Công chúng báo Đảng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu công chúng báo Đảng các tỉnh Miền Đông Nam bộ của báo Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (2007 - 2010) (Trang 34 - 36)

7. Kết cấu luận văn

1.2.2. Công chúng báo Đảng ở Việt Nam

Công chúng báo Đảng là những độc giả, nhóm độc giả mà các tờ báo của Đảng tác động và hướng đến tác động.

Cùng với sự phát triển chung của báo chí cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, công chúng báo Đảng cũng có những thay đổi và phát triển. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, công chúng báo Đảng nhìn chung rất hạn chế, không rộng rãi, chủ yếu là lực lượng kháng chiến và đồng bào yêu nước được giác ngộ cách mạng. Do phải hoạt động và xuất bản báo chí nơi căn cứ kháng chiến hoặc trong vùng giải phóng, bí mật nên thời kỳ này công chúng ít được tiếp cận với các tờ báo của Đảng.

Từ sau 1975 đất nước thống nhất, báo Đảng các tỉnh được thành lập đều ở các tỉnh, thành trong cả nước, xuất bản ổn định, làm nhiệm vụ tuyên

truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sau chiến tranh, nên công chúng mở rộng hơn đến nhiều đối tượng. Tuy nhiên, hoạt động báo chí sau chiến tranh và trong thời kỳ bao cấp, nên thông tin báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng chủ yếu là thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước là chính; ít đề cập đến những vấn đề gần gũi của đời sống xã hội nên sức thu hút công chúng chưa cao so với yêu cầu.

Chỉ từ sau khi đất nước đổi mới (từ năm 1986 đến nay), với tư duy mới trong phát triển kinh tế, báo chí có điều kiện phát triển sôi nổi, nhất là báo chí đấu tranh chống tiêu cực và những mặt trái của đời sống xã hội. Đề tài của báo chí phong phú, đa dạng gần gũi hơn, mở ra cho báo chí một luồng sinh khí mới, công chúng theo đó cũng phát triển nhiều hơn, thích thú hơn với báo chí và hoạt động báo chí. Tuy nhiên, sự lựa chọn và phản hồi của công chúng với báo chí vào thời kỳ này chưa nhiều. Công tác điều tra, khảo sát, thăm dò ý kiến bạn đọc ít được chú trọng, tính cạnh tranh báo chí chưa cao.

Bắt đầu từ thập niên cuối của thế kỷ trước, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, báo chí ở nước ta có sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng và phong phú các loại hình, đặc biệt với sự xuất hiện của loại hình báo chí trên internet, báo mạng điện tử bên cạnh báo in, phát thanh truyền hình, công chúng báo chí có nhiều sự chọn lựa kênh truyền thông đại chúng để thỏa mãn nhu cầu về thông tin, giải trí. Điều đó cũng đặt ra cho báo Đảng các tỉnh nhiều thách thức, khó khăn hơn trong hoạt động của mình. Việc cải tiến, tăng trang, tăng kỳ phát hành được triển khai ở nhiều tờ báo nằm trong nỗ lực hướng tờ báo đến với công chúng của mình.

Các cuộc hội thảo báo Đảng tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên được tổ chức hàng năm cũng nằm trong hướng nỗ lực nâng cao chất lượng báo Đảng. Chưa nhiều lắm, nhưng báo Đảng tại các địa phương đã chú ý hơn đến công tác bạn đọc, công tác điều tra, khảo sát, trưng cầu ý kiến bạn đọc để có những bước cải tiến phục vụ công chúng, đồng thời phục vụ mục tiêu kinh tế, phát hành và sự phát triển của tờ báo Đảng vững chắc hơn trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi cho đến nay, chưa có tờ báo Đảng nào tiến hành điều tra xã hội học về công chúng một cách khoa học và chuyên nghiệp. Trong khi đó, một số đài phát thanh và truyền hình, nhất là truyền hình của các tỉnh đã biết thuê các công ty truyền thông để khảo sát, điều tra công chúng của mình. Thế nhưng, việc làm này của các đài cũng nhằm mục tiêu kinh tế, phục vụ quảng cáo sản phẩm hơn là phục vụ cho mục tiêu cải tiến nội dung đích thực hướng đến công chúng của mình.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu công chúng báo Đảng các tỉnh Miền Đông Nam bộ của báo Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương (2007 - 2010) (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)