Chi tiết nghệ thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyên ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 60 - 63)

2. Lịch sử vấn đề

2.1.3.1 Chi tiết nghệ thuật

Trong mỗi truyện ngắn, chi tiết nghệ thuật đóng vai trò vật liệu xây dựng, làm tiền đề cho cốt truyện phát triển. Nên những truyện ngắn không có một cốt truyện tiêu biểu vẫn sống được là nhờ vào các chi tiết hay. Các chi tiết hay tạo cho tác phẩm có sức ám ảnh đối với người đọc. Nói về vai trò của

chi tiết nhà văn Nguyễn Công Hoan đã khẳng định “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết”. Chính Nguyễn Ngọc Tư cũng đã nói: “Truyện ngắn có thể có cốt truyện, thậm chí cốt truyện ly kì, gay cấn, kể được. Truyện ngắn có thể chẳng có cốt truyện gì cả, không kể được nhưng truyện ngắn không thể nghèo chi tiết. Nó sẽ như nước lã”.

Với Nguyễn Ngọc Tư, ấn tượng mà chị để lại qua mỗi truyện ngắn chính là những chi tiết nghệ thuật gợi nhiều ám ảnh

Trong truyện Làm má đâu có dễ, nhân vật chị Diệu thật đáng thương.

Là má, nhưng chị chưa bao giờ được con gọi bằng tiếng “má” bởi chị đã để con ở lại cho mẹ nuôi, đi theo niềm đam mê ca hát, thực hiện ước mơ trở

thành một cô đào hát nổi tiếng. Nỗi niềm đau đớn khi chị bỏ con chạy theo ước mơ chính là việc con gái chị không bao giờ nhận chị là má khiến cho nhiều lần đứng trên sân khấu lòng chị đau tê tái khi bạn diễn gọi mình là “má”. Tiếng gọi ấy đã đánh thức nỗi đau dai dẳng, sâu kín trong lòng cô đào hát. Hết băn khoăn, rồi chị thật sự hối hận, quyết định từ bỏ ánh đèn sân khấu để “về nhà làm con của má, làm má của con” thay cho ước mơ làm đào hát nổi tiếng. Chị đã dứt khoát quyết định trở về để được làm má đích thực. Nhưng San, con chị, đã coi chị như người dưng, như một người khách đến nhà chơi “Ủa, chế mới về hả? Hồi sáng này em nấu nước, nghe lửa cười, biết thể nào cũng có khách, hỏng dè là chế”. Nỗi đau bao năm nay càng trở nên đau đớn, quặn thắt hơn “Chị nghe niềm vui như ngọn đèn vừa bị thổi chao ngọn, San ơi, má là khách sao, má mà là khách à, con?”. Chỉ một chi tiết này thôi người đọc thấy được nỗi đau dồn nén của một người mẹ trước sự lạnh lùng của đứa con. Đó là nỗi bất hạnh, là sự mất mát dường như chị không bao giờ có thể lấy lại được, cũng không bao giờ có thể khỏa lấp được. Chính vì vậy, nó tạo ra sức ám ảnh đối với người đọc. Trong cuộc đời này, có bao nhiêu người chịu nỗi đau làm má như chị Diệu?

Cũng nhờ tài xây dựng chi tiết, Nguyễn Ngọc Tư đã diễn tả sâu sắc cái

cô đơn buồn tủi của Phi trong truyện ngắn Biển người mênh mông. Cuối

truyện, khi ông Sáu Đèo ra đi có tặng lại cho Phi con bìm bịp. Nhưng nó không ăn uống gì “cả đêm kêu thê thiết, những tiếng bịp bịp nhỏ xuống cái xóm Rạch Chùa từng giọt như giọt máu”. Không chịu được tiếng nó kêu, Phi đã thả cho nó đi. Ông Sáu Đèo cũng không trở lại. Vắng ông, sống giữa biển người mênh mông nhưng “không ai nhắc Phi cắt tóc đi, đàn ông đàn ang ai để tóc dài”. Ngày anh còn nhỏ, má anh theo chồng ra sống ngoài thành phố, anh ở với ngoại, ngoại là người quan tâm, nhắc nhở anh về tóc tai. Ngoại mất rồi, làm bạn với ông Sáu Đèo, ông là người nhắc anh cắt tóc. Giờ ông Sáu Đèo đi

mất không trở lại, cũng không còn ai nhắc Phi cắt tóc nữa. Chi tiết tưởng như bình thường ấy nhưng đối với Phi nó khơi gợi sự lẻ loi, cô đơn đến tận cùng của anh khi ở giữa biển người cô đơn. Như vậy, không cần biến cố, hay khắc sâu những diễn biến nội tâm, chỉ bằng một chi tiết nhỏ, Nguyễn Ngọc Tư đã khơi đúng cái mạch ngầm tâm trạng của nhân vật, thức dậy sự đồng cảm ở mỗi người đọc đối với Phi.

Góp phần làm nên thành công cho truyện ngắn Cánh đồng bất tận,

đánh dấu sự đổi mới trong hành trình sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư chính là những chi tiết đầy ám ảnh. Câu chuyện về hai chị em Nương và Điền sống trong sự thù hận của người cha khi bị vợ mình phản bội thật đáng thương. Sống lang thang nay đây mai đó hai đứa trẻ như cỏ cây hoang dại, chúng phải tự học đủ thứ, không biết thì thử, không hiểu thì chất thành khối trong lòng. Và nhiều khi để hiểu được một vấn đề nào đó chúng phải trả một giá rất cao. Chi tiết thằng Điền tìm được một cây ô môi nhỏ và hai chị em trồng cây, nhìn thấy cây bén rễ đã ao ước “Ước gì đây là đất của mình” thật đáng thương. Sống xa con người, lênh đênh khắp đồng này đến bãi kia, hai đứa trẻ khao khát được sống như con người bình thường. Rồi đến chi tiết về lần đầu tiên Nương ra máu tháng thật xót xa: “Máu chảy giữa hai đùi không tạnh được, tôi thụp xuống, bụm chỗ ấy lại. Máu từ từ chảy qua kẽ tay, tôi thấy mình rỗng ra, tái nhợt chết dần. Thằng Điền vói bứt đọt chuối, tọng vào miệng nhai ngốn ngấu, điên dại, để lấy bả rịt lại chỗ máu. Thuốc gò nghe nói cầm máu rất tốt, cũng chẳng ăn thua. Hai đứa nhìn nhau khóc, tôi đã mơ thấy ngôi mộ của mình, như chiếc giường giữa bốn bề đồng nước…”. Thật tội nghiệp cho đứa con gái dậy thì thiếu tình thương và sự chỉ bảo của người mẹ. Có những điều người ta chỉ gặp một lần trong đời, nên sự trải nghiệm đối với hai đứa trẻ trong truyện cũng không giúp được gì cho chúng. Bởi cái mà chúng cần là

tình yêu thương, là cuộc sống thực sự của con người lại là điều khó lòng mà chúng có được.

Sự thù hận không chỉ giết chết tuổi thơ tươi đẹp mà nó khiến con người trở nên tàn nhẫn đến đáng sợ. Sự xuất hiện của cô gái điếm khiến cuộc sống của chị em Nương ánh lên niềm hi vọng, thì sự tàn nhẫn của người cha như một gáo nước lạnh xua tan niềm hi vọng đó. Chi tiết trong bữa cơm sáng, khi nhà đủ mặt, người cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, với sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt đưa cho chị ít tiền và nói “Tôi trả cho hồi hôm…”. Người đàn ông bị phụ tình, bị nỗi hận thù giằng xé đã trở nên méo mó “cha hơi khác con-người. Nhạt nhẽo hơn cả việc quan hệ theo mùa, theo bản năng, trong cha tôi không còn một chút cảm xúc nào, nét mặt tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phũ phàng”. Con người như thế thật đáng sợ hơn cả thú dữ.

Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư chúng ta thấy rất ít những chi tiết dư thừa. Dù đặt ở vị trí nào trong tác phẩm, mỗi chi tiết đều là sự sắp đặt đầy nghệ thuật của nhà văn để chuyển tải nội dung truyện. Một số chi tiết thực sự gây ám ảnh, day dứt đối với người đọc.

Truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống. Để tái hiện thành công những lát cắt đó, nhà văn sử dụng những tình huống truyện, những chi tiết nghệ thuật đắt giá. Viết về những điều ngang trái, những nỗi đau,…trong cuộc đời này, Nguyễn Ngọc Tư đã sử dụng những chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyên ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)