Một số kinh nghiệm chủ yếu

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế tư nhân 1991 2004 (Trang 83 - 86)

- Nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tư nhân là tấm gương làm ăn có hiệu quả của các nước đang phát triển

3.2.1 Một số kinh nghiệm chủ yếu

Qua việc nghiên cứu vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển kinh tế tư nhân thời kỳ 1991 – 2004, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

- Một là, để kinh tế tư nhân phát triển mạnh và đúng hướng phải có đường lối chủ trương và sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng.

Đường lối đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa được đề ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) đã đưa nước ta dần dần thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, ổn định xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Bản chất triết học của đường lối đó là xác lập một quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất mà trước đó đã bị phá vỡ do quan niệm sai lầm.

Trước đây, khi tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất, đã không căn cứ vào tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Bởi lực lượng sản xuất, xét đến cùng, là sức mạnh căn bản nhất quyết định sự phát triển của xã hội loài người. Quan hệ sản xuất chịu sự chi phối bởi lực lượng sản xuất, nhưng khi đã được xác lập nó có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của lực lượng sản xuất. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng, không chỉ có quan hệ sản xuất cũ, lạc hậu mới cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà ngay cả quan hệ sản xuất mới được xác lập cũng có thể cản trở, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Hơn nữa quan hệ sản xuất cũ vẫn có thể được duy trì, tồn tại một khi nó vẫn còn phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã nhận thức và rút ra kết luận sâu sắc về vấn đề này, và có thể nói đó là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng nhất, mang tính chất tiền đề để Đảng ta tổ chức đổi mới quan hệ sản xuất, thực hiện chế độ đa sở hữu ở nước ta hiện nay.

Như vậy Đại hội VI thực chất đã cách mạng về đường lối.

So sánh tình hình thực tế nước ta trước và sau Đại hội VI thì thấy rằng bài học to lớn và sâu sắc nhất của cách mạng là phải có đường lối đúng, phải có thiên tài của lãnh tụ là biểu hiện tập trung nhất trí tuệ lãnh đạo của Đảng.

- Hai là, để có đường lối chủ trương, sự chỉ đạo đúng đắn đối với kinh tế tư nhân phải kiên quyết đoạn tuyệt với chủ nghĩa duy ý chí, phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.

Chủ trương xoá bỏ nhanh các quan hệ sản xuất phi xã hội chủ nghĩa và xác lập một quan hệ sản xuất duy nhất, chính thống là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa để đưa nước ta tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa là sản phẩm của tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí. Cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp gần như đã vô hiệu hóa khả năng vô cùng to lớn của nhân dân lao động. Trái lại, chủ trương xây dựng đất nước bằng cơ chế phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa là biện pháp chiến lược đầy bản lĩnh của một Đảng tiên phong.

Từ thành tựu đạt được của khu vực kinh tế tư nhân trong 20 năm nay, nhất là từ năm 1991 đến 2004, thấy rằng chỉ có phương pháp tư duy biện chứng vừa nắm chắc lý luận kinh điển, vừa bám sát thực tiễn mới đảm bảo thắng lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Còn nếu siêu hình, bảo thủ, giáo điều, cực đoan là duy ý chí.

Phủ định một quan niệm để đi đến một quan niệm mới, sáng tạo, đúng đắn, biện chứng có giá trị thực tiễn cao là quy luật, là nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng.

Vậy một bài học kinh nghiệm quý về sự lãnh đạo, chỉ đạo là phải đoạn tuyệt với chủ nghĩa duy ý chí để tiếp cận biện chứng.

- Ba là, phải coi việc phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng là vì quốc kế dân sinh, vì sự nghiệp dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Đành rằng lý luận phải đi trước một bước, phải gạt bỏ tư tưởng duy ý chí, để hoạch định một đường đi đúng cho giai đoạn cách mạng trước mắt (1986-1990), nhưng Đại hội VI không phải là Đại hội của lý luận, mà là Đại hội của hành động.

Một câu hỏi lớn đặt ra trước sứ mệnh của Đảng là làm thế nào để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, củng cố quốc phòng vững mạnh, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Câu hỏi đã được cắt nghĩa, lý giải tận gốc và cuối cùng được trả lời bằng đường lối đổi mới: xây dựng đất nước bằng sự nghiệp phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể làm chủ đạo, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Đường lối đó đi vào cuộc sống, kinh tế nước ta dần bước ra khỏi khủng hoảng, đời sống nhân dân, trước hết là nông dân - bộ phận đông đảo nhất, cống hiến nhiều nhất cho chiến tranh vệ quốc - đã được cải thiện.

Rõ ràng, việc bảo hộ cho khu vực kinh tế tư nhân, chỉ đạo nó, tạo điều kiện cho nó phát triển đem lại lợi ích cho người lao động, cho đất nước lại có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Phát triển kinh tế tư nhân như là một tiếng nói đồng thuận của ý Đảng lòng dân.

Một bài học thật thấm thía sâu xa cho sự thành công của Đảng là lúc nào cũng giương cao ngọn cờ vì quốc kế dân sinh.

- Bốn là, để kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa lại hiệu quả tốt nhất cho nền kinh tế nói chung phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước, kết hợp với các thành phần kinh tế khác, khơi dậy mọi nguồn lực trong nhân dân.

Kinh tế tư nhân có những tích cực, nhưng cũng có nhiều tiêu cực, do đó, để phát huy tính tích cực, hạn chế tiêu cực cần có định hướng, có chủ trương, chính sách, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Vì vậy, chính sách vĩ mô đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển đúng định hướng. Mặt khác, kinh tế tư nhân là do tư nhân làm, do nhân dân làm, nên cần phát triển trong mối quan hệ với các thành phần kinh tế khác. Phải khơi dậy được sức mạnh nhân lực vật lực trong nhân dân, để đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế quốc dân.

Một phần của tài liệu đảng cộng sản việt nam lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế tư nhân 1991 2004 (Trang 83 - 86)