Cái “tôi” kể chuyện người khác

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyên ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 29 - 31)

2. Lịch sử vấn đề

1.2.1.2Cái “tôi” kể chuyện người khác

Nhiều truyện của Nguyễn Ngọc Tư, người kể chuyện ngôi thứ nhất nhưng không kể chuyện mình mà kể chuyện người khác. Ở đó, “tôi” đóng vai trò của người quan sát, tỏ ra thấu hiểu cuộc đời, tâm hồn nhân vật và tái hiện

lại bằng lời kể của mình. Đó là những truyện: Dòng nhớ, Cái nhìn khắc khoải, Người năm cũ, Nước chảy mây trôi, Núi lở, Tình lơ,…

Không kể về những gì mình trải qua như cái “tôi” kể chuyện mình, cái “tôi” kể chuyện người khác chỉ giữ vai trò như một chứng nhân trong câu chuyện, kể lại những gì mình biết, mình chứng kiến. Nhờ vậy, những gì được kể mang tính chủ quan. Tuy không phải là đồng nhất nhưng dạng thức xuất hiện này của người kể chuyện được cho là hình thái của hình tượng tác giả - mang tiếng nói, quan điểm của tác giả. Tác phẩm trở thành một “chứng minh thư tâm lý” bởi với hình thức kể chuyện này nhà văn có cơ hội tự biểu hiện một cách có hiệu quả nhất.

Người kể chuyện trong Dòng nhớ cũng là nhân vật xưng “tôi”. Là

người trực tiếp chứng kiến câu chuyện đầy éo le của ba má mình và dì (vợ trước của ba), “tôi” đã kể lại những gì mình cảm nhận được, kể một cách điềm tĩnh nhưng rất thấu hiểu bi kịch của cha với nỗi đau khi đã phụ bạc dì: “không phải ba tôi không nhớ vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, cặp mắt như ngó mong, như hờn giận. Ba tôi vốn là người của sông mà. Ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi”. Người kể đã thực sự đồng cảm cùng cha mẹ mình với những cung bậc cảm xúc riêng tư nhất: “Mà, cũng vì ba tôi quên không được má tôi mới thương ông nhiều, sau nầy, lớn lên, biết

yêu thương rồi, tôi mới ngộ ra. Con người ta, nhất là đàn ông thương ai, mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào. Với tôi, ba tôi thì quên hay không cũng được, ba đã sống tốt với cả nhà tôi lắm rồi. Ông sống tử tế đến vô cùng, đến thừa, dường như ông gửi gắm tình thương yêu đến cả những người vắng mặt”. Đối với người cha của mình, người kể chuyện tỏ ra hiểu cha, thậm chí bao dung và thương cảm cho tình cảnh riêng tư của cha. Còn đối với má, nhân vật “tôi” cũng hiểu hết những tâm sự thầm kín, những dằn vặt trong lòng má: “má tôi bứt ba phải xa sông, nhưng chính bà cũng biết những dòng nhớ vẫn tiếp tục chảy mãi trong hồn ông…Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy”. Với vị trí là một người con, nhân vật “tôi” đã kể câu chuyện về ba má mình vừa chân thành vừa thấu hiểu và đầy vị tha.

Là người trực tiếp chứng kiến câu chuyện, nhân vật “tôi” trong Tình lơ

đã kể lại chuyện tình giữa ba người dì, dượng (chồng dì) và má mình. “Tôi” hiểu được cái cảm giác bẽ bàng khi Dượng Bảy nhận ra mình đã nhầm lẫn giữa hai chị em sinh đôi: “Dượng Bảy cũng cầm khay rượu há hốc ra, hết nhìn cô chị rồi tới cô em. Bẽ bàng. Lỡ làng”. Và những khổ đau trong cuộc sống vợ chồng được tạo ra từ sự nhầm lẫn đó cũng được người kể chuyện chứng kiến và kể lại thấm thía. Biết bao lần Dượng Bảy nói: “Cô không phải người tôi thương” với nhiều lí do: “…người kia thấy máu trên phim còn không dám nhìn…đàn bà gì đâu mà chua lè, người ta kia thơm phức như múi mít…người kia thấy người ta đánh nhau trên phim còn sợ…người kia tóc nắm một vốc, mướt rượi…người kia mủ mỉ thật thà…”. Và tình cảm thật của dượng sau bao năm sống cùng dì đã được tôi cảm nhận, thấu hiểu: “Buổi đó nhá nhem, đèn đỏ ối, dượng Bảy nhìn má tôi rồi ngơ ngác ngó quanh tìm dì, rướn cái cổ lên duợng nói từng chữ lục cà lục cục. “chị không phải người tôi thương…”.

Đồng thời, “tôi” cũng hiểu rõ tình cảnh trớ trêu của dì mình khi đứng trước cảnh tình chị mà duyên em: “Dì kệ, để tay mình ở đó, mặt héo lòng hon rồi bàng hoàng…nhưng dì biết nói gì cũng muộn, người nhầm lẫn là chồng dì, tối đó đúng là tối tân hôn”. Và sống cùng nỗi đau nhưng dì vẫn luôn yêu thương, cảm thông cho chồng: “Dượng nghe chảy nước mắt. Dì hết hồn, hớt hải nhắn xuống xóm Rẫy kêu má tôi qua, để an ủi tinh thần dượng”. Với cách kể này, câu chuyện vừa chân thực vừa khách quan. Người kể chuyện ở đây ít bộc lộ cảm xúc của mình, chỉ kể lại sự quan sát, cảm nhận tinh tế, sâu sắc của mình. Cách kể này đã tạo những “khoảng trống” cộng hưởng cảm xúc ở độc giả. Cái “tôi” chứng kiến và kể lại trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư thường có quan hệ gần gũi với nhân vật chính trong truyện kể. Bởi truyện của chị thường viết về những con người gần gũi với chính mình, những cảnh đời số phận thực như ùa vào mỗi truyện.

Chọn ngôi kể thứ nhất và điểm nhìn bên trong là kiểu kể chuyện quen thuộc trong truyện ngắn của nhà văn trẻ nhiều day dứt, trăn trở về cuộc đời, về con người, về nỗi đau,...Với cách kể này, Nguyễn Ngọc Tư thật sự khơi gợi được sự đồng cảm nơi bạn đọc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyên ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 29 - 31)