Hình thức – phương thức kinh doanh

Một phần của tài liệu luận văn Sự biến đổi văn hóa phố nghề ở Hàng Mã, Hàng Trống (Hà Nội) (Trang 55 - 60)

- Tranh sinh hoạt

1. Phố Hàng Mã

1.2. Hình thức – phương thức kinh doanh

Hình thức kinh doanh là “bề mặt ngoài của hoạt động kinh doanh, là

những đặc điểm chứa đựng hoặc biểu hiện việc trao đổi, buôn bán hàng hóa” [27;442].

Phương thức kinh doanh là cách thức, phương pháp tổ chức kinh doanh buôn bán hàng hóa một cách tốt nhất nhằm tạo sự lưu thông hàng hóa trên thị trường một cách nhanh chóng và đem lại lợi nhuận tốt nhất cho người kinh doanh.

Theo khảo sát đối với 20 hộ kinh doanh hàng mã trên phố Hàng Mã, những cửa hàng này thì từ xưa đến nay vẫn tồn tại hai hình thức kinh doanh chính là bán buôn và bán lẻ đối với tất cả các mặt hàng. Tuy ở Hàng Mã hiện nay các gia đình không tự sản xuất hàng mã nữa nhưng họ

vẫn có những nguồn nhập hàng tương đối lớn đó là: Làng Cót (Cầu Giấy - Hà Nội), làng Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh), và hàng nhập từ Trung Quốc. Trong đó, làng Cót chuyên cung cấp các loại tiền, vàng, đôla âm phủ, làng Đông Hồ cung cấp quần áo, xe hơi, đồ dùng sinh hoạt cho người cõi âm, còn hàng Trung Quốc chủ yếu là đồ chơi, đồ điện tử cho trẻ em, đèn lồng và đồ trang trí.

Hàng ngày, ở phố Hàng Mã có nhiều xe thồ nhỏ đến mua buôn hàng

mã về bán ở khắp các tỉnh. Những người này thường mua buôn về bán lẻ, đặt mối ở các cửa hàng nhỏ gần nơi họ sinh sống. Ưu điểm của hình thức bán buôn đó là bán được cùng lúc một số lượng hàng lớn, bán hàng theo lô. Nhưng mặt khác, bán buôn hàng thường là bán cho các mối quen nên đôi khi người mua hàng chỉ đặt cọc một số tiền nhất định để lấy hàng. Giá bán buôn cũng thấp hơn giá bán lẻ, lợi nhuận của việc bán buôn tính theo số lượng của từng lô hàng hóa. Bên cạnh việc bán buôn cho những người chủ yếu ở ngoại tỉnh thì các cửa hàng bán hàng mã đa phần bán lẻ cho khách hàng trong thành phố Hà Nội. Giá bán lẻ của các cửa hàng gần như tương đương nhau, chênh lệch trên dưới 1000 đồng/ sản phẩm. Hình thức bán lẻ có ưu điểm là người bán có thể nâng giá của mặt hàng lên cao tùy thuộc vào đối tượng mua hàng, lợi nhuận tính theo từng mặt hàng cụ thể. Tuy nhiên, bán lẻ có nhược điểm là chậm thu lãi, hàng bán mang tính thời vụ. Chính vì vậy, việc kết hợp hai hình thức bán buôn và bán lẻ giúp người kinh doanh thu được lợi nhuận tối đa.

Về giá cả các mặt hàng, các hộ kinh doanh trên phố Hàng Mã thường nhập hàng ở các mối quen với số lượng lớn, giá thành rẻ. Đối với mỗi mặt hàng mã bán lẻ trên thị trường, họ được lãi ít nhấp là gấp ba lần, chẳng hạn như giá nhập một bộ quần áo cho người cõi âm là 3000 đồng/bộ, một cây rừng cho người nặng căn kiếp giá 12.000 đồng/cây, hình nhân cho những nam thanh nữ tú còn vướng tiền duyên giá 4.000 đồng/hình nhân…Những

hàng này khi về tới Hàng Mã bán lẻ có giá như sau: bộ quần áo có giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/bộ, cây rừng giá 100.000 đến 200.000 đồng/ cây và một hình nhân giá 80.000 đồng. Tuy nhiên, cũng tùy đối tượng khách mua mà chủ cửa hàng có thể nói tăng lên hoặc bớt đi giá thành của mặt hàng. Đối với khách quen, giá có giảm đi một chút.

Riêng đối với các loại hàng mã đặc biệt, làm theo yêu cầu của khách hàng thì giá cả tùy thuộc vào sự đơn giản hay phức tạp trong cách làm mà món hàng đó có giá cao hay thấp. Ví như một chiếc xe máy Dream II kích cỡ như thật có giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng, một nhà lầu trệt giá trên một triệu, một biệt thự từ 2 đến 2,5 triệu đồng, một hình nhân kích cỡ như người thật có giá 400.000 đồng…

Về phương thức kinh doanh, mỗi cửa hàng lại có những phương thức riêng để thu hút sức mua khách hàng. Tùy từng thời điểm mà phương thức kinh doanh có thể linh hoạt thay đổi. Thời bao cấp, khi mà mọi thứ đều được phân phối bằng tem phiếu, cuộc sống của người dân còn vất vả, phải lo từng bữa cơm thì những nhu cầu về mặt tinh thần của người dân chưa nhiều. Bên cạnh đó, chính sách bài trừ mê tín dị đoan của Đảng và Nhà nước đã kìm hãm sự phát triển của mặt hàng mã.

Hiện nay, trong thời buổi kinh tế thị trường, phương thức kinh doanh ngày càng có vai trò to lớn, giúp cho người kinh doanh bán được nhiều hàng hóa hơn, lợi nhuận thu về nhiều hơn cũng như quyết định việc đặt mối quan hệ lâu dài với khách. Chính vì vậy, mỗi cửa hàng đều chọn cho mình một phương thức kinh doanh riêng biệt.

Với tiêu chí khách hàng là thượng đế, chất lượng tốt, giá cả phải chăng, lấy số lượng để tăng lợi nhuận, các cửa hàng kinh doanh luôn cố gắng đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của khách, đây chính là phương thức kinh doanh lấy chữ tín làm đầu. Qua cuộc khảo sát thị trường hàng mã những ngày giáp Tết 2009 tại phố Hàng Mã, người viết nhận thấy những

khách hàng sống ở tại phố Hàng Mã và khu vực xung quanh phố Hàng Mã đều rất thích mua hàng ở số nhà 21. Tại đây, đơn cử như bộ sản phẩm quần áo mũ ông Công, ông Táo cỡ trung và cỡ lớn loại đẹp có giá 70.000 đồng/bộ, cỡ nhỏ loại đẹp giá 45.000 đến 50.000 đồng/bộ, trong khi giá bán ở các cửa hàng khác cũng tương đương như vậy mà mẫu mã lại không đẹp bằng. Khi được hỏi nguyên do vì sao lại chọn mua hàng mã ở số nhà 21, cô Nguyễn Thị Quý (Số nhà 82 Hàng Mã) cho hay: “Mỗi năm chỉ có một lần

nên tôi muốn chọn mua loại đẹp nhất. Tôi cũng giới thiệu cửa hàng này cho bạn bè nữa”. Chị Oanh, chủ của hàng cho biết: “Cửa hàng tôi lấy uy tín làm đầu nên chúng tôi luôn đặt những hàng tốt nhất mà giá bán các mặt hàng này lại tương đương so với các cửa hàng khác”. Như vậy, nhà chị Oanh đã sử dụng phương thức kinh doanh với tiêu chí lấy chất lượng tốt, giá thành hợp lý để thu hút khách hàng. Đối với mỗi sản phẩm bán ra, lãi có thể không nhiều như các cửa hàng khác, nhưng với số lượng hàng bán ra nhiều hơn gấp đôi những của hàng trong cùng khu phố thì đây chính là phương thức kinh doanh mang lại lợi nhuận cao cho hộ kinh doanh.

Gia đình chị Oanh cũng là hộ duy nhất trên phố Hàng Mã còn kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh hàng mã. Việc kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh của gia đình có một số mặt thuận lợi: Trước hết, việc làm này giúp bảo lưu được những nét văn hóa truyền thống của nghề làm hàng mã (mặc dù hiện nay hoạt động sản xuất của gia đình đã có sự kết hợp giữa sản xuất thủ công và máy móc); tiếp nữa, việc tự sản xuất sẽ giúp cho cửa hàng có những sản phẩm mang đặc trưng riêng biệt, không giống với đa phần hàng hóa bán trên thị trường; mặt khác, cửa hàng có thể trở thành nguồn cung cấp hàng cho chính các hộ kinh doanh trên cùng phố nghề. Tuy nhiên, việc kết hợp sản xuất và kinh doanh cũng có một số hạn chế, cơ sở sản xuất và kinh doanh xa nhau, do vậy cần phải chi thêm một khoản tiền chi phí cho việc đi lại; thêm nữa cần thuê nhân công, những thợ thủ công lành nghề

phục vụ cho việc sản xuất; nguồn nguyên liệu cũng phải được cung cấp thường xuyên và đầy đủ để duy trì việc sản xuất. Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù việc kết hợp giữa sản xuất và kinh doanh hiện nay khiến cho chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh phải quản lý thêm nhiều khâu nhưng họ cũng thu lại được nhiều lợi nhuận hơn.

Bên cạnh phương thức kinh doanh lấy uy tín chất lượng làm đầu, cũng có một số cửa hàng sử dụng các phương thức kinh doanh khác như: Phương thức kinh doanh “chụp giật”, coi lợi nhuận là trên hết, mua rẻ bán đắt, lợi dụng niềm tin tâm linh của khách hàng để bán những mặt hàng có chất lượng kém, và vì là mặt hàng phục vụ tâm linh nên dễ rơi vào tình trạng “buôn thần, bán thánh”... Phương thức kinh doanh “chụp giật” này thường áp dụng với những khách chỉ mua một lần. Với phương thức này, chủ cửa hàng có thể thu được lợi nhuận cao hơn gấp 5, 6 thậm chí mười lần so với giá nhập hàng. Tuy nhiên, việc “buôn gian bán lận” này chỉ giúp cho chủ hàng thu được lợi nhuận một lần từ khách mua hàng. Mặt khác, chủ hàng cũng không thể dùng phương thức này làm phương thức kinh doanh chính cho cửa hàng được bởi khách hàng sẽ không bao giờ quay lại lần thứ hai.

Đối với những hàng chất lượng kém, giá rẻ, việc tiêu thụ ở thành phố tương đối khó khăn, chủ hàng có thể xuất đi các tỉnh, nơi có yêu cầu về chất lượng cũng như mẫu mã chưa cao để bán hàng, với hình thức kinh doanh này, chủ hàng vẫn thu được nguồn lợi nhuận nhất định.

Mặc dù hiện nay, phương thức kinh doanh ngày càng phong phú, nhưng các hộ gia đình kinh doanh hàng mã trên phố Hàng Mã không sử dụng duy nhất một phương thức kinh doanh nào. Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng mà họ có những phương thức kinh doanh riêng: đối với khách hàng quen thì phương thức chủ yếu vẫn là lấy uy tín, chất lượng làm đầu; đối với khách mua một lần, phương thức chính là “chụp giật”. Tuy nhiên,

tất cả các phương thức kinh doanh này đều hướng vào mục đích thu lợi nhuận cao nhất cho người bán hàng.

Một phần của tài liệu luận văn Sự biến đổi văn hóa phố nghề ở Hàng Mã, Hàng Trống (Hà Nội) (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w