Xuất phát từ nền tảng tư tưởng và những thành công bước đầu trong công cuộc hiện đại hoá quân sự của Đặng Tiểu Bình, trong “Chiến lược phát triển và hiện đại hóa quân đội và công nghiệp quốc phòng TQ” Giang Trạch
Dân đưa ra năm 2001 đã xác định đến trước năm 2020, quân đội TQ phải trở thành quân đội mạnh nhất châu Á, đến năm 2050 tiến lên trình độ các quân đội mạnh nhất thế giới.
Trong chiến lược hiện đại hóa quân sự của mình, Giang Trạch Dân chủ trương cải cách quân đội theo hướng:
Thứ nhất, cơ cấu lại các lực lượng theo hướng giảm biên chế quân số, tăng cường chất lượng; triệt để áp dụng các biện pháp cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa các loại vũ khí thông thường; cải tiến cơ cấu hành chính quân sự, biên chế tổ chức và bố trí, phân phối binh lực hợp lý. Tập trung hoàn thiện khả năng đánh thắng các cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao và vũ khí thông minh. Về chương trình hành động xác định rõ mục tiêu phát triển bộ máy quân sự có trình độ tiên tiến, có khả năng tiến hành các hoạt động tác chiến có quy mô châu lục, cách biên giới quốc gia của TQ từ 3.000 đến 10.000km.
Thứ hai, về trang bị vũ khí và khí tài, kết hợp tự lực phát triển hệ thống vũ khí, trang bị với việc mua sắm từ nước ngoài; chú trọng phát triển hiện đại hóa các hệ thống vũ khí phòng không, vũ khí chống tàu ngầm và tàu trên mặt nước; phát triển hệ thống vũ khí chống vệ tinh, phóng thêm các loại vệ tinh phục vụ chỉ huy quân sự, định vị, dẫn đường và vệ tinh do thám tín hiệu, do thám hình ảnh; phát triển lực lượng tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn hạt nhân và tên lửa, bom hạt nhân chiến thuật. Năm 2000, Giang Trạch Dân chỉ rõ “Cuộc cách mạng quân sự mới thực chất là một cuộc cách mạng thông tin hoá. Chiến tranh công nghệ cao với đặc trưng chính là thông tin hoá. Thông tin hoá đang là máy tăng tốc cho sức chiến đấu của quân đội. Chính vì vậy, các nước phát triển đều coi thông tin hoá là mục tiêu chính trong xây dựng hiện đại hoá quân đội trong thế kỷ mới. Có thể thấy, chiến tranh thông tin hoá sẽ trở thành hình thái chiến tranh chủ yếu của thế kỷ 21”. [18,tr.473]
Thứ ba, về chiến lược hành động, phương sách xuyên suốt áp dụng cho cả thời bình và thời chiến là phản công quyết liệt, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Triệt để tận dụng các cơ hội và điều kiện thuận lợi để tấn công, khi tấn công thì không đặt vấn đề biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ. Tập trung hỏa lực vào những điểm trọng yếu của đối phương; triển khai cùng lúc các hoạt động phòng thủ và tấn công, không chờ phòng thủ xong mới tấn công. Thực hành tấn công trả đũa ngay sau khi bị tấn công với với thời hạn nhanh nhất. Nhất thiết chỉ sử dụng lực lượng của chính mình để tấn công đối phương. Phối hợp chặt chẽ hoạt động quân sự với hoạt động ngoại giao để chủ động chấm dứt chiến sự trên thế mạnh, thế có lợi. Phối hợp các hoạt động quân sự với hoạt động kinh tế quân đội. Triệt để lợi dụng sự rối loạn trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế do việc chủ động phát động chiến sự gây ra, để tổ chức các hoạt động buôn bán, môi giới tài chính, ngân hàng, thu lợi nhuận cho quân đội. Phát triển lực lượng kinh tế - quân sự, lấy lực lượng tài chính - ngân hàng quân sự để có nguồn thu lớn bù đắp cho chi phí quân sự ngay cả trong thời gian đang có chiến tranh cục bộ.
Giang Trạch Dân cũng nhấn mạnh phải tập trung tăng cường hiện đại hóa hải quân và không quân, nhấn mạnh vai trò của hải quân và không quân trong mục tiêu hướng tới dự án mở rộng sức mạnh quân sự TQ tại TBD.[21,tr.278] Tăng cường năng lực tác chiến tàu ngầm và trên mặt nước, chủ yếu là các khả năng cảm biến, tàng hình, phòng thủ tên lửa và hiệu quả tác chiến tầm xa. Cải thiện các công nghệ hải quân và đóng tàu thông qua việc nhập khẩu từ nước ngoài và phát huy nội lực. Xây dựng chiến lược “phòng thủ xa bờ” mà hải quân TQ gọi là “phòng ngự viễn dương” và kêu gọi phát triển khả năng hải quân tầm xa.