2. Lịch sử vấn đề
3.2.2 Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
3.2.2.1 Giọng điệu trữ tình – lo âu, khắc khoải
Đây là giọng điệu nổi bật trong các sáng tác của nhà văn trẻ Nam Bộ. Trước sự đổi thay không ngừng của xã hội hiện đại, giọng điệu trong các sáng tác của các nhà văn trẻ cũng có nhiều biến đổi. Đó là giọng hoài nghi phản ánh tâm lý thất vọng trước thực tại xã hội; giọng chất vấn, đay đả đầy mỉa mai khi nói về những điều phi lý ở đời; giọng giễu nhại chống lại những nguyên tắc bảo thủ, lỗi thời;…Tự bao giờ, Nguyễn Ngọc Tư đã “gom góp những buồn vui” để viết, để “trả nợ” những yêu thương và cả những chấp chới, khổ đau mà chị nhận được từ cuộc đời. Chị đi sâu khai thác mảng hiện thực đang phơi bày ra trước mắt, một hiện thực đang được rung chuông báo động, ở đó đầy những va chạm, bụi bặm và ngột ngạt của cuộc sống đời thường. Chị viết về những con người chân lấm tay bùn thật thà, chất phác; những người nghệ
sĩ nghèo khổ thiết tha với nghề nhưng tất cả đều chung nhau một điểm, mỗi nhân vật mang trong mình một nỗi đau, một niềm “uẩn khúc riêng”. Vì vậy, giọng văn của chị vừa dung dị, sâu lắng; vừa bâng khuâng, trăn trở suy tư và đầy tâm trạng. Ở đó có cái mềm mại nữ tính của người con gái lại có cái khắc khoải, hụt hẫng, lo âu về những điều bất trắc sẽ xảy ra.
Chưa đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, chỉ nghe những nhan đề thôi đã
đậm chất thơ nhưng ẩn giấu những lo âu, khắc khoải. Đó là những: Ngọn đèn không tắt, Đau gì như thể…, Lý con sáo sang sông, Biển người mênh mông, Nước chảy mây trôi, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Cải ơi, Nhớ sông, Sầu trên đỉnh Puvan, Của ngày đã mất, Thổ Sầu, Nước như nước mắt, Khói trời lộng lẫy,…
Văn của chị vừa trữ tình nhẹ nhàng, vừa đầy tâm trạng suy tư được gọi ra bằng những câu văn nghe như nhạc: “Và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông
thênh thang mãi…” (Cánh đồng bất tận); “Chiều nay bìm bịp kêu, nắng chỉm lỉm theo” (Khói trời lộng lẫy). Nhiều câu trong trẻo và buồn như một bản vọng cổ hoài lang “tự dưng nghe buồn, nghe thất vọng quá trời đất” (Một mái nhà); “mà, lòng người là thứ dễ thương tổn, dòng sông cũng có thể cắt nát,
sau đó thì ánh mắt, tiếng nói, nước mắt,…”; “những buổi trưa tháng mười mờ
mờ, lợt lạt quay về trên khu phố nhà tôi” (Vết chim trời). Những câu văn nhoi
nhói một niềm đau: “Những cơn buốt lạnh chợt tới, chợt đi, thảng thốt”; “và em thấy mình thực sự trôi, bồng bềnh và mộng mị trong một không gian tối
dần, tối dần và rồi, bóng tối bắt đầu vô tận” (Gió lẻ). “Má thở dài, thở dài” (Chuyện của điệp). Những câu văn buông ra nhẹ nhàng lại có thể gieo vào
lòng người đọc những trăn trở, suy tư nặng trĩu về cuộc đời. Có được điều đó chính là nhờ tài năng và tấm lòng của nhà văn.
Nhiều khi đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư thấy sao buồn quá. Số phận con người thật nhỏ bé và đáng thương. Tuổi đời chưa nhiều nhưng hình như ở
nhà văn trẻ này vốn sống và kinh nghiệm đã có đầy. Chị viết giản dị nhưng không kém phần trữ tình, sâu lắng. Truyện của chị hầu hết là những khoảnh khắc tâm lý, nhẹ nhàng, ít tình tiết giật gân, nhưng đọc xong người ta cứ phải nghĩ. Những cuộc đời, những số phận luôn luôn bị bao bọc bởi những điều bất trắc, khổ đau. Hàng loạt câu văn bỏ lửng, hàng loạt dấu “…” giữa những trang văn:
“Biển người thì mênh mông vậy…” (Biển người mênh mông).
“May mà không bao giờ nhìn thấy nụ cười đó, nhưng câu nói con người Tiên thiệt thà, hỏi sao cậu biết thì cậu cười, “Thì đui thử như tui đi, rồi
biết…”. Trời, ai ngu sao…” (Nửa mùa).
“Ai mà biết, mùa này gió bấc hiu hiu lại về…” (Hiu hiu gió bấc). “Chớ biết làm sao, lỡ thương quá chừng rồi…” (Bến đò xóm Miễu).
“Đêm đó, ngoài nhà xuồng, nó nghe ông thở dài. Tự mình làm mình
chịu, ai biểu…” (Cái nhìn khắc khoải).
“Mà có đau, dường như cũng trễ…” (Cánh đồng bất tận).
“Chị không hỏi em đã đi đâu, chẳng ích gì…Đàn ông rong ruổi đường
xa đàn bà vật vạ ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà…” (Mộ gió).
“Osho nếu thật từng tồn tại, thì ông ta có nói những lời vá víu nỗi đau đó không? Vĩnh không biết. Nhưng cô gái bốn mươi hai kí lô là có thật…”
(Osho và bồ).
Đằng sau những dấu chấm lửng ấy là tâm trạng lo âu, thắc thỏm của nhà văn trước cảnh đời và tình người.
Giọng điệu trữ tình – lo âu đầy thắc thỏm còn được thể hiện qua việc sử dụng hàng loạt những câu hỏi tu từ. Đó là sự thổn thức trước cuộc đời đa đoan, sự vỡ nhẽ trước cuộc sống,…và cũng là sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn. Câu hỏi tu từ xuất hiện khá đậm đặc trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, tạo nên nét đặc trưng nghệ thuật trong sáng tác của chị. Nó thường
xuất hiện khi nhân vật phải tự đào sâu vào bên trong tâm hồn mình, tự hỏi mình để hiểu mình, hiểu đời. Nó có khả năng tái hiện tự nhiên, ám ảnh mọi diễn biến trong thế giới nội tâm nhân vật cho nên nó mang đậm chất trữ tình nhưng đầy khắc khoải, âu lo.
Sử dụng nhiều câu hỏi tu từ nhất có lẽ là truyện Cánh đồng bất tận.
Người kể chuyện cũng chính là nhân vật, tự cất lên tiếng lòng của mình khiến cho những câu hỏi cứ trào ra những day dứt, đau đớn xoáy sâu vào sự đồng cảm của người đọc:
“Chịu hết nổi cảnh sống này rồi hả? Bao giờ đi?”.
“Đêm nay, sao tôi thế này, vì nhìn thấy niềm hi vọng ư?”. “Có ai chờ chúng tôi trên những cánh đồng khơi?”.
“Tôi sặc ra một bụm cười, trời ơi, tôi biết lấy ai bây giờ?...Tôi biết lấy ai trong số đó?”.
Những cô đơn, lênh đênh, hi vọng rồi thất vọng trong lòng nhân vật bùng nổ trong những câu hỏi không lời đáp tạo ra sự da diết, ám ảnh về thân phận con người.
Nhiều khi đó là nỗi niềm bơ vơ, không bến đỗ trong cuộc đời:
“Nếu giật mình nghe tiếng khóc của cô gái gọi vào những khuya xa,
anh chỉ nằm im, nghĩ, sắp sáng rồi, bữa nay làm gì, đi đâu ta?” (Sầu trên đỉnh Puvan).
Hay những trăn trở, những dằn vặt không thể giải đáp cho dù có đi suốt cuộc đời:
“Vào những khoảnh khắc đó anh đã nghĩ gì, nghĩ gì, nghĩ gì?”.
“Tại sao tôi chọn thằng nhỏ này để làm chuyên đề khi có hàng ngàn
đứa trẻ khác? Tôi tìm kiếm, hi vọng gì ở đây?” (Khói trời lộng lẫy).
Đặc biệt khi những dấu chấm lửng, những câu hỏi ở kết truyện vừa day dứt, trăn trở vừa khơi mở ra chân trời cảm xúc, suy tư nơi độc giả:
“Con Nga đứng đằng sau, ngó cái lưng bắt đầu còng xuống của người cha, nghe gió thổi qua lòng mê miết, nghĩ mình ngu thiệt, mình nuôi hận người ấy làm chi đây, mình trả đũa làm chi, đổi lấy cái gì? Có đáng không những năm tháng dài vằng vặc? Những tâm hồn thương tổn? Và kia, một mái đầu bạc phơ xơ xác?
Có đáng không? Trời ơi, có đáng không?” (Đau gì như thể).
“Coi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước
chảy mây trôi?” (Nước chảy mây trôi).
“Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý
nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?” (Thương quá rau răm). “Hay vì tôi đang khóc, nên nghĩ vậy…” (Một chuyện hẹn hò).
“Nhưng cô muốn tới đâu? Tới đâu là tới đâu? Tới một chỗ nào?” (Cảm giác trên đây).
“Nó chỉ lấy cắp chiếc xe đạp thôi mà, mắc gì ông già mủi lòng đau đớn vậy? Làm như nó đã giết con nhỏ, không bằng…”
Có thể thấy, dấu chấm lửng và câu hỏi tu từ là phương tiện hiệu quả thể hiện giọng điệu trữ tình nhưng đầy khắc khoải, lo âu trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Giọng điệu này còn được thể hiện qua những từ ngữ,
hình ảnh đặc trưng như: “dòng sông”, “cánh đồng”, “gió”, “nỗi nhớ”, “giọt nước mắt”,…
Chính giọng điệu trữ tình – lo âu đầy khắc khoải đã tạo nên nét riêng cho những truyện ngắn của chị. Những lời tha thiết, những dòng cảm xúc của nhà văn trước cuộc đời bàng bạc trong từng trang văn, khiến người đọc truyện của chị xong rồi vẫn cứ suy nghĩ, trăn trở khôn nguôi.
Cùng với giọng điệu trữ tình – âu lo đầy khắc khoải, nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là chất giọng dân dã, mộc mạc.
3.2.2.2 Giọng điệu dân dã, mộc mạc
Với tấm lòng của một người ăn cơm nông dân, tắm nước sông và nghĩ về nông thôn với tất cả sự thuần hậu yêu thương, Nguyễn Ngọc Tư đã viết nên những câu chuyện mang đậm chất giọng tâm tình của người dân quê, mộc mạc mà chứa chan nghĩa tình. Văn của chị là văn của người nhà quê mang
cách cảm nhận của dân quê : “Nguyễn Ngọc Tư giỏi ở chỗ cái tưởng như không có gì mà Tư cũng viết được lại viết rất có duyên” [3, 1]. Từ cái duyên
ấy, chị khui mở trước mắt chúng ta những sinh hoạt thân thuộc, những tình cảm đời thường,…khiến chúng ta có thể khám phá sự phong phú của chính tâm hồn ta. Điều ấy trước hết được thể hiện ở cách kể chuyện hay lời nói của các nhân vật theo kiểu người dân quê. Không triết lý, màu mè hay rao giảng về đạo đức, họ nghĩ sao nói vậy. Đây là nỗi lo của người nông dân mất đất canh tác được diễn tả nhẹ nhàng, điềm tĩnh mà chứa chan xúc động: “Lát sau, anh cán bộ văn phòng hôm qua ra và ái ngại thưa: Kẹt quá chú ơi, sáng nay chủ tịch bữa nay phải dự triển khai chỉ thị gì đó, chú hẹn cuối giờ chiều. Chủ tịch dặn mấy lời chú vô Ủy ban ngồi nghĩ đỡ. Và Ba Già, trưởng đoàn Trảng Cỏ, ông già có gương mặt khắc khổ, nhăn nhó nhất, mạnh giỏi nhất, ăn nói văn vẻ trơn tru bỗng dưng hức lên, khóc ngon lành: Vậy là đất Trảng Cỏ trễ
thêm một mùa nữa rồi, mấy chú ơi” (Lỡ mùa). Còn đây là nỗi buồn của người
dân trước sự thay đổi của quê hương: “Tía nhìn thấy cảnh đó, ngao ngán lắc đầu. Lại nói, tao chết à, Đậu. Với tía tôi, chỉ ở Thổ Sầu hoặc chết, phải tía
kêu, mình dời đi chỗ khác, Đậu ơi” (Thổ Sầu). Câu văn với từ hô gọi “chú
ơi”, “Đậu ơi” gần gũi như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người lao động đã góp phần tạo nên giọng điệu dân dã mộc mạc.
Trong truyện Thương quá rau răm, chất dân quê được bộc lộ rất tự
nhiên khi kể về chuyện hai bạn trẻ đèo nhau đi chơi: “Quẹo qua quẹo lại, nói đất nói trời (chỉ thiếu lời thương yêu), cuối cùng hai đứa ra bãi đào khoai. Văn hỏi má Nga đâu, nó cười, chết rồi, chết hồi sanh em, chết trên xuồng”. Phải có sự thấu hiểu sâu sắc với đôi bạn trẻ, người kể chuyện mới có được giọng điệu đầy chia sẻ đó. Hay khi nói về anh chàng Lương nghèo khổ, xấu trai nhưng tốt bụng cũng vẫn là giọng điệu đó: “Chỉ Lương là già câng già cấc, già cóc thùng thiếc rồi mà chưa lấy vợ. Hỏi Lương, Lương cười hì hịch : “Tui xấu
muốn chết, ai mà thèm ưng…”. Lương xấu trai thật” (Bến đò xóm Miễu). Rồi
đến cách biểu hiện tình cảm rất mộc mạc của người nông dân : “Mỗi chiều Xuyến ra bến chơi, anh cũng xách dao dọn cỏ, tỉa cây gần đó, anh nói láp váp đủ chuyện dưới đất trên trời (như thể mình im lặng là Xuyến sẽ khóc mất). Anh nhằn gió trên trời, thổi chi cho tội, nhằn ai phơi khô cá thòi lòi không đặng nắng để bốc mùi thúi ủm. Nhằn cả chuyện độ rày giá gạo cá lên cao quá
chừng…(ủa, chuyện này mắc mớ gì đàn ông lo)” (Duyên phận so le). Với
giọng điệu đó, người kể chuyện kể về gia đình, ông bà, cha mẹ, hàng xóm,
những “nhân vật nhỏ bé”… với tấm lòng chan chứa yêu thương biểu hiện
qua giọng văn tâm tình của người dân quê, mộc mạc mà nghĩa tình.
Viết văn, Nguyễn Ngọc Tư không chỉ khui mở những tâm tình của người dân quê mình, chị còn đưa người đọc đến với thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt của Nam Bộ bằng giọng kể dân dã, mộc mạc. Đó là những trang văn viết về dòng sông như một người bạn tâm tình: “Đêm sông trăng, ngồi trên nhà có thể nhìn thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẫy chách bụp rất đều. Dài từ ngã ba Vàm đến đây, nước
chảy êm, khuất gió, những chiếc ghe đi đêm hay đậu lại, nghỉ ngơi” (Dòng nhớ). Hay những đoạn văn viết về cánh đồng hòa trộn giữa kể và tả: “Bây giờ,
gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng Bất Tận. Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những điền viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của
lúa” (Cánh đồng bất tận). Câu văn có chất thơ, đó là khúc nhạc lòng thiên
nhiên Nam Bộ dân dã, tự nhiên nhưng cũng đầy vẻ quyến rũ vút lên từ những trang văn của cô gái Nam Bộ. Đó còn là những lối đi, là con xóm nhỏ quen thuộc đối với người dân Nam Bộ: “Lối vô nhà trải đất đỏ, người đi ra đi vô đã mòn mấy hòn tròn tròn trọc lóc. Lối này đổ ra con đường xóm xáng múc hôn hang chạy dài tới Vịnh Dừa. Đi chút nữa là tới đám trâm bầu, chỗ con đập vào xóm Kinh Cụt, bẹ dừa kéo xuồng nằm vảnh cổ, có bẹ đã khô quắt, có bẹ còn tươi thơm. Xóm kinh ăn sâu vô đồng, từ vườn nhà Huệ dèo xéo về phía tây,
bỏ cánh đồng lúa lơ thơ gốc rạ là một vệt xanh rờn của dừa, của chuối” (Huệ lấy chồng). Cảnh sắc Nam Bộ tràn vào trong tác phẩm cứ gần gũi, tự nhiên
như chính vùng đất ấy: “Chân trời chỉ nước và cây, mặt trời mọc trên sông rồi lặn vào sông, bờ bắc bờ nam nhiều bụi rậm mọc hoang lẫn trong những chòm
cây cối. Chiều nay bìm bịp kêu, nắng chìm lỉm theo” (Khói trời lộng lẫy);
“Dọc triền sông, cỏ kết dày, từ trên bờ thò xuống nước như đất đang gục đầu gội tóc, những cây bần de xa khỏi mé sông, những cây sộp rũ rượi xõa chùm rễ nâu, những thân cau lẻ đâm thẳng lên trời, vài tiếng gà nhói lên xa xa…Những chiều phai, nhìn ra sông thấy lục bình trôi, lơ phơ mấy cái bông lục bình quá thì, cũng phai như chiều. Ngó ra sau nhà thấy một vạt đồng trũng sâu, ngoi lên mặt nước những bông lúa thưa thớt, xanh xao. Vườn cũ có vài cây vú sữa, mù u rụng trái đầy mặt đất, mấy bụi tre bụi trúc vút lên trời một
vòm xanh ngắt…” (Thổ Sầu).
Với giọng điệu dân dã, mộc mạc, Nguyễn Ngọc Tư đã trần thuật một cách dễ dàng với lời văn gần lời nói, ở đó, có sự mộc mạc, dung dị khi nói về cuộc sống vất vả của người dân Nam Bộ. Sự thiếu thốn về vật chất, sự khắc nghiệt của thiên nhiên được trải ra bằng chất giọng đặc sệt giọng quê Nam Bộ
“Buổi chiều đi làm mướn về, họ tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, rửa rau xong
dành rửa cá” (Cánh đồng bất tận). Hay nét sinh hoạt đặc trưng của một vùng
sông nước: “Sáng nay, má tôi lại ra đứng tần ngần ở chợ Ba Bảy Chín, một hồi, biểu con nhỏ chèo đò chèo dài dài chợ nổi. Chợ rao bán rau trái dậy động
cả một khúc sông” (Dòng nhớ). Văn của Nguyễn Ngọc Tư là văn của lời nói.
Câu chữ dùng rất nhiều khẩu ngữ, như được viết ra trong cuộc trò truyện thoải mái giữa bạn bè, người thân đã tạo nên giọng điệu tâm tình dân dã, tự nhiên:
“Chuyện Thi thế là thôi rồi, mấy thím buổi trưa ngồi quán chú Mười Ba cong miệng nói với nhau, nghe phong thanh Thi đi lại với con gái trưởng phòng giáo dục huyện, cô nọ mang thai, chuẩn bị cưới. Đâu nè, thầy Thi đâu có tệ như vậy. Ừ, nhưng nghe nói thầy Thi bị “gài” như trong Lan và Điệp.