7. Kết cấu luận văn
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên xã hội miền Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam Bộ gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, hiện có hơn 16 triệu dân, chiếm 16,34% dân số cả nước, là vùng có tốc độ tăng dân số cao nhất nước, do thu hút nhiều dân nhập cư từ các vùng khác đến sinh sống. Đây là khu vực kinh tế phát triển nhất Việt Nam, đóng góp hơn 2/3 thu ngân sách hàng năm, có tỷ lệ đô thị hóa 50%. Nhắc đến Đông Nam Bộ, người ta thường nhắc đến tứ giác động lực phát triển: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với những đóng góp lớn và những ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả nước.
Đông Nam Bộ cũng là vùng tập trung nhiều khu đô thị lớn của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế lớn của cả nước, có lực lượng lao động dồi dào, tay nghề khá, có nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của cả khu vực phía Nam. Vũng Tàu là thành phố du lịch và là cảng biển, dịch vụ nằm ở “mặt tiền duyên hải” phía Nam, là cầu nối và “cửa ngõ” lớn giao thương với thế giới. Thành phố Biên Hòa và khu vực dọc theo QL51 tập trung nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Nhiều nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp này thu hút một lượng lớn công nhân lao động từ khắp các vùng miền đến làm việc và sinh sống. Tốc độ phát triển nhanh về công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa đã tác động nhiều mặt
đến đời sống xã hội cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tương tự, thị xã Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương và các vùng phụ cận như: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên…cũng phát triển nhanh về công nghiệp, dịch vụ và đô thị trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhân khẩu đô thị của vùng Đông Nam Bộ đã đạt trên 43%. Tốc độ đô thị hoá đạt khoảng 4-6%/năm; đã hình thành hệ thống đô thị thực sự là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả vùng. Sự bật dậy và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của vùng Đông Nam Bộ đã và đang góp phần rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Và sự phát triển nhanh hay chậm của vùng Đông Nam Bộ có ảnh hưởng rất lớn đối với các mục tiêu chiến lược quốc gia.
Hơn 300 năm hình thành và phát triển, Đông Nam Bộ cũng là vùng văn hóa với nhiều nét đặc trưng góp phần tạo nên bản sắc Văn hóa Việt Nam. Do là vùng đất hội tụ của cư dân nhiều vùng miền của đất nước từ thời mở cõi, trải qua quá trình phát triển, cho đến hôm nay, nên văn hóa đời sống, trong đó có đời sống báo chí cũng hết sức đa dạng và phong phú.
Lịch sử báo chí cho thấy, báo chí ra đời và phát triển mạnh ở những vùng đô thị và khu công nghiệp. Trước cột mốc ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam 21.6.1925, báo in Việt Nam đã xuất hiện khá sớm với sự ra đời của tờ Gia Định Báo vào năm 1865 - tờ báo tiếng Việt đầu tiên - tại chính vùng đất Sài Gòn sầm uất bậc nhất của phía Nam lúc bấy giờ. Ngoài ra, miền Đông Nam Bộ cũng là nơi ra đời của nhiều tờ báo và hoạt động báo chí sôi động. Các giai đoạn phát triển của báo chí và các nhà báo tên tuổi đều khởi nghiệp và hành nghề tại các tòa soạn báo ở Sài Gòn trước đây, nay là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Trong thời kỳ đổi mới, báo chí cả nước, khu vực và địa phương cũng đã tìm thấy nhiều đề tài báo chí trên vùng đất năng động và phát triển Đông
Nam Bộ. Từ những kinh nghiệm trong thực hiện chính sách đổi mới, chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, đô thị; những mô hình kinh tế công nghiệp, dịch vụ, những điển hình về doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giỏi, những mô hình trang trại chăn nuôi trồng trọt…, tất cả là những đề tài phản ánh trên nhiều loại hình báo chí trên phạm vi cả nước có sức thu hút sự quan tâm của công chúng.
Người miền Đông từ bao đời nay có thói quen đọc báo như nét văn hóa đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần. Trong các công trình nghiên cứu về lịch sử báo chí Việt Nam và các cuộc điều tra, khảo sát xã hội học của nhiều tác giả cũng đã chỉ ra đặc điểm này. Vào thời điểm hiện tại, chưa có con số thống kê cụ thể các sạp báo, đội ngũ tham gia phát hành báo, nhưng qua quan sát và những con số phát hành của nhiều tờ báo cũng cho thấy, đây là vùng đất có số lượng phát hành báo chí cao nhất cả nước.
Theo nhà báo Phú Trang, trên vùng đất miền Đông Nam Bộ hiện nay, người dân có thể xem trên 150 kênh truyền hình cả nước qua dịch vụ truyền hình vệ tinh, cáp, internet, và truyền hình analog. Bình quân mỗi ngày có hơn 30 đầu báo và tạp chí được phát hành. Hầu như không có tờ báo Trung ương nào không có văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến tháng 6/2011, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 70 ấn phẩm báo chí. Riêng từng tỉnh miền Đông, số đầu báo in cũng khá phong phú. Bà Rịa - Vũng Tàu có các ấn phẩm: báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Vũng Tàu chủ nhật; phụ san VDT, chuyên san Tuổi học trò, tạp chí Văn nghệ BRVT. Bình Dương có báo Bình Dương, Bình Dương cuối tuần; Thể thao và cuộc sống; Phụ nữ thời đại, Văn nghệ Bình Dương, Lao động Bình Dương, Tạp chí BTV, Tạp chí Khoa học Công nghệ Bình Dương. Đồng Nai có báo Đồng Nai, ấn phẩm Thế giới gia
đình; báo Lao động Đồng Nai, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai. Đó là chưa kể hàng ngàn bản tin của các ban ngành trong các tỉnh thành ở khu vực này và trăm kênh phát thanh – truyền hình và hàng trăm website báo chí mà người miền Đông có thể cùng đọc, nghe, xem và tham gia tương tác. Đời sống báo chí miền Đông cũng cực kỳ sôi động với các hoạt động ngoài mặt báo như công tác xã hội – từ thiện, các hoạt động thể thao – giải trí do các cơ quan báo chí tổ chức, các hoạt động đào tạo, các chương trình vận động cộng đồng…
Những đặc điểm nổi bật về địa chính trị, văn hóa nêu trên là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của báo chí vùng Đông Nam Bộ, trong đó có báo Đảng của các tỉnh trong vùng, tạo ra đời sống báo chí phong phú, sôi động, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.