7. Cấu tru ́c của luận văn
3.3.1 Đổi mới cách thức tổ chức thông tin
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng ban Đào tạo Đại học
Quốc gia Hà Nội thì “Việc tuyên truyền về đổi mới GDĐH còn mờ nhạt, vẫn
thiếu một triết lý giáo dục (Việt Nam đang đứng ở đâu? Đổi mới những vấn đề gì? Đột phá ở mảng nào…) ngoài việc thông tin những văn bản, quy chế mới của Bộ GD và ĐT, nghị quyết, Điều lệ ĐH… Công tác tuyên truyền có khi chưa đánh giá thực trạng nền GDĐH Việt Nam một cách bài bản, do đó các cơ quan tuyên truyền, báo chí chủ yếu vẫn mới chỉ là đưa tin, tập hợp ý
kiến của một số chuyên gia, phụ huynh, học sinh, sinh viên mà thôi”. Vì vậy,
trong quá trình tổ chức thông tin về đổi mới GDĐH, các báo cũng cần có sự đổi mới nhất định để có thể thông tin một cách hiệu quả nhất. Khi GDĐH có những đổi mới thì các vấn đề, nội dung thông tin liên quan luôn cần sự bàn thảo, quan tâm của dư luận xã hội. Mặt khác, các nội dung, vấn đề của GDĐH sẽ khác so với truyền thống từ cách thức đào tạo, nghiên cứu khoa học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá. Vì vậy, nếu cách thức tổ chức thông tin của các báo không có sự đổi mới, sắp xếp lại mà vẫn theo như truyền thống thì hiệu quả thông tin không cao, khó đáp ứng được nhu cầu thông tin đổi mới GDĐH của bạn đọc. Đổi mới cách thức tổ chức thông tin của các báo có thể từ cách sắp xếp các trang, chuyên mục, thời lượng thông tin cũng như phân công, tổ chức cho phóng viên, biên tập viên triển khai thông tin về đổi mới GDĐH.
Thực tế khảo sát cho thấy, quá trình thông tin đổi mới GDĐH của Báo Nhân Dân theo cách truyền thống là các trang Khoa giáo, trong đó có nội dung giáo dục được xếp vào thứ ba, năm, bày và chủ nhật hàng tuần; để xuất bản, các trang Khoa giáo đều phải được chuẩn bị trước từ 3-4 ngày. Vì vậy, thông tin về GDĐH thường bị chậm, muộn. Phóng viên theo dõi lĩnh vực cũng khá nhàn, không bị cuốn hút theo các vấn đề thời sự hàng ngày. Thông thường, các thông tin, sự kiện hàng ngày đều phải đợi đến ngày có trang Khoa giáo mới đăng khiến cho thông tin kém hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi vấn đề đổi mới GDĐH được triển khai, việc phân công, sắp xếp các phóng viên theo dõi lĩnh vực cũng như kết cấu, cách thức thông tin trên báo có những thay đổi bước ngoặt. Những nội dung thời sự liên quan đến vấn đề GDĐH không còn phải đợi đến ngày có trang Khoa giáo mới đăng mà được đăng ngay vào các trang nhất hoặc trang tám của ngày hôm sau khi diễn ra sự kiện, tạo sự thu hút đối với bạn đọc thông tin nóng hổi. Mặt khác, kết cấu các trang báo cũng có những thay đổi so với trước, đó là có trang chuyên đề Giáo dục, thay vì trang Khoa giáo như trước đây. Việc vừa có định kỳ trang Giáo dục lại vừa có thể thông tin vấn đề thời sự trên các trang 1, 8 của báo tạo nên sự hấp dẫn đáng kể. Báo Nhân Dân đã phân công một nhóm phóng viên chuyên trách viết về GDĐH. Từ đó các phóng viên có thể trao đổi, hỗ trợ, bọc lót cho nhau vừa có những bài viết thời sự kịp thời, vừa có những loạt chuyên đề có sự phân tích sâu của phóng viên theo dõi cũng như của các chuyên gia giáo dục góp phần giúp bạn đọc vừa có được thông tin hằng ngày, vừa có thể hiểu sâu, kỹ về vấn đề đổi mới GDĐH nhiều hơn. Nhiều bài viết có những phản hồi tích cực từ cơ
quan quản lý GDĐH cũng như bạn đọc. Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn “Báo
Nhân Dân là báo chính luận khi đọc bao giờ cũng có tâm thế an tâm, tin tưởng hơn. Đối tượng bạn đọc của Báo Nhân Dân sẽ khác với đối tượng bạn đọc của các báo khác. Nhưng khi đọc bài trên báo Nhân Dân liên quan đến chính sách chủ trương có phần yên tâm hơn”
Có thể nói, đối tượng được thông tin của các báo là vấn đề GDĐH đang có những đổi mới không ngừng. Vì vậy, cách thức tổ chức thông tin cũng cần đươc thay đổi vừa theo kịp vấn đề đổi mới của GDĐH vừa đáp ứng được nhu cầu thông tin mới của bạn đọc. Cách thức tổ chức thông tin có thể đổi mới từ cách sắp xếp nhân lực (phóng viên, biên tập viên) đến thời lượng thông tin, trình bày, xây dựng các trang thông tin liên quan đến đổi mới GDĐH. Thực tế khảo sát các báo cho thấy nếu không có sự đổi mới về cách thức thông tin, các bài viết sẽ kém hấp dẫn, trở nên nhàm chán. Thí dụ như các báo sử dụng quá nhiều bài viết phản ánh đơn thuần, dù thông tin nhanh, đáp ứng được nhu cầu “đọc lướt” của bạn đọc nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu hiểu sâu kỹ vấn đề. Trong khi đó, nếu sự kiện diễn ra mà chờ đợi để phân tích sâu, kỹ thì vấn đề nóng thu hút sư quan tâm với nhiều bạn đọc sẽ qua đi. Vì vậy, việc sắp xếp xử lý kết cấu thông tin cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên là hết sức quan trọng.