Triều đại Lê Thánh tông có nhiều hình thức phong phú để khuyến khích người đi học và học thành tài. Nghiên cứu cách làm này ta thấy về sự học đều bình đẳng. Nhân dân tất cả các vùng trong nước đều có thể đi học và thi, kể cả quân lính cũng được phép đi thi.
Đương thời vua Lê Thánh Tông luôn mong muốn chọn được những người đáp ứng tiêu chuẩn “hiền – tài” để phục vụ triều đình, đối tượng đào tạo quan lại được mở rộng theo hướng đa dạng hóa nhằm thu hút và chọn lọc được những người ưu tú nhất trong xã hội có thể đảm đương được các chức vụ tương ứng, đáp ứng tham vọng của triều đình. Để hiện thực hóa mục tiêu của mình, vua Lê Thánh Tông đã đã thường xuyên và liên tục tổ chức các kỳ thi tuyển nhân tài, cung cấp cho bộ máy quan chức nhà nước, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của triều đình và xã hội lúc đó. Chỉ tính riêng các kỳ thi tuyển tiến sĩ tới 12 khoa thi (cả thời Lê Sơ là 26 khoa thi). Hầu hết số tiến sĩ tuyển chọn qua các kỳ thi này đã tham gia vào bộ máy hành chính nhà nước, được bổ nhiệm vào các vị trí quyền lực ở Kinh đô và ở các đạo, phủ, huyện đã cho
thấy sự thịnh trị của giáo dục khoa cử cũng như vai trò của nó trong đời sống chính trị - xã hội thời đó.
Bên cạnh việc tăng cường khoa cử để làm biện pháp trọng dụng nhân tài,và để tạo sự công bằng trong chính sách trọng hiền tài của mình vua Lê Thánh Tông còn cho bỏ chế độ bổ dụng các vương hầu quý tộc vào các trọng trách của triều đình, mà chỉ lấy những người có khả năng thực sự. Các thân vương, công hầu... được ban cấp bổng lộc rất hậu, nhưng nếu không có tài năng, đỗ đạt qua khoa cử Nho học thì cũng không được cử làm quan. Cụ thể là, “các con của hoàng tử, thái tử đều được phong tước công cho tập trung ở kinh sư, cho ăn lộc vua ban, cho làm ruộng thế nghiệp chứ không cho ra cai trị ở phủ lộ” [20, tr.567]. Hơn nữa, “người họ vua, các tước công hầu bá… cho ruộng tứ, bãi dâu tứ, đầm tứ bằng thực tiền, sau khi chết 3 năm con cháu chiếu sổ trả lại vua, không được ẩn dấu chiếm giữ như trước” [16, tr.175]. Đây là bước đi mạnh dạn nhằm loại bỏ những người thuộc tầng lớp quý tộc nhưng lười nhác học hành, thi cử. Với bước đi này cho ta thấy, Ông thực sự có ham muốn xây dựng một đội ngũ quan lại có học thức và tài năng thực sự.
Với quan niệm quan lại được coi là “xương sống” của bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến nên vua Lê Thánh Tông đã đặc biệt quan tâm ưu đãi đối với các nho sĩ – quan lại. Chiếu chỉ năm 1463 viết: “Ta lưu tâm việc trị nước, dốc ý việc cầu tài, thường nghĩ những người tài làm được việc còn bị khuất ở hàng dưới, chìm lấp ở thôn quê, nên tìm hỏi người giỏi, mơ tưởng không quên” [20, tr.582]. Trong một tấm bia đề tên tiến sĩ khác của khoa thi Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4 (1463) chép rằng: “Nhân tài là nguyên khí của Nhà nước, không thể không vun trồng cho rộng khắp, chế độ là phép lớn của Nhà nước không thể không quy định cho rõ ràng đầy đủ” [21, tr.81]. Vấn đề đào tạo, sử dụng nhân tài luôn luôn được quan tâm và coi trọng hàng đầu, thể hiện rõ nét trong tấm bia đề tên tiến sĩ của khoa thi Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 (1442): “Các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ
quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quí chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật. Ban ân rất lớn mà vẫn chưa cho là đủ. Lại nêu tên ở Tháp Nhạn, ban danh hiệu Long Hổ, bầy tiệc văn hỷ. Triều đình mừng được nhân tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất” [22, tr.81].
Dưới triều vua Lê Thánh Tồn, những người đậu đạt cao được tôn vinh, trọng dụngvà ban các danh hiệu cao quý, được vua ban áo mũ cân đai, ngựa tốt, được vinh quy bái tổ và được trọng dụng ngay.Đây cũng chính là động lực để người học hướng tới. Vì thế đương thời số người đi học khá đông. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, chỉ tính riêng năm Quang Thuận thứ tư đã có tới 4.400 cử nhân tham gia thi Hội.
Ngoài ra, để có thể đào tạo ra một đội ngũ quan lại có chất lượng vua Lê Thánh Tông còn cho mở mang trường học, hệ thống trường đào tạo phát triển từ trung ương tới địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.
Như vậy có thể thấy rằng, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài dưới thời vua Lê Thánh Tông thực sự là một bài học lớn đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta hiện nay. Vận dụng bài học này, Đảng và Nhà nước ta cần thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay. Thực tế chỉ ra rằng, trong nền kinh tế tri thức và khoa học công nghệ thì chất xám hay sức mạnh về nguồn nhân lực được đánh giá là yếu tố hàng đầu để phát triển. Nhận thức được điều này Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói riêng.
Tại đại hội VI, Đảng ta xác định “Đổi mới đội ngũ cán bộ” để có thể “ngang tầm nhiệm vụ” của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. Đến đại hội VII, trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời lỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng nhấn mạnh “chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ”, trong đó đặc biệt quan tâm “bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân” [23, tr.12].
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Chiến lược cán bộ” đã đề ra phương hướng chung của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đó là: “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ toàn diện cả về lý luận chính trị,
phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các nhà doanh nghiệp và các chuyên gia, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, coi trọng cả đức và tài, đức là gốc. Việc học tập của cán bộ phải được quy định thành chế độ và phải thực hiện nghiêm ngặt. Mọi cán bộ phải nâng cao trình độ về mọi mặt…”[24]. Tới đại hội X, Đảng ta tiếp tục
nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tốt, xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế tiếp vững vàng” [25, Tr.136].
Quán triệt phương hướng trên của Đảng, thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài đã được đẩy mạnh phát triển và cũng đạt được những thành công nhất định, lực lượng cán bộ, công chức có trình độ, có phẩm chất chính trị không ngừng tăng lên, tuy vậy, vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, thiếu trình độ chuyên môn, bên cạnh đó tại một số ban ngành và địa phương vẫn chưa nhận rõ được tầm quan trọng của công tác đào đạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, đâu đó vẫn còn vấn nạn “con ông – cháu cha”.