Tranh tứ bình

Một phần của tài liệu luận văn Sự biến đổi văn hóa phố nghề ở Hàng Mã, Hàng Trống (Hà Nội) (Trang 32 - 38)

Tranh tứ bình là tranh bộ, tranh dài, treo dọc và thường có trục để khi treo có thể kéo căng tờ tranh và khi cất có thể cuộn tròn lại gọn nhỏ. Tranh tứ bình gồm có bộ tranh Tứ quý, tranh Tố nữ và Tranh truyện.

Tranh tứ bình có nhiều bộ, nhưng đẹp hơn cả có lẽ là bộ tranh Tố nữ. Bộ tranh ca ngợi vẻ đẹp thanh cao và vi diệu của nghệ thuật âm nhạc với hình tuợng bốn người đẹp đang diễn tấu các loại nhạc cụ: sáo trúc, điểm phách, múa quạt và đàn nguyệt. Bộ tranh Tố nữ đã được nghệ thuật dân gian Việt Nam thể hiện qua nhiều thế kỷ, được vẽ ở nhiều miền đất nước, nhưng chỉ có tranh Tố nữ của Hàng Trống mới đạt tới độ tuyệt phẩm của nghệ thuật tạo hình dân tộc kể từ đầu thế kỷ XX trở về trước.

Tranh Tố nữ

Tranh có họa pháp tuyệt kỹ, nét vẽ khoáng đạt, nét khoan nét nhặt, nhịp điệu thoải mái phân minh không một chút ngập ngừng, không một nét ngượng mắt. Màu sắc tranh nhuần nhụy, sâu lắng, dáng vẻ của các cô gái kín đáo mà vui tươi, các cô đều cổ cao ba ngấn, vấn tóc đuôi gà, mặc áo dài, quần lĩnh, dáng đứng chững chạc, sống động trong các tư thế diễn tấu âm nhạc: cô thổi sáo, cô đánh xênh, cô cầm quạt, cô gẩy đàn. Bốn cô mỗi người một vẻ, cao thấp khác nhau, nhưng đều mang vẻ đẹp hài hòa theo những tiêu chuẩn cổ điển, truyền thống. Ở mỗi bức tranh đều có một bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thanh cao của nghệ thuật âm nhạc.

- Ở bức tranh thứ nhất:

Thùy gia ngọc địch ám phi thanh Tán nhập xuân phong mãn Lạc thành

Thử dạ khúc trung văn chiết liễu Hà nhân bất khởi cố viên tình

Tạm dịch:

Nhà ai sáo ngọc tiếng mơ màng Theo gió xuân vào khắp Lạc Dương Vẳng vẳng đêm nay bài “chiết liễu” Ai người không chạnh nỗi tha hương

- Bức tranh thứ hai:

Hồng nha thôi phách yến phi mang Nhất phiến hành vân đáo họa đường Vũ bão, cao liêm thâu mục tống Bất tri thùy thị Sở Tương Vương

Tạm dịch

Thẻ hồng dồn phách, én bay phăng Lửng thửng guồng mây đến họa đường Múa hết, rèm cao đưa khóe hạnh Chẳng hay ai đó Sở Tương Vương

- Bức tranh thứ ba:

Nhất điểm anh đào khải giáng thuần Lưỡng hàng toái ngọc phuốn dương xuân Hảo hoa phong niệu thiên chi mậu

Án triệt Dương Châu liên bộ tân

Tạm dịch

Môi son vừa hé nụ anh đào

Răng ngọc hai hàng nhả diệu cao Trước gió nghìn cành hoa nhún nhẩy Gót sen lần nhịp đến Dương Châu

Song tiền tọa đối nguyệt sơ minh Hảo bả cầm lai khúc điểm tình Đản tả huy âm vi nhã thú

Chỉ tương ngọc luật tự âm thanh

Tạm dịch

Trước song ngồi ngắm nguyệt đầu cành Ôn chiếc cầm trăng dạo khúc tình Thánh thót tiếng tơ lòng hứng thú Lần theo ngọc luật, ghép âm thanh

Bốn bài thơ được viết bằng chữ Hán với bút pháp bay bướm, bố cục ở phía trên tranh, tạo nên một sự hài hòa, cân đối giữa thi pháp, thư pháp và họa pháp, tôn vẻ đẹp của tranh đến độ hoàn mỹ. Toàn bộ bốn bức tranh này toát lên một giá trị nghệ thuật rất đặc biệt: thanh thoát mới mẻ, ta có cảm giác như nó mở đường cho một dòng chảy nghệ thuật hiện đại – đổi mới của mĩ thuật Việt Nam tới thời điểm tranh ra đời.

- Tranh truyện

Tranh truyện là loại tranh khai thác đề tài từ tích truyện Trung Quốc. Xuân về Tết đến, ngoài chuyện chúc mừng, cầu mong thành đạt, người ta còn mong con cháu gìn giữ được gia phong nề nếp, hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, hòa mục với anh chị em. Với ý nghĩa này, các nghệ nhân Hàng Trống đã chọn một trong các tích truyện để vẽ tranh. Nhị thập tứ hiếu dựa theo điển tích của 24 gương hiếu nghĩa mà các Nho gia tôn sùng. Với đề tài có nhiều nhân vật như thế này, người ta có thể thể hiện thành tứ bình (bốn bức) hoặc vẽ 24 bức tranh, mỗi bức nêu một gương hiếu nghĩa để giáo dục con cháu. Đó là:

1. Hiếu động cảm thiên: Vua Thuấn có hiếu, được trời giúp trong sự nghiệp. 2. Văn đế tiên thưởng thang dược: Vua Văn đế nhà Chu nếm thuốc trước khi dâng thuốc cho cha mẹ (quý cha mẹ hơn thân mình).

3. Tăng Tử kiết xỉ thông tâm: Dù đi lấy củi ở xa, lòng Tăng Tử vẫn hướng về người mẹ, ông thấy nóng lòng vội về để mẹ khỏi đợi trông.

4. Ngô Mãnh nhẫn văn bảo huyết: Ngô Mãnh để cho muỗi đốt mình, bảo vệ giấc ngủ yên cho bố mẹ.

5. Hoàng Hương phiến chẫm ôn khâm: Hoàng Hương quạt nồng, ấp lạnh cho giường nằm của bố mẹ được mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

6. Lão Lai hý thái: Lão Lai tuổi đã 70 còn làm trò hề mua vui cho bố mẹ già.

7. Mẫn Tử Khiên đón y thuận: dù mẹ kế độc ác, Mẫn Tử Khiên khuyên cha không đuổi mẹ kế, vì vậy đã cảm hóa được mẹ kế.

8. Tử Lộ vi thân phụ mễ: Chẳng kệ phận mình, Tử Lộ đi xin cơm để nuôi bố mẹ.

9. Quách Cự vi mẫu mai nhi: Quách Cự quá nghèo, phải đem con đi chôn sống, dành cơm để nuôi mẹ già. Trời động lòng thương, cho đào được hũ vàng, đủ sức nuôi mẹ, nuôi con.

10. Vương Biên văn lôi khấp mộ: Nghe tiếng sấm, sợ mẹ giật mình, Vương Biên khóc thương bên mộ mẹ.

11. Diễn Tử lộc nhũ phụng thân: Diễn Tử đội lốt hươu giả vắt sữa hươu nuôi mẹ. Thợ săn bắt được định bắn, sau hiểu sự tình bèn giúp Diễn Tử nuôi mẹ.

12. Đổng Vĩnh mại thân táng phụ: Nhà nghèo, Đổng Vĩnh bán thân mình để lấy tiền mua quan quách làm tang lễ cho cha.

13. Mệnh Tông khóc trúc sinh duẩn: Mẹ thèm ăn măng về mùa đông, Mệnh Tông khóc bên khóm trúc, trúc thương tình nẩy măng trái mùa, đáp lại lòng hiếu của con trẻ.

14. Đinh Lan khắc mộc sự thân: Đinh Lan lấy gỗ làm tượng để phụng thờ cha mẹ.

15. Dương Hương đả hổ cứu phụ: Dương Hương đánh hổ cứu cha, quên cả hiểm nguy cho thân mình.

16. Sái Thuận thập tham cúng thân: Sái Thuận nài xin bọn cướp để đem cơm về cho cha mẹ, rồi đến nộp mạng. Bọn cướp động lòng tha về và cho của để nuôi bố mẹ.

17. Giang Cách hành dung cúng mẫu: Giang Cách vừa cõng mẹ chạy giặc vừa xin ăn để nuôi mẹ.

18. Lục Tích hoài quất dị thân: Trên tiệc rượu cao sang, Lục Tích không quên mẹ, giấu quả quất đem về cho mẹ.

19. Chu Thọ Xương khí quan cầu mẫu: Chu Thọ Xương từ quan tước đi tìm mẹ.

20. Thôi Thị nhũ cô bất tức: Nàng Thôi Thị lấy sữa mình để nuôi mẹ chồng. 21. Hoàng Đình Kiên đích thân niệu khí: Dù là quan, Hoàng Đình Kiên vẫn tự mình đổ phân cho bố, săn sóc tận tình cha mẹ già.

22. Kiên Lân thưởng dược phân ưu: Kiên Lân nếm thuốc giải nỗi lo cho cha mẹ trước khi dâng thuốc.

23. Vương Trường ngọa băng cân lý: Vương Trường nằm trên băng tuyết để câu cá về cho thỏa lòng muốn ăn cá của cha mẹ.

24. Khương Thị dũng tuyền dược lý: Vợ chồng Khương Thị tìm suối lấy nước, bắt cá nấu cháo nuôi mẹ về mùa đông.

Bộ tranh Nhị thập tứ hiếu đã nêu lên nhiều cách đối xử với cha mẹ, không cứ trong việc lớn hay nhỏ, không cứ người con mang thân phận là vua quan hay kẻ ăn mày, đều tùy cảnh mà làm tròn chữ hiếu. Hai mươi bốn tấm lòng hiếu nghĩa ấy tuy có xuất xứ từ thời cổ đại Trung Quốc trong thời kỳ kinh tế và văn hóa còn thấp kém nhưng là một tổng thể về nhân cách, có giá trị giáo dục đạo đức nhân cách, lòng hiếu thuận của người con đối với cha mẹ. Nhân cách ấy rất quan trọng đối với con người trong bất kỳ thời đại kinh tế nào, bất cứ trình độ học vấn ra sao để xây dựng một gia đình hạnh phúc, một xã hội văn minh.

Một phần của tài liệu luận văn Sự biến đổi văn hóa phố nghề ở Hàng Mã, Hàng Trống (Hà Nội) (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w