Kết cấu đảo trật tự thời gian, sự kiện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyên ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 73 - 77)

2. Lịch sử vấn đề

2.2.2.2 Kết cấu đảo trật tự thời gian, sự kiện

Nếu như truyện ngắn truyền thống thường kể theo trật tự thời gian tuyến tính từ quá khứ, hiện tại rồi đến tương lai, thì trong nhiều truyện ngắn hiện đại trật tự ấy đã bị đảo lộn. Biến cố truyện bị xáo trộn, không tuân theo

quy luật nhân quả hay logic của đời sống. Nghĩa là thời gian lịch sử và thời gian trần thuật không trùng khít. Nhà văn chủ động tạo ra sự xáo trộn về thời gian của hệ thống sự kiện xảy ra trong truyện nhằm phục vụ tối đa cho ý đồ nghệ thuật. Truyện có kiểu kết cấu này thường được mở đầu bằng những sự kiện của hiện tại, sau đó ngược dòng quá khứ rồi có thể từ đó, hướng tới tương lai. Ở truyện ngắn hiện đại chúng ta thấy các nhà văn sử dụng nhiều thủ thuật miêu tả dòng hồi tưởng của nhân vật. Theo đó, các mốc thời gian có thể kéo dài đến vô tận.

Có thể thấy trong nhiều truyện ngắn của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư kiểu kết cấu đảo trật tự thời gian, sự kiện thực sự tạo ra hiệu quả nghệ thuật.

Cánh đồng bất tận là một truyện ngắn có cấu trúc lỏng. Hệ thống sự kiện bị

phân rã, chắp nối theo chuỗi ký ức đứt đoạn của nhân vật tôi. Đó là một câu chuyện mở, một tác phẩm được dệt bởi sự đan cài giữa xúc cảm và suy tưởng của nhân vật chính trên phông nền là cuộc sống của những kiếp người nhọc nhằn, tủi cực. Xét về mặt văn bản, truyện được kết cấu thành 8 phần, được nhà văn đánh số rõ ràng. Từ cách kết cấu này, chúng ta có thể thấy rõ sự đảo lộn trật tự thời gian trong quá trình kể chuyện của nhà văn.

Trình tự sự kiện được kể Thời gian xảy ra sự kiện -1. Hai chị em Nương và Điền cứu cô gái điếm Hiện tại -2. Cuộc sống của gia đình khi có thêm cô gái Hiện tại -3. Ký ức về ngày bà mẹ bỏ đi Quá khứ xa -4. Cuộc sống lang thang sau ngày đó Quá khứ xa -5. Những cuộc tình chớp nhoáng của cha Quá khứ gần -6. Cha Nương trả thù đàn bà Quá khứ gần -7. Cô gái điếm bán thân cứu đàn vịt Hiện tại Điền bỏ nhà đi

Nương bị hãm hiếp

Nếu quan niệm hệ thống sự kiện là yếu tố cốt lõi của cốt truyện thì trục vận động chính của cốt truyện là quan hệ nhân quả. Nếu sắp xếp theo quan hệ

nhân quả và trật tự thời gian trong chuỗi sự kiện, thì cốt truyện của Cánh đồng bất tận được sắp xếp là: đoạn 3,4,5,5,1,2,7,8. Như vậy, có thể thấy trật

tự thông thường của thời gian sự kiện đã hoàn toàn bị phá vỡ. Từ thời gian hiện tại, nhà văn ngược về quá khứ, rồi lại quay về hiện tại. Truyện như một bức tranh ghép mảnh những mảng ký ức chắp nối, đứt đoạn của nhân vật hay chính là sự lắp ghép những thân phận, mảnh đời của các nhân vật. Ở đó, nhân vật tan chảy thành dòng cảm xúc hỗn độn giữa quá khứ và hiện tại, tâm cảnh và ngoại cảnh,…mà một sự phục dựng đầy đủ chỉ có được khi người đọc đã lật đến trang cuối cùng. Điều này đem đến cho người đọc cái hứng thú được thể nghiệm “một hiện thực chưa hoàn kết”, được cùng theo đuổi và trải nghiệm với nhân vật, tức là gia tăng sự tham gia của người đọc vào câu chuyện. Lối kể chuyện tự do này cũng giúp cho truyện ngắn phá vỡ khuôn khổ dung lượng chật hẹp, phần nào cạnh tranh được với tiểu thuyết về quy mô hiện thực được phản ánh trong tác phẩm.

Nước như nước mắt cũng là truyện ngắn có kết cấu đảo lộn thời gian

tuyến tính. Trên văn bản, Nguyễn Ngọc Tư cũng đánh dấu rõ ràng, truyện được kết cấu thành 7 phần. Qua đó, ta cũng nhận thấy sự đảo lộn trật tự thời gian trong quá trình kể chuyện của nhà văn

Trình tự sự kiện được kể Thời gian xảy ra sự kiện -1. Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai Hiện tại

-2. Nhà chức trách nghi ngờ chồng Sáo ăn trộm Hiện tại Sáo khẳng định chồng chết vì lá ngò gai

-3. Những ngày Sáo sống bên chồng Quá khứ gần -4. Lý do Sáo lấy chồng Quá khứ xa

-5. Sáo xin vào làm ở bè Đại Thanh, Hiện tại quyết tâm trả thù cho chồng

-6. Sáo tuyệt vọng vì không trả thù được Hiện tại

-7. Sáo đi theo Câu Nói - kẻ thù Hiện tại tiếp diễn

Nếu theo trật tự tuyến tính thì kết cấu truyện phải được sắp xếp lại là: đoạn 4,3,1,2,5,6,7. Trong truyện, từ biến cố trong hiện tại, nhà văn đã đưa nhân vật trở về quá khứ rồi quay lại hiện tại. Truyện vận động theo mạch tâm lý của nhân vật chính là Sáo. Các lớp sự kiện, biến cố được xâu chuỗi lại bởi mạch tâm lý đó. Nhờ vậy, nhà văn đã đưa người đọc vào những ngách sâu trong tâm lý nhân vật, những giằng xé giữa thù hận và thương yêu, giữa hiện thực và khát vọng,…

Cũng là một câu chuyện dài được in trong tập truyện mới nhất của

Nguyễn Ngọc Tư, Khói trời lộng lẫy là một truyện ngắn miên man đan xen

giữa ký ức, thực tại và ước mơ của một cô gái đã mang đứa em trai nhỏ của mình bỏ trốn cuộc sống phố thị đến sống tại một xóm nghèo trên chiếc Cồn hoang vắng của sóng nước miền Tây. Phần 1: mở đầu truyện là cuộc sống hiện tại của hai chị em Phiên ở xóm Cồn. Phần 2: Tôi nhớ lại ước mơ được làm ở Viện di sản thiên nhiên. Phần 3: Những lời đồn đại về lai lịch của hai chị em mà mọi người lầm tưởng là hai mẹ con. Phần 4: Tôi nhớ lại những ngày làm ở Viện di sản thiên nhiên. Phần 5: Tôi nhớ lại những ngày đầu sống ở xóm Cồn. Phần 6: Tôi nhớ lại kỉ niệm ngày làm ở Viện di sản thiên nhiên. Phần 7: Những ngày sống ở xóm Cồn. Phần 8: Kỉ niệm về mối tình dang dở với người đàn ông làm cùng Viện đã có vợ. Phần 9: Thằng Phiên lớn lên từng ngày, nó bắt đầu hỏi về bố, tôi càng thấy lo sợ. Phần 10: Tôi chia tay với Anh. Phần 11: Lí do tôi đưa Phiên đi. Phần 12: Tôi lo sợ mất Phiên khi xóm Cồn có sự xuất hiện của người ngoài. Phần 13: Thằng Phiên bỏ đi.

Kiểu kết cấu truyện này khiến cho câu chuyện vừa linh động vừa hấp dẫn. Truyện ngắn không chỉ là những lát cắt mà đã phản ánh được những mảnh đời, những số phận của nhiều nhân vật. Sức khái quát và quy mô phản ánh hiện thực của truyện ngắn được mở rộng hơn. Đó cũng là khuynh hướng tự sự giàu tính hiện đại, nó phù hợp với kiểu cốt truyện tâm lý - một đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyên ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 73 - 77)