Giới thuyết về ngôn ngữ trần thuật trong tác phẩm tự sự

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyên ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 81 - 83)

2. Lịch sử vấn đề

3.1.1 Giới thuyết về ngôn ngữ trần thuật trong tác phẩm tự sự

“Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ” [13,215]. Ngôn ngữ chính là chất

liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn ngữ thì không thể có tác phẩm văn học. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình chuẩn bị và sáng tạo tác phẩm; nó cũng là yếu tố xuất hiện đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm. Vì vậy mà ngôn ngữ trở thành yếu tố không thể thiếu của văn học, như sắc màu đối với hội họa, âm thanh đối với âm nhạc, hình khối đối với kiến trúc. Chính

M. Gorki đã khẳng định: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó cùng với các sự kiện, các hiện tượng cuộc sống là chất liệu văn học”.

Ngôn ngữ của tác phẩm văn học cũng là ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ của toàn dân, nhưng đã được nâng lên đến trình độ nghệ thuật. Trong “ngàn cân quặng chữ” người nghệ sĩ ngôn từ phải lao động nghiêm túc, công

phu mới thu về “một chữ”. Đúng như Nguyễn Tuân đã nói: “Mỗi nhà văn là một anh phu chữ”. Một nhà văn lớn bao giờ cũng là tấm gương sáng về mặt

hiểu biết sâu sắc ngôn ngữ nhân dân, cần cù lao động để trau dồi ngôn ngữ trong quá trình sáng tác. Nguyễn Minh Châu đã từng ví nhà văn như một

người thợ thủ công: “bằng một cách thức tài nghệ phù hợp riêng biệt của mình, phải đập từng chữ ra để tìm cho được cái nghĩa nguyên thủy của nó, rồi lại bằng một cách thức riêng biệt không có ai giống ai và không thể bắt chước được, đem ghép những con chữ ấy lại với nhau thành câu, thành đoạn,

thành chương, cuối cùng trở thành một thứ có cả thể xác và tâm hồn: một tác phẩm văn học” và cũng theo Nguyễn Minh Châu thì: “Viết văn là đem đến cho tâm hồn người ta đồng thời sự yên ổn và không yên ổn, cùng một lúc vừa cởi giải vừa gây băn khoăn, thắc mắc…chuỗi quá trình ấy…diễn ra liên tục thông qua…vẻ đẹp của ngôn ngữ”

Trong phương thức tự sự, ngôn ngữ trần thuật không những đóng vai trò then chốt, mà còn thể hiện phong cách, cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả. Ngôn ngữ trần thuật mang tính chính xác, cá thể hóa. Mỗi câu, mỗi chữ trong tác phẩm có thể chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, nhiều cách giải thích. Ngôn ngữ trần thuật còn là ngôn ngữ đa thanh vì đặc trưng của ngôn ngữ văn xuôi là sự tác động qua lại rất phức tạp giữa tiếng nói tác giả, người kể chuyện và nhân vật, giữa ngôn ngữ miêu tả và ngôn ngữ được miêu tả.

Do đổi mới tư duy nghệ thuật và cách tân về thi pháp nên hiện nay ngôn ngữ trần thuật còn mang tính hiện đại. Ngôn ngữ trần thuật không còn là tiếng nói quyền uy mà trở nên gần với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết; tính chất văn hóa vùng miền trong ngôn ngữ trần thuật thể hiện ở chất giọng nhà văn, người trần thuật không những kể chuyện mà còn chuyển tải những giá trị văn hóa nằm sâu dưới lớp ngôn ngữ, làm cho nội dung trần thuật phong phú, đặc trưng. Có thể thấy, một trong những cách tân của văn xuôi Việt Nam đương đại là sự đổi mới ngôn ngữ với sự xuất hiện một loạt các cây bút với nhiều phong cách mới và đa dạng như: Nguyễn Huy Thiệp, Đỗ Bích Thúy, Phạm Thị Hoài, Y Ban,…Không màu mè, không làm duyên làm dáng, Nguyễn Ngọc Tư có một lối viết văn giản dị, tự nhiên.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyên ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)