Nước TQ mới vừa thành lập, Mao Trạch Đông đã kêu gọi TQ phải xây dựng quân đội hùng mạnh, phải xây dựng sức mạnh kinh tế hùng mạnh, đây là hai việc lớn. Lợi dụng điều kiện quốc tế đặc biệt thời đó, nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô cũ, nước TQ mới bắt đầu tiến hành công nghiệp hoá và cơ giới hoá. Một mặt, mua trang bị cơ giới hoá hiện đại của Liên Xô cũ, mặt khác xây dựng hệ thống công nghiệp quốc phòng của mình. Thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Liên Xô cũ đã viện trợ xây dựng 156 công trình trọng điểm, 1/3 trong số đó là công nghiệp quân sự, hơn nữa chuyển giao công nghệ đồng bộ, bảo đảm trong nước có thể tự sản xuất. Chỉ trong thập kỷ 50 của thế kỷ 20, tốc độ hiện đại hoá trang bị vũ khí của quân đội TQ đã vượt qua xã hội cũ mấy chục năm, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về trình độ hiện đại với thế giới.
Nước TQ mới không chỉ nhằm vào cơ giới hoá quân sự mà còn nhằm vào những phát triển mới nhất trong lĩnh vực quân sự trên thế giới, bắt đầu tiến quân vào công nghệ hạt nhân. Sau thập kỷ 40 thế kỷ 20, lĩnh vực quân sự thế giới lại có một cuộc cách mạng, đó là sự ra đời của vũ khí hạt nhân. Năm
1945, Mỹ chế tạo thành công bom nguyên tử và lần đầu tiên ném xuống Hiroshima và Nagashaki của Nhật Bản, sức sát thương quá lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới sự đầu hàng của Nhật Bản. Sự xuất hiện bom nguyên tử và bom nhiệt hạch khiến tính sát thương của vũ khí loài người sử dụng đến đỉnh điểm, đánh dấu quân sự thế giới đã phát triển từ giai đoạn cao cấp của trang bị cơ giới hoá sang giai đoạn vũ khí năng lượng hạt nhân.
Trong cuộc cải cách quân sự lần này, nước TQ mới đã thể hiện quyết tâm đuổi theo trình độ hiện đại của thế giới. Năm 1954, chiến tranh Triều Tiên vừa kết thúc, Trung ương ĐCSTQ đứng đầu là Mao Trạch Đông chỉ rõ TQ cũng cần chế tạo bom hạt nhân, ông cho rằng trong thế giới hôm nay, muốn không bị người ta bắt nạt thì không thể không có những thứ đó. Năm 1955, Trung ương xác định quyết tâm chế tạo bom hạt nhân và Trung Quốc bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo thứ vũ khí này. Năm 1957, Liên Xô cũ đồng ý cung cấp mẫu bom nguyên tử và giúp đỡ về công nghệ hạt nhân. Sau đó, vũ khí mũi nhọn của TQ phát triển nhanh chóng. Công nghiệp quốc phòng và mở rộng nhân sự nghiên cứu khoa học phát huy hết tiềm lực trên cả nước, hiệp đồng toàn lực, đồng cam cộng khổ, đồng thời hạn chế áp lực cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60 Liên Xô cũ kéo hết chuyên gia về nước, chủ yếu dựa vào sức mạnh của mình, trong thời gian ngắn tạo ra “hai loại bom, một loại vệ tinh”: Năm 1964, thử nghiệm thành công bom nguyên tử. Năm 1966, thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân mang tên lửa tầm trung. Năm 1967, thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Năm 1970, phóng thành công vệ tinh nhân tạo.[24,tr.46]
Nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân của TQ chậm hơn so với Mỹ mười mấy năm, sau Liên Xô cũ 10 năm, khởi điểm công nghệ thấp hơn nhiều. Tuy nhiên tốc độ nghiên cứu chế tạo không chậm. Thử nghiệm thành công bom nguyên tử chậm hơn Mỹ 19 năm, chậm hơn Liên Xô cũ 15 năm, nhưng chỉ
chậm hơn Pháp 4 năm, nghiên cứu chế tạo thành công bom nhiệt hạch sớm hơn Pháp. Trên thế giới, TQ là nước thứ 5 có vũ khí hạt nhân, nước thứ 4 có bom nhiệt hạch, nước thứ ba có tên lửa vượt đại châu.
Trong cải cách quân sự lần này, TQ đã đuổi kịp “đoàn tàu quốc tế”, nắm được thời cơ. Nghiên cứu chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử quân sự TQ, nâng cao rất nhiều địa vị quốc tế của TQ. Sau này, Đặng Tiểu Bình từng nói: “Nếu thập kỷ 60, TQ không có bom nguyên tử, bom nhiệt hạch, không phóng vệ tinh, TQ không thể là cường quốc có ảnh hưởng quan trọng, không có địa vị quốc tế như ngày hôm nay. Những thứ đó phản ánh khả năng của một dân tộc, cũng là tiêu chí của một dân tộc, một quốc gia phát triển phồn vinh.” [16,tr.67]
Các nhà lãnh đạo TQ nhận ra một nền quốc phòng hiện đại phải dựa trên một hệ thống kinh tế quốc gia hiện đại yểm trợ bằng kỹ thuật cao. Vì thế họ chọn một chính sách hai mặt để gia tăng phát triển kinh tế. Một mặt là mở rộng thương mại quốc tế của TQ, liên doanh với nước ngoài để giải quyết vấn đề thiếu hụt tư bản và kỹ thuật mới. Mặt kia, là giảm thiểu các chi phí quân sự, cắt giảm 1/4 quân số và chuyển một số công nghệ quân sự sang sản xuất hàng tiêu dùng để giải quyết khó khăn tài chính. Hầu hết các học giả phương Tây nghiên cứu về TQ đều biết rằng mặc dù PLA rất cần các vũ khí tối tân và trang bị để tăng cường khả năng chiến đấu nhưng họ không có tiền mà họ cũng không muốn mua từ nước ngoài. Các nhà lãnh đạo TQ từng công khai tuyên bố rằng họ hi vọng mở rộng thương mại quốc tế sẽ giúp hiện đại hóa quốc phòng và sẵn lòng hợp tác với nước ngoài để phát triển và sản xuất vũ khí mới ngay trên lãnh thổ TQ. Mỹ đã đồng ý giúp TQ cải thiện hệ thống radar trong máy bay chiến đấu F-8 và bán cho họ nhiều máy điện toán tối tân. Tuy nhiên, sau biến cố Thiên An Môn (4.6.1989), một số nước trong đó có cả Mỹ và Nhật Bản tăng cường việc kiểm soát chuyển giao kỹ thuật cho TQ.
Theo các báo cáo, trong thập niên 1980, TQ đã nhập khẩu 27 tỉ USD kỹ thuật và trang bị, chiếm 60% gia tăng trong tổng sản lượng quốc gia. Kể từ 1985, TQ đã giảm quân số từ 4,2 triệu xuống còn 3 triệu người. Theo đó các kinh phí quốc phòng cũng giảm theo. Thành phần giải ngũ gồm các đơn vị không chiến đấu và nhân viên không cần thiết nên không làm yếu đi mà thực tế PLA còn mạnh hơn trước. Trước khi cắt giảm quân số, quân số của TQ nhiều hơn Liên Xô độ 10% và gấp 2,5 lần Mỹ. Tuy thế, ngân sách quân sự của họ chưa đầy 1/3 ngân sách Mỹ và chỉ bằng 1/4 ngân sách của Liên Xô cũ. Dù vậy, chính quyền vẫn tiếp tục cắt giảm mỗi năm. Từ 1971 đến 1985, ngân sách quốc phòng từ 17,4% rút xuống chỉ còn 7,5% ngân sách quốc gia.
Để giải quyết những khó khăn trong vấn đề tài chính, PLA được phép kinh doanh để có thêm lợi tức. Trong đó có cả việc dùng công nghệ quốc phòng để sản xuất các mặt hàng dân dụng bán trong nội địa cũng như trên thị trường thế giới. Theo các báo cáo, có đến 1/3 công nghệ quân sự được sử dụng kép (phục vụ cả quân - dân sự) và 3/5 tổng số sản phẩm nhằm vào thị trường dân sự, tổng cộng hơn 700 mặt hàng. Trong số đó, riêng năm 1989, trên 100 mặt hàng được bán ra thế giới đem về khoảng 300 triệu đô la. Ngoài ra, họ còn bắt đầu bán vũ khí cho các quốc gia trong thế giới thứ ba. Năm 1988, TQ đứng vào một trong năm nước cung cấp vũ khí nhiều nhất thế giới trên thị trường quốc tế. Nếu cải tiến được lề lối quản trị, họ có thể đem về trên 2,5 tỉ USD mỗi năm. Nhờ tiếp tục tái tổ chức các cơ chế quân đội và quản trị, mặc dù ngân sách quốc phòng vẫn bị cắt giảm, nhưng công cuộc hiện đại hóa quân sự của TQ không bị chậm lại, nhất là việc hiện đại hoá các vũ khí chiến lược. Trong khi TQ cắt giảm ngân sách quốc phòng, chuyển một số công nghệ quân sự sang sản xuất hàng tiêu dùng nhưng họ không giảm các khoản đầu tư cho nghiên cứu. Không những thế, họ còn tập trung ngân sách quốc phòng vào việc phát triển các vũ khí mũi nhọn và các chương trình không
gian. Từ năm 1978 tới nay, ngân khoản giành cho nghiên cứu gia tăng đáng kể. Sau khi thành công trong thử nghiệm tên lửa liên lục địa bắn từ mặt đất và từ dưới biển do tàu ngầm nguyên tử phóng ra hồi đầu thập niên 1980, họ đã có được một số lượng vũ khí nhiệt hạch hữu hiệu chống lại những cuộc tấn công bằng nguyên tử có thể xảy ra.
Nhờ những thành tựu đó cũng như việc các siêu cường tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân, TQ biết rằng đã đến lúc họ phải thay đổi chiến lược toàn cầu. Trong một phiên họp mở rộng của Quân uỷ trung ương năm 1985, các nhà lãnh đạo TQ đưa ra nhận định từ nay tới cuối thế kỷ 20 và ngay cả đầu thế kỷ 21 sẽ không có thế chiến hay chiến tranh hạt nhân vì tình trạng quân bình về vũ khí giữa các siêu cường khiến ai cũng hiểu là dùng vũ khí nguyên tử là tiêu diệt cả hai bên và sẽ không ai muốn phiêu lưu như thế. Trong khi chiến tranh hạt nhân qui mô không xảy ra nhưng chiến tranh giới hạn hay đụng độ ở một mức độ thấp hơn vẫn có thể có bất cứ lúc nào và trở thành vấn đề chính yếu chi phối quan hệ khu vực trong một tương lai gần. Triệu Tử Dương, nguyên Tổng Bí Thư Ủy Ban Trung Ương Đảng kiêm Phó Chủ Tịch Quân uỷ trung ương, đã đề ra trong phiên họp cấp cao vào tháng 5 năm 1988 ở Bắc Kinh là chiến lược của TQ chủ yếu nhằm vào chiến tranh giới hạn và các xung đột quân sự địa phương. Để đạt mục tiêu đó, PLA sẽ xây dựng một lực lượng xung kích chớp nhoáng, trong khi vẫn tiến hành việc đánh giá nguy cơ chiến tranh trong tương lai, chiến lược quốc phòng trường kỳ và xu thế phát triển quân sự. Việc thành lập lực lượng xung kích đã trở thành một quyết định chiến lược quan trọng từ năm 1988 tới nay. Kế hoạch này không phải chỉ thực hiện trong lục quân mà cả không quân và hải quân. Trong lục quân, các tiểu đoàn đặc nhiệm hay tiểu đoàn xung kích chớp nhoáng, trang bị vũ khí tối tân đã được thành lập. Một lữ đoàn thủy quân lục chiến tương tự như tiểu đoàn xung kích cũng đã hình thành trong Hạm đội Nam Hải. Quân nhảy dù TQ
dưới quyền điều động của không quân cũng tiến hành thành lập các đơn vị xung kích. Họ được giao nhiệm vụ tấn công kẻ thù trên bất cứ địa điểm nào trong toàn lãnh thổ trong vòng một ngày. Họ đang tiến sang vị trí chiến lược để đối phó với các xung đột biên giới và xung đột khu vực. Tổ chức các lực lượng xung kích còn được dùng làm khuôn mẫu cho việc cải tổ PLA.