Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đại hội VII của Đảng (6/1991)

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế tư nhân 1991 2004 (Trang 25 - 30)

của Đảng (6/1991)

Trong 5 năm đầu đổi mới (1986-1990), Nghị quyết Đại hội VI và các Nghị quyết Trung ương sau đó được thực thi, thể hiện sức mạnh trí tuệ của Đảng và khả năng cách mạng của quần chúng. Nhưng nền kinh tế nước ta vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Chính sách cấm vận của Mỹ và sự sụp đổ của Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu làm nước ta mất nhiều thị trường, thu hẹp nhiều mối quan hệ kinh tế.

Công cuộc đổi mới đất nước, mà thực chất là đổi mới để phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, một mặt phải tập trung xây dựng một cơ cấu kinh tế thích hợp, phát huy được hiệu quả của đường lối, mặt khác cũng phải kiên trì giải quyết những trì trệ, cản trở là sản phẩm của lề thói tư duy cũ.

Đó là những khó khăn từ bên ngoài. Về mặt nội tại, bản thân đường lối chủ trương cũng luôn phải bổ sung, bổ chính lại để tự hoàn thịên.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng họp nội bộ từ ngày 17 đến ngày 22/6/1991, họp công khai từ ngày 24 đến 27/6/1991 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho trên hai triệu đảng viên cả nước. Có các đoàn đại biểu và khách quốc tế đến tham dự. Tại Đại hội, Đồng chí Nguyễn Văn Linh Tổng Bí thư Ban Chấp hàng Trung ương Đảng đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương và các văn kiện Đại hội VII. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000, Báo cáo chính trị, Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá VI. Đại hội đã bầu 146 đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương khoá VII, Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công được giao trọng trách là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương.

Đại hội VII của Đảng là “Đại hội của trí tuệ - đổi mới, dân chủ – kỷ cương - đoàn kết”. Đại hội đã hoạch định con đường qúa độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm của Việt Nam và những giải pháp đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đại hội đã củng cố thêm niềm tin tưởng của nhân dân đối với công cuộc đổi mới.

Đại hội VII (6-1991) đã kế thừa và phát triển đường lối đổi mới của Đại hội VI.

Thực tiễn cho thấy, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần phải đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế – xã hội. Đổi mới nền kinh tế, chuyển nền kinh tế mang nặng tính tự cấp tự túc và cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là hoàn toàn cần thiết để giải phóng và phát huy được các tiềm năng sản xuất trong xã hội. Song bản thân nền kinh tế thị trường không phải là liều thuốc vạn năng. Hơn nữa, cùng với sự kích thích sản xuất phát triển, kinh tế thị trường cũng là môi trường thuận lợi để nảy sinh và phát triển những loại tệ nạn xã hội. Để hạn chế và khắc phục những hậu quả tiêu cực ấy, giữ cho công cuộc đổi mới đúng hướng và phát huy bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, Nhà nước phải thực hiện tốt vai trò quản lý về kinh tế - xã hội bằng luật pháp, kế hoạch, chính sách.

Hơn 4 năm đưa Nghị quyết Đại hội VI vào cuộc sống là một quá trình thử nghiệm, từng bước cụ thể hoá, tổ chức thực hiện những định hướng lớn của nghị quyết Đại hội về chính sách đối với thành phần kinh tế tư nhân. Từ năm 1988 trở đi, các chủ trương, chính sách đối với kinh tế tư nhân bắt đầu mang lại kết quả rõ rệt, tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ những hạn chế.

Đại hội VII chủ trương: “Tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với những bước đi vững chắc, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm. Thực hiện nhất quán chính sách kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN” [20, 61].

Đại hội đã đi sâu vào việc hoạch định chính sách kinh tế: phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần cùng cơ chế vận hành của nó theo định hướng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với thành phần kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, Đại hội chủ trương phát triển mạnh kinh tế gia đình

bằng nhiều hình thức. Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước; trong đó kinh tế cá thể và tiểu chủ có phạm vi hoạt động tương đối rộng ở những nơi chưa có điều kiện tổ chức kinh tế tập thể, hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức. Sớm chấn chỉnh về tổ chức và công tác quản lý đối với các cơ sở công nghiệp, xây dựng, vận tải ngoài quốc doanh. Tổ chức từng bước việc thành lập các xí nghiệp, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, xây dựng thị trường chứng khoán khi có điều kiện [18, 275-276].

Đối với cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN, Đại hội nhấn mạnh đó là “Cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và công cụ khác” [20, 66]. Trong cơ chế đó, các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp, hợp tác và liên doanh tự nguyện; thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả; Nhà nước quản lý nền kinh tế nhằm định hướng, dẫn dắt các thành phần kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt chẽ và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế, đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội.

Đại hội VII thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội – một cương lĩnh có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Cương lĩnh xác định rõ “Phương hướng cơ bản” cần nắm vững để thực hiện thành công thời kỳ quá độ ở nước ta là: phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu. Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể

ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu.

Cương lĩnh nêu bật những định hướng lớn về chính sách kinh tế, trong đó, về kinh tế tư nhân được nhận định: Kinh tế cá thể còn có phạm vi tương đối lớn, từng bước đi vào con đường làm ăn hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh do pháp luật quy định. Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển mạnh nhưng không phải là một thành phần kinh tế độc lập. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng. Các tổ chức kinh tế tự chủ và liên kết, hợp tác và cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh. Và, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu lên cơ cấu kinh tế hiện đại, nền kinh tế quốc dân sẽ bao gồm nhiều ngành, nghề, nhiều quy mô, nhiều trình độ công nghệ.

Đại hội VII đề ra Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000 – một chiến lược được xây dựng theo các quan điểm phát triển: “Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp. Nền kinh tế có nhiều thành phần với nhiều dạng sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển có hiệu quả của nền sản xuất xã hội. Mọi đơn vị kinh tế, không phân biệt quan hệ sở hữu đều hoạt động theo cơ chế tự chủ kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh với nhau bình đẳng trước pháp luật” [18, 331].

Đại hội còn khẳng định: Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, không phân biệt đối xử, không tước đoạt tài sản hợp pháp, không gò ép tập thể hoá tư liệu sản xuất, không áp đặt hình thức kinh doanh, khuyến khích các hoạt động có lợi cho quốc kế dân sinh.

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế tư nhân 1991 2004 (Trang 25 - 30)