nâng cao tinh thần tự trau dồi, bồi dưỡng kiến thức của quan lại.
2.3.7.1. Khảo thi
“Cứ 3 năm một lần, các quan lại đương chức từ quan nhất phẩm đến cửu phẩm, cả quan văn lẫn quan võ, từ trong kinh đến ngoài đạo đều phải qua khảo thi. Ngay cả đối với những người đã đỗ trong các kỳ thi Đình, được bổ làm quan, đến kỳ khảo thi cũng phải dự thi. Người đỗ được xét ban thưởng hoặc thăng chức. Lại, quan không thi đỗ liền bị giáng cấp hoặc bãi chức; binh lính không thi đỗ thì bị thải hồi” [18, Tr.67].
Với lệ khảo thi, mọi quan lại, binh lính vì thế mà hàng ngày đều cố gắng học tập, bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng chờ đến ngày trổ tài để được vua khen thưởng, thăng chức hoặc chí ít là không bị bải chức thải hồi vì thi hỏng. Tinh thần học tập trau dồi kiến thức, võ thuật trong quan lại, binh lính vì thế mà lên cao hơn bao giờ hết.
2.3.7.2. Khảo khóa
Bên cạnh lệ khảo thi, vua Lê Thánh Tông còn đặt ra lệ Khảo khóa quan lại nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ quan lại, từ đó mà quan lại không bỏ bê học hành, trau dồi kiến thức và tu dưỡng đạo đức. Về mục đích của khảo khóa, vua Lê Thánh Tông đã nói: “ Phép khảo khóa cốt để phân biệt người hay, kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước…Nay nha môn trong ngoài, người nào nhậm chức đã đủ 3 năm phải thực hiện khảo khóa, không được chậm trễ” [19, Tr.311].
Lệ khảo khóa dưới triều vua Lê Thánh Tông được phân làm hai giai đoạn, Sơ khảo và Thông khảo
Sơ khảo được tiến hành 3 năm một lần do các quan trên tiến hành để đánh giá quan lại dưới quyền. Lại, quan nào chăm lo đến dân, được dân ủng hộ, trong hạt ít người lưu vong, an ninh ổn định, kinh tế phát triển thì được cho là xứng chức.
“ Lại quan nào nhũng nhiễu, đục khoét, tư túi, làm bậy, trong hạt nhiều người phải lưu vong, hay xảy ra trộm cướp, giết người thì bị coi là không xứng chức. Nếu trong khi làm quan mà phạm tội bị xử phạt thì không chờ hết 3 năm mới khảo khóa, họ bị coi là không xứng chức. Lại, quan nào bị quan trên nhận xét là không xứng chức” [18, Tr.68,69].
Thông khảo:
“ Lại, quan nào đã qua 3 năm sơ khảo, 6 năm tái khảo, đến lần thứ ba (9 năm) thì được thông khảo. Trưởng quan đánh giá, nhận xét công việc trong cả 9 năm của người chịu thông khảo kèm theo lời đề nghị rồi trình lên bộ lại xem xét việc thăng giáng. Quan từ nhị phẩm trở lên thì Bộ lại tâu lên nhà vua quyết định. Nếu ai có tài đặc biệt được đặc chỉ của Nhà vua cho thăng bổ thì không nhất thiết phải theo lệ khảo khóa như quy định” [18, Tr.69].