- Doanh nghiệp tư nhân Công ty TNHH
5. Về một số giải pháp
- Nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với 4 nhóm giải pháp nêu trong tờ trình, nhưng có một số ý kiến cho rằng 4 nhóm giải pháp còn thiên về hướng “xin - cho”, chưa mang tính cơ chế, chính sách.
Bộ Chính trị xin báo cáo như sau: tư tưởng chỉ đạo của 4 nhóm giải pháp đã nêu trong tờ trình là quán triệt quan điểm Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, cụ thể là:
+ Sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách nhằm xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm sự bình đẳng của kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận về vốn, đất đai, lao động, công nghệ, về thông tin, thị trường, trong sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.
+ Sửa đổi những quy định của luật pháp, chính sách chưa phù hợp với trình độ, quy mô kinh doanh, để kinh tế tư nhân có thể thụ hưởng được những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các ngành, vùng, các sản phẩm và dịch vụ ưu tiên hoặc khuyến khích phát triển, những hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phân biệt thnàh phần kinh tế.
Các giải pháp trong Đề án được xây dựng theo hướng này, không phải cơ chế “xin – cho”, nhưng thể hiện chưa thật rõ. Tiếp thu ý kiến của Trung
ương, Bộ Chính trị sẽ thể hiện rõ các quan điểm trên trong dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị không nên cấp đất cho doanh nghiệp của tư nhân. Về vấn đề này Bộ Chính trị xin báo cáo như sau: Quan điểm chung là việc giao, cho thuê đất đối với kinh tế tư nhân được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng đối với các thành phần kinh tế khác. Đối với đất ở của tư nhân đã cấp quyền sử dụng, đất đang được tư nhân dùng làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh do được chuyển nhượng lại một cách hợp pháp quyền sử dụng, hoặc được Nhà nước giao đã nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì kinh tế tư nhân được quyền tiếp tục sử dụng mà không phải nộp thêm tiền thuê đất cho Nhà nước khi dùng đất này vào sản xuất, kinh doanh. Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho giữ nguyên ý này trong Đề án trình Trung ương.
Về công tác phát triển Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, có ý kiến đề nghị cần tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và xác định rõ các phương thức lãnh đạo, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân.
Bộ Chính trị đồng ý với ý kiến đó, sẽ giao cho các cơ quan chức năng phối hợp nghiên cứu để Nhà nước có quy định về việc tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp (tương tự như Luật Công đoàn đối với các tổ chức công đoàn) và xây dựng đề án xác định rõ phương thức lãnh đạo, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân theo hướng nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật của cả người lao động và chủ doanh nghiệp; tổ chức, lãnh đạo và phát huy vai trò của công đoàn, đoàn thanh niên và các đoàn thể nhân dân khác; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa người lao động và người sử dụng lao động; phát huy lòng yêu nước, quyết tâm làm giàu cho mình và cho đất nước của chủ doanh nghiệp.