiên, dòng tranh Hàng Trống hiện nay vẫn còn giữ một yếu tố kinh doanh cha truyền con nối dựa vào thương hiệu (dù còn ở hình thức nhỏ lẻ).
Hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta vừa phát triển kinh tế ở các phố nghề Hàng Mã, Hàng Trống theo hướng mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mà vẫn giữ lại được những vẻ đẹp truyền thống của phố nghề. Để làm được điều này, trước hết, Ban quản lý phố cổ cùng với Ban quy hoạch đô thị cần có những chính sách khai thác, phát triển các phố nghề cần gắn với hoạt động du lịch. Khách du lịch thường bị hấp dẫn bởi các làng nghề, họ bị thu hút bởi sản phẩm, bởi kỹ thuật sản xuất, bởi phố nghề cũng phản ánh một phần cuộc sống của nhân dân làm nghề cũng như sự phát triển của vùng đó nói chung.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách đầu tư để đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tài khéo của nghệ nhân, đội ngũ thợ trẻ cần được chuyên môn hóa. Tuy nhiên, cũng cần có người kế thừa những kỹ thuật, kỹ xảo truyền thống từ các nghệ nhân truyền lại để giúp cho những giá trị văn hóa truyền thống của phố nghề có thể được bảo tồn.
Hơn thế nữa, nghề tranh Hàng Trống muốn tồn tại thì cần phải có một thị trường tiêu thụ rộng lớn, cần có sự quảng bá rộng rãi vì đây chính là việc quảng bá nét đẹp văn hóa đất kinh kỳ.
Các phố nghề Thăng Long – Hà Nội đã trải qua bao bước thăng trầm cùng với những biến thiên của lịch sử và trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, phố nghề đã mang đến cho Thăng Long – Hà Nội những nét độc đáo riêng.
Đề tài nghiên cứu “Sự biến đổi văn hóa phố nghề ở Hàng Mã, Hàng
Trống (Hà Nội)” giúp cho người viết tiếp cận với những tài liệu về các làng
nghề, phố nghề Hà Nội nói chung và các tài liệu về phố nghề Hàng Mã, Hàng Trống nói riêng. Từ đó, người viết có căn cứ để tiến hành khảo sát thực tiễn hiện trạng sản xuất và kinh doanh những mặt hàng truyền thống ở hai phố này.
Bằng việc xác định khái niệm làng nghề, phố nghề, những thông tin về cơ sở hình thành các phố nghề cùng với sự biến đổi các giá trị văn hóa của hai phố nghề tiêu biểu chuyên cung cấp các mặt hàng phục vụ nhu cầu tâm linh, tinh thần cho người dân Hà Nội (đồ mã và tranh dân gian Hàng Trống), người viết cố gắng tìm những biến đổi đó thể hiện qua hai mặt chính là văn hóa sản xuất và văn hóa kinh doanh.
Đề tài cũng đã phần nào khắc họa hiện trạng phát triển (trong sản xuất và kinh doanh) của hai phố nghề, để thấy sự biến mất của kỹ thuật sản xuất đồ mã ở Hàng Mã và các mặt hàng cũng như hình thức – phương thức kinh doanh tranh dân gian Hàng Trống ở Hàng Trống.
Việc nghiên cứu đề tài cũng là bước khởi đầu để người viết có thể mở ra một số hướng khai thác như đi sâu vào tìm hiểu văn hóa kinh doanh hàng mã và nhu cầu tâm linh của con người qua các giai đoạn hoặc nghệ thuật kinh doanh một số mặt hàng thủ công ở trên phố Hàng Trống, từ đó có cái nhìn tổng thể hơn về văn hóa phố nghề.
Nghiên cứu về Hà Nội, về sự sống của văn hóa truyền thống trong một thời hiện đại năng động, hội nhập là một con đường nghiên cứu dài và khó khăn, người viết mong muốn nhận được những góp ý và chia sẻ của những người quan tâm đến đề tài này.