Kỹ thuật sản xuất

Một phần của tài liệu luận văn Sự biến đổi văn hóa phố nghề ở Hàng Mã, Hàng Trống (Hà Nội) (Trang 25 - 28)

1. Hàng mã ở phố Hàng Mã

1.2. Kỹ thuật sản xuất

Trước đây, người dân phố Hàng Mã chuyên làm các đồ mã nhỏ trong đó có các loại hoa giấy dùng để trang trí và để thờ cúng. Việc chuẩn bị nguyên vật liệu làm hoa giấy hết sức đơn giản, trước hết là việc chọn mua giấy màu. Bí quyết để làm được bông hoa giấy đẹp là phải chọn mua giấy màu có màu sắc tươi tắn, rực rỡ, chọn mua được càng nhiều màu thì bó hoa càng đẹp. Các loại giấy màu này thường được đặt mua với số lượng lớn từ Nam Định, giấy màu xanh dùng làm lá và cuốn cành còn giấy màu đỏ, màu hồng, màu điều… dùng làm nụ và cánh hoa. Ngoài giấy màu, để làm được hoa giấy thì không thể thiếu các nguyên vật liệu khác như: nứa cây chẻ nhỏ, dây thép để làm cành hoa, hồ dán, dao sắc để chẻ nan và kéo để cắt giấy làm lá và hoa và đặc biệt là đôi bàn tay khéo léo của người thợ.

Khi đã có đủ nguyên vật liệu cần thiết, người thợ bắt tay vào thực hiện các công đoạn làm làm cành, lá và cánh hoa. Để làm cành, người thợ chẻ cây nứa ra thành nhiều nan nhỏ có độ dài bằng nhau (khoảng 40 cm) và vót nhẵn các nan, sau đó họ đem đi nhuộm màu xanh lá cây, xanh lục cho các cành nứa này. Cũng có những hộ gia đình không nhuộm màu mà quấn giấy màu xanh lục quanh thân của nan nứa, với cách làm này, cành hoa

trông giống thật hơn. Sau khi đã có cành, người thợ tiếp tục dùng giấy màu xanh lá cây để cắt lá. Lá cây được cắt hàng loạt, có những nhà cẩn thận còn tỉa thêm răng cưa để tăng thêm phần sinh động cho chiếc lá.

Nụ và hoa được cắt từ giấy màu hồng, màu đỏ hoặc màu điều, đây là những màu cơ bản giúp cho bông hoa giấy thêm rực rỡ. Hoa được ghép từ nhiều cánh giấy cùng màu, đơn giản thì người ta chỉ cắt cánh hoa rồi xếp chồng các cánh lên nhau, xỏ dây thép qua để làm cuống hoa và nhụy hoa. Muốn đẹp hơn, người ta gập giấy thành từng gợn sóng nhỏ, xếp chồng lên nhau rồi mới đem đi cắt và xỏ dây thép làm cuống và nhụy. Công đoạn cuối cùng để hoàn thành bông hoa là đính lá và nụ hoa lên trên cành bằng hồ dán. Một cành có thể có một, hoặc ba bông hoa tùy thuộc vào cách bố trí của người thợ. Riêng đối với hoa thờ, cánh hoa thường làm to hơn, có thể điểm xen kẽ cả những hoa làm bằng giấy trang kim để bông hoa vừa có màu sắc rực rỡ lại vừa thêm phần tôn nghiêm.

Hiện nay, nghề làm hoa giấy ở Hàng Mã đã không còn và kỹ thuật làm hoa giấy trước đây dường như bị lãng quên. Thay vào đó là các loại hoa được làm bằng giấy trang kim, những cành vàng lá ngọc được nhập về từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các mặt hàng mã phục vụ cho nhu cầu tâm linh được nhập ở hai nguồn chính là làng Cót (Yên Hòa – Cầu Giấy) và làng Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh).

Làng Đông Hồ vốn nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian, nhưng do xu thế phát triển của xã hội, nghề tranh đã không còn tồn tại được, thay vào đó, nghề làm vàng mã đã đem lại thu nhập chính cho các gia đình nơi đây. Ở làng Đông Hồ, cứ vào khoảng cuối tháng 6 dương lịch hàng năm, cả làng lại bắt tay vào làm hàng cho rằm tháng bảy và rằm tháng tám. Thanh niên, ông già, bà lão, trẻ con đều có thể tham gia làm hàng. Vào những dịp này, có khi các gia đình làm nghề còn phải huy động thêm lực lượng lao động làm thuê ở nhiều xã khác mới cung cấp đủ lượng hàng xuất đi các tỉnh trong cả nước.

Làng nghề hiện nay cũng đạt được mức độ chuyên môn hóa cao. Cả làng Đông Hồ đều làm hàng mã nhưng không nhà nào phạm đến “đất” của nhà nào, nhà thì chuyên làm quần áo; nhà thì chuyên làm bát đĩa, ấm chén; nhà làm nón, mũ bảo hiểm; nhà làm ô tô, xe máy, xe đạp, nhà làm hình nhân, ngựa lọng. Ngay cả nguồn nguyên liệu như: Giấy bồi, giấy trắng, giấy quét màu, giấy sơn, khung tre nứa… cũng có nhà cung cấp chuyên biệt.

Ở làng Đông Hồ, người ta sản xuất chính vào ban đêm, ban ngày, lao động chính trong nhà vẫn ra đồng và với bất cứ gia đình nào – ngay cả đại lý bán vàng mã – thì việc làm hàng mã cũng chỉ là một nghề phụ để thêm chi tiêu trong gia đình và lo cho con cái đi học. Tuy nhiên, trên thực tế, nghề làm hàng mã đem lại thu nhập khá và cuộc sống ổn định cho người dân làng Đông Hồ nhiều năm nay.

Làng Cót thì lại được coi là trung tâm của tiền Âm phủ. Tại đây, họ không chỉ làm công việc in mà còn kiêm luôn cả việc sản xuất ra giấy để in tiền âm phủ. Kỹ thuật làm giấy ở đây vẫn còn rất thô sơ, từ chiếc máy cán giấy, những tờ giấy bản màu trắng đục đều đặn được in ra, rồi được đem ra phơi khô trước khi in. Việc in cũng mang tính chất thủ công không kém việc làm giấy. Mẫu tiền được thuê vẽ bởi các họa sĩ ở Hà Nội, sau khi đã có mẫu, họ đem về cho thợ chuyên môn trong làng làm khuôn bằng đồng rồi đặt vào máy in. Cứ hai người một máy, một người in còn một người lấy những tờ đã in xong ra khỏi khuôn cho khỏi bị lem. Công đoạn cuối cùng là cắt xén cho kích cỡ tiền đều nhau. Họ dùng những dao xén giấy lớn, có vô lăng quay tay, cắt từng xấp tiền rất dày và bó lại thành từng bó lớn.

Tiền Âm phủ cũng rất phong phú, có cả tiền vàng, tiền Việt Nam, đô la Mỹ, nhân dân tệ của Trung Quốc với nhiều mệnh giá khác nhau. Chất lượng giấy in tiền cũng được phân chia ra nhiều loại, các loại giấy xấu, xỉn màu và mủn hơn thường được tiêu thụ ở các tỉnh trung du, miền núi, riêng Hà Nội và một số thành phố lớn thì tiền Âm phủ có chất lượng tương đối tốt, giấy sáng màu, in cũng rõ nét hơn.

Bên cạnh việc in tiền âm phủ, làng Cót cũng là nơi sản xuất nhiều mặt hàng mã như: nhà cửa, xe máy, ô tô, hình nhân… Nghề làm vàng mã đã làm giàu cho nhân dân làng Cót.

Như vậy, có thể thấy từ nhiều năm trước, khi mà nền kinh tế của nước ta còn trong giai đoạn khó khăn thì việc sản xuất hàng mã chủ yếu mang tính thủ công, do bàn tay khéo léo của người thợ làm nên, và sản phẩm hàng mã cũng hết sức đơn giản. Nghề làm hàng mã cũng đã trải qua những giai đoạn bấp bênh nhưng chưa bao giờ mất bởi nước ta có truyền thống thờ cúng tổ tiên từ ngàn xưa. Và cho đến những năm gần đây, hoạt động sản xuất hàng mã ngày càng sôi động trở lại. Tính chất của việc sản xuất cũng thay đổi, ngày càng chuyên môn hóa cao và kỹ thuật sản xuất có sự kết hợp giữa hình thức truyền thống và hiện đại. Với những người sản xuất hàng mã thì hàng hóa của họ không bao giờ sợ ế thừa hay không tiêu thụ được bởi vì ở bất cứ đâu, người mua cũng luôn luôn có nhu cầu trong việc cúng bái, giỗ chạp, ma chay.

Một phần của tài liệu luận văn Sự biến đổi văn hóa phố nghề ở Hàng Mã, Hàng Trống (Hà Nội) (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w