hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam.
Năm 1986 diễn ra sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của toàn Đảng, toàn dân: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986). Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới nhiều mặt, bao gồm đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức - cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác. Đại hội đã nhìn thẳng vào sự thật, những yếu kém tồn đọng trong những năm qua để đưa ra phương hướng nhằm khắc phục khó khăn từng bước đưa nền kinh tế của nước nhà đi lên và phát triển.
Đại hội đề ra chủ trương đổi mới kinh tế: Trước mắt, tập trung đẩy mạnh ba chương trình kinh tế lớn: sản xuất lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; kiên quyết xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý mới, chuyển sang thực hiện cơ chế có hạch toán; áp dụng những biện pháp kích thích sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hoá, xoá bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ, chia cắt thị trường; lập lại trật tự, kỷ cương; ổn định chính trị - xã hội, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Tại Đại hội lần này, nông nghiệp đã được khẳng định ở vị trí hàng đầu bằng việc triển khai ba chương trình kinh tế lớn với mục tiêu: Về lương thực, thực phẩm là phải đủ ăn, có dự trữ, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về lương thực, thực phẩm của nhân dân và đảm bảo tái sản xuất sức lao động. Hàng tiêu dùng phải đáp ứng nhu cầu bình thường của nhân dân. Hàng xuất khẩu phải tạo ra những mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Trước thềm Đại hội VI của Đảng, từ ngày 17 đến 23 tháng 10 năm 1986, Đại hội đại biểu lần thứ X Đảng bộ Hà Nội được tiến hành. Nghị quyết Đại hội cũng khẳng định, trong khi thực hiện 6 mục tiêu lớn trước mắt về phát triển kinh tế- xã hội, trước tiên thành phố phải “tập trung giải quyết việc làm cho người lao động và những yêu cầu cấp bách về đời sống, đặc biệt là những nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm và chất đốt phục vụ bữa ăn của nhân dân”[3,615].
Tháng 4 năm 1988, Thành uỷ Hà Nội họp phiên thứ 8 (từ 12 đến 14/4/1988) quyết định phương hướng, biện pháp cấp bách thực hiện các chương trình kinh tế lớn của Thủ đô, giải quyết vấn đề lương thực của thành phố. Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về những vấn đề cơ bản:
- Đẩy mạnh chương trình lương thực và thực phẩm bằng các biện pháp: bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng, mở rộng vụ đông, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện chế độ khoán đến hộ và xã viên, nhanh chóng chuyển hoạt động các công ty lương thực, thực phẩm, các doanh nghiệp quốc doanh nông nghiệp sang hoạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
- Thực hiện các giải pháp phát triển mạnh sản xuất hàng tiêu dùng; chú trọng đầu tư chiều sâu, sắp xếp lại tổ chức sản xuất, tập trung giải quyết những vướng mắc về chính sách thuế, giá, vật tư,...nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất của các thành phần kinh tế trong sản xuất hàng tiêu dùng.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình kinh tế đối ngoại; tạo nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, coi trọng xuất khẩu tại chỗ,..
- Giải quyết vấn đề lương thực của thành phố theo hướng chủ động thực hiện nguyên tắc kinh doanh xã hội chủ nghĩa, bằng các biện pháp tổng hợp: đẩy mạnh sản xuất lương thực ở các huyện ngoại thành; liên kết với một số tỉnh có tiềm năng lớn về lương thực; phát triển mạnh hàng xuất
khẩu để nhập khẩu một phần lương thực, nhằm tạo điều kiện ổn định việc cung ứng lương thực cho nhân dân thủ đô.[9]
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Thành uỷ, từ ngày 25
đến 29-9-1986, diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ huyện Từ Liêm. Đại hội đã thẳng thắn kiểm điểm, đánh giá yếu kém trong nhiệm kỳ qua, rút ra những kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo của Đảng bộ, từ đó đề ra phương hướng chung là: Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân,
xây dựng huyện nông - công nghiệp; trong một số năm trước mắt nông nghiệp giữ vị trí hàng đầu, mở rộng vành đai thực phẩm, phát triển hàng nông sản xuất khẩu, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả và cây dược liệu; phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò, gia cầm và cá; đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, để đến năm 1990 , xây dựng huyện công - nông nghiệp.
Nhằm đưa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Từ Liêm vào cuộc sống, năm 1987, Huyện uỷ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 3 chương trình kinh tế: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; củng cố các doanh nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tháo gỡ những khó khăn về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Đảng bộ đã ra Nghị quyết số 04/NQ- HU(ngày 13/1/1987) để cụ thể hoá việc chỉ đạo thực hiện 3 chương trình kinh tế:
Về sản xuất lương thực, thực phẩm:
- Trồng trọt: Phát triển lương thực theo hướng thâm canh đưa năng suất lúa, tăng tỷ trọng mầu, mở rộng diện tích ngô đông. Bên cạnh đó, phát triển cây rau theo hướng thâm canh tăng vụ, có kế hoạch giải vụ để chống giáp vụ, tăng tỷ lệ rau cao cấp. Phải đảm bảo chống úng, hạn, phân bón, làm đất kịp thời vụ, tăng cường làm đất bằng cơ giới; phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Riêng cây rau tháo gỡ khó khăn bằng 2
cách: HTX trực tiếp đưa rau vào bán trong thành phố và ký hợp đồng 2 chiều với công ty Huyện.
- Chăn nuôi: đẩy mạnh chăn nuôi để chủ động đáp ứng nhu cầu của thành phố, cung ứng trên địa bàn Huyện và dành một phần cho xuất khẩu, chủ động nguồn thức ăn, thành lập công ty chăn nuôi của Huyện, lập Ban quản lý chăn nuôi ở HTX, lập hội những người chăn nuôi. Xây dựng quỹ thức ăn của Huyện; xí nghiệp chăn nuôi Huyện đảm bảo một phần khai thác và chế biến thức ăn tinh và nuôi lợn nái thuần chủng.
Về phát triển hàng tiêu dùng: theo hướng mở rộng tiểu thủ công nghiệp kể cả thủ công nghiệp chuyên nghiệp, thủ công trong nông nghiệp, thủ công gia đình, và cá thể, làm thêm nhiều mặt hàng mới kể cả dịch vụ và chế biến. Vừa mở rộng sản xuất những mặt hàng gia công vừa sản xuất những mặt hàng bằng nguyên liệu trong nước; có biện pháp khuyến khích khai thác nguyên liệu.
Về phát triển mạnh các mặt hàng xuất khẩu: gắn sản xuất với kinh doanh, có chính sách khuyến khích người sản xuất để nhanh chóng có nguồn hàng nông sản, hàng thủ công xuất khẩu như: lạc, ớt, tinh dầu, hoa,... Các HTX phân vùng làm hàng xuất khẩu thực hiện kịp thời kế hoạch sản xuất hàng nông sản.
Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng 7 chương trình và đề án kinh tế: phát triển cây lương thực; chăn nuôi; sản xuất và thu mua rau, hoa; phát triển cây hương nhu, bạc hà; cây ăn quả; xuất nhập khẩu và phương án kinh tế kỹ thuật xây dựng đội sản xuất kinh tế mới Tân Phong.
Phát huy vai trò sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, huyện đầu tư 5,5 triệu đồng cho các công trình thuỷ lợi, phòng chống bão lụt, đặc biệt là hệ thống tiêu úng Xuân La, Nghĩa Đô. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Phòng Thuỷ lợi tập trung giúp các hợp tác xã thiết
ở 3 xã: Xuân Phương, Tây Mỗ, Trung Văn; cải tạo hệ thống mương kênh
(24.000m3). Xí nghiệp Thuỷ nông triển khai phương án đưa nước kịp thời
phục vụ mỗi vụ 3.500ha, các trạm bơm được đầu tư máy có công suất cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nắp bơm chân không vừa tiết kiệm điện, giảm được công lao động mồi nước, đỡ hàng nghìn ngày công cho các hợp tác xã. Xí nghiệp cơ giới nông nghiệp tập trung 22 đầu máy thực hiện kế hoạch đẩy nhanh tiến độ cày bừa, đưa tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất lên 38,3% diện tích. Một số hợp tác xã có tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất tới 60 - 70%, như: Minh Khai, Tây Mỗ, Trung Hoà, Thượng Cát, Phú Thượng, Xuân La, v.v. Công ty Bảo vệ cây trồng cung cấp cho các hợp tác xã hàng chục tấn thuốc trừ sâu, hàng chục tấn thóc giống, nhiều tấn hạt rau. Có 12 hợp tác xã ký kết hợp đồng với Công ty Bảo vệ cây trồng phục vụ sản xuất mỗi vụ 1173ha. Phòng Nông nghiệp huyện tập trung hướng dẫn các hợp tác xã định lịch gieo cấy các vụ, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn bố trí lại cơ cấu giống lúa thích hợp nhất là CR203, NN8. Công ty Vật tư huyện khai thác nguồn hàng phục vụ nông nghiệp, v.v. Khi thời vụ đến, Ban Thường vụ, các đồng chí Huyện uỷ viên phụ trách xã, Thường trực uỷ ban và các ngành thường xuyên nắm tình hình hàng tuần, có biện pháp tích cực để giải quyết khi khó khăn.
Để hoàn thành chỉ tiêu trong sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo phát động phong trào “lấy mùa bù xuân”, mở rộng vùng trồng ngô sang chân 2 vụ lúa, trồng các loại khoai (khoai tây, khoai lang), rau vụ đông, đẩy mạnh chăn nuôi. Huyện thực hiện các biện pháp hỗ trợ: trích quỹ 300 tấn thóc bằng tiền làm dịch vụ cho các xã, 260 tấn urê để đổi thóc nếp và bán hỗ trợ trồng ngô vụ đông. Do đó, diện tích cây vụ đông tăng 635,5ha so với năm 1986. Một số xã chuyển hướng mạnh về trồng cây vụ đông, như: Xuân Phương, Phú Minh. Thượng Cát, Liên Mạc, Mỹ Đình, Thụy Phương và Tây Tựu, v.v.
Chương trình phát triển trồng cây ăn quả, rau, trồng cây hương nhu theo quy mô rộng lớn được tập trung chỉ đạo. Huyện chủ trương tận dụng các loại đất để mở rộng diện tích, lập đội bảo vệ thực vật và đội chuyên giống ở tất cả các hợp tác xã; thành lập Hội Làm vườn và Ban chỉ đạo trồng cây hương nhu xuất khẩu từ huyện đến cơ sở, kết hợp điều chỉnh chính sách phù hợp cho người trồng cây hương nhu. Song, do mức đầu tư còn hạn chế, sự ủng hộ của các ngành ở thành phố chưa cao nên bước đầu huyện mới quy hoạch xong 100ha rau, hương nhu - "Vườn quả thanh niên". Với phương châm tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu, tập trung các mặt hàng truyền thống có thế mạnh của địa phương, đảm bảo nhập những mặt hàng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất, nhất là phục vụ phát triển nông nghiệp, huyện đã khôi phục xuất khẩu hoa tươi (đạt 34.000 bông hoa loa kèn), mở rộng hàng xuất khẩu có phẩm chất và gia trị cao như: cốm, cây cảnh, sản phẩm cói,... Giá trị xuất khẩu năm 1988 đạt 2 tỷ 859 triệu đồng, bằng 475% so với năm 1987. Huyện tập trung dùng quỹ ngoại tệ nhập vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng: phân đạm 1.100 tấn đạt trên 122,5% kế hoạch, thuốc trừ sâu 14 tấn đạt 140% kế hoạch,...[76]
Mặc dù đạt được những thành quả nhất định, tuy nhiên, sau Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ huyện, mặt trận sản xuất nông nghiệp xuất hiện những diễn biến phức tạp, có nhiều mặt sa sút so với thời kỳ năm 1981 - 1985. Năng suất lúa cả năm 1986 đạt 66,8 tạ/ha giảm 10,2 tạ/ha so với năm 1985; năm 1987, năng suất lúa tiếp tục giảm chỉ đạt 61,1 tạ/ha. Do đó, lương thực bình quân nhân khẩu giảm: Vụ chiêm xuân năm 1987 công lương thực đạt 1,13kg/công, thóc bình quân nhân khẩu chỉ đạt 8,9 kg/tháng giảm 3,6kg so với năm 1980, giảm 6,3 kg so với năm 1985. Trong khi đó, diễn ra cơn sốt về lương thực, tình trạng thiếu đói giáp vụ năm 1987 làm cho 6.123 lượt hộ phải cứu đói Nông nghiệp và nông thôn lâm vào cảnh khủng hoảng kinh tế.[2,242] Có tình trạng như vậy là do:
Một là, thời tiết năm 1986 - 1987 không thuận, đầu năm 1986 diễn ra đợt rét đậm kéo dài, tiếp đó là đợt mưa lũ lớn tháng 7-1986, cơn bão số 5 tháng 9-1986 gây nhiều thiệt hại. Sang năm 1987, hạn hán và nạn sâu rầy đã gây hậu quả lớn cho sản xuất nông nghiệp; những khó khăn trong sản xuất rau chưa được tập trung giải quyết nên có xu hướng giảm sút, chỉ còn 87% so với cùng kỳ năm 1987, nhất là rau cao cấp giảm mạnh; đàn lợn giảm, chỉ bằng 84% so với cùng kỳ năm 1987.
Hai là, đến thời kỳ này, cơ chế Khoán 100 đã bộc lộ ngày càng rõ những nhược điểm và bất cập, xã viên chỉ làm chủ 3/8 khâu, 5 khâu do hợp tác xã đảm nhận thường không đáp ứng kịp thời, dẫn đến tình trạng "khoán trắng"; vẫn lấy công điểm làm tiêu chuẩn, dẫn đến dong công phóng điểm, nhất là những khâu hợp tác xã điều hành, làm tăng chi phí, tăng mức đóng góp của xã viên; giá trị ngày công và thu nhập của xã viên giảm sút, một số nơi xã viên trả ruộng nhận khoán; thêm vào đó, tệ quan liêu, lãng phí, v.v. làm xã viên giảm lòng tin với hợp tác xã. Đặc biệt ở hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp, tình trạng xã viên nợ sản phẩm, hợp tác xã nợ xã viên bằng sản phẩm vẫn diễn ra càng trầm trọng.
Ba là, hậu quả của đợt cải cách giá - lương - tiền đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Năm 1986, giá lương thực tuy có tăng 5,5 lần, nhưng giá vật tư lại tăng gấp gần 9 lần so với năm 1985.